Bình Dương có vị trí địa lý thuận lợi, tiếp giáp các tỉnh, thành Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, TP.Hồ Chí Minh; đồng thời có thế mạnh về công nghiệp, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao so với cả nước. Do đó, Bình Dương có tiềm năng lớn về phát triển dịch vụ logistics. Qua 2 năm (2017-2018) triển khai Kế hoạch thực hiện dịch vụ logistics tỉnh Bình Dương đến năm 2025, đến nay tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan.
Hoạt động xếp dỡ hàng hóa tại Cảng Tổng hợp Bình Dương Ảnh: DUY CHÍ
Tạo động lực thúc đẩy dịch vụ logistics phát triển
Thực hiện mục tiêu phát triển dịch vụ chất lượng cao theo tinh thần của Chương trình số 24-CTr/TU ngày 16-8- 2016 của Tỉnh ủy, trong đó giai đoạn 2016-2020 tập trung phát triển mạnh dịch vụ logistics thông qua việc khuyến khích thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ logistics, Bình Dương đã đạt được những kết quả tốt. Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết trong những năm qua tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi nhằm khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp phát triển dịch vụ logistics. Trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng việc quy hoạch đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy và đường sắt đủ khả năng kết nối giữa các khu, cụm công nghiệp của Bình Dương với các cảng sông, cảng biển quốc tế ở TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam, tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông nhanh chóng và thuận tiện. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành tăng cường cải cách thủ tục hành chính, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận.
Có thể thấy, nhờ tận dụng tốt lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ và hiện đại, cộng với sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp và thương mại - dịch vụ đã tạo ra động lực mạnh mẽ để Bình Dương vươn lên thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp. Trong điều kiện đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng; hệ thống kho, bãi, phương tiện vận chuyển liên tục được đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp; các dịch vụ cung cấp đa dạng và hiện đại như vận tải hàng hóa và hành khách, cho thuê kho, bãi, xếp dỡ hàng hóa, đóng gói bao bì và phân phối sản phẩm, khai thác cảng sông, cảng cạn (ICD), dịch vụ khai báo hải quan cơ bản đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tháng 8-2018, Hiệp hội Logistics tỉnh Bình Dương được thành lập, với mục tiêu tập hợp, đoàn kết, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, hiệp hội phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện nhiều hoạt động phát triển ngành dịch vụ logsistics mà trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực và quy hoạch thu hút đầu tư xây dựng một số công trình logistics trọng điểm, phát triển đô thị - dịch vụ làm tiền đề xây dựng Bình Dương trở thành đô thị loại I và xây dựng thành phố thông minh. Hiệp hội phấn đấu trở thành đầu mối liên kết quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistics của vùng Đông Nam bộ gắn kết chặt chẽ với các trung tâm logistics lớn của TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Phát triển đồng bộ hệ thống giao thông
Hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung tại các khu, cụm công nghiệp, gồm các lĩnh vực kinh doanh như vận tải/cho thuê container; xây dựng và cho thuê nhà xưởng, kho bãi; dịch vụ đóng gói, dán nhãn, thu gom, phân phối hàng hóa; dịch vụ bán cước phí tàu biển… Trong số này, có thể kể đến các đơn vị cung cấp các dịch vụ logistics cấp 2PL, 3PL như Công ty TNHH Mapletree Logistics (Singapore), Công ty Cổ phần giao nhận vận tải U&I, Công ty TNHH Kerry Interrated Logistics Việt Nam, Công ty Cổ phần kho vận Miền Nam... Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có các kho nhỏ lẻ nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp do doanh nghiệp đầu tư để cho thuê lại với diện tích từ 2.000 - 3.000m2.
Nhằm tạo nên một hệ thống giao thông mang tính kết nối khoa học, đồng bộ với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương đã triển khai thực hiện Quy hoạch chi tiết hệ thống bến thủy nội địa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để đẩy mạnh phát triển giao thông đường thủy, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động các tuyến giao thông quan trọng có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế của tỉnh. Cùng với đó, trong năm 2019 dự án cầu đường sắt Bình Lợi và cải tạo tuyến luồng sông Sài Gòn hoàn thành tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển vận tải trên tuyến sông Sài Gòn, hàng hóa từ các khu công nghiệp phía bắc của tỉnh được vận chuyển thông suốt đến cảng đầu mối, từ đó cắt giảm chi phí và giảm tải cho đường bộ.
Bên cạnh đó, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2 ICD đang hoạt động là ICD Sóng Thần (diện tích 50 ha) và Trung tâm Logistics Dĩ An (diện tích 100 ha). Hai ICD này có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, trang thiết bị xếp dỡ hiện đại, cung cấp dịch vụ logistics 3PL với các dịch vụ trọn gói chất lượng cao với quy mô lớn, đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp...
Phát huy tối đa lợi thế
Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết trong giai đoạn 2019-2020 tỉnh sẽ tập trung đầu tư và phát triển đồng bộ hạ tầng cứng và mềm phục vụ logistics nhằm phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý chiến lược của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ phát triển các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế, trở thành đầu mối liên kết quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistics của vùng Đông Nam bộ; đưa logistics trở thành ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao trong cơ cấu ngành thương mại-dịch vụ của tỉnh. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, đa số các trung tâm logistics đủ khả năng cung cấp dịch vụ cấp độ 3PL, 4PL và đến năm 2030 đạt cấp độ trên mức 5PL.
Trong giai đoạn này, tỉnh tiếp tục huy động hiệu quả mọi nguồn lực đẩy mạnh đầu tư các dự án logistics có chất lượng, quy mô lớn; đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn cao, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý, kinh doanh đủ năng lực cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế. Tỉnh cũng quan tâm hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý nhà nước ở địa phương trong quản lý chuỗi dịch vụ logistics bảo đảm trình độ phát triển dịch vụ logistics song song với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Về phía Sở Công thương, đã kiến nghị UBND tỉnh phát triển dịch vụ logistics đô thị trong điều kiện xây dựng thành phố Bình Dương thông minh.
PHƯƠNG LÊ