Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin: Tiềm năng “sánh đôi” thách thức!

Cập nhật: 05-05-2011 | 00:00:00

Là tỉnh có công nghiệp phát triển mạnh nhưng công nghiệp công nghệ thông tin (CN CNTT) của Bình Dương lại còn chậm so với nhiều địa phương khác, dù được đánh giá là có nhiều lợi thế. Bình Dương đang thiếu hẳn một chương trình mang tính chiến lược để phát triển CN CNTT.

Tiềm năng

Thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, toàn tỉnh có hơn 300 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong  lĩnh vực này, bao gồm: 3 DN sản xuất thiết bị văn phòng và máy tính, 83 DN sản xuất thiết bị điện tử; 51 DN sản xuất thiết bị truyền thông. Ngoài ra, còn có 20 DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT, giá trị sản xuất trung bình của mỗi DN 135 tỷ đồng/năm.

 

Thu hút nguồn nhân lực là vấn đề sống còn để phát triển CN CNTT

Theo niên giám thống kê năm 2009, giá trị sản xuất của ngành công nghiệp Bình Dương đạt khoảng 219.800 tỷ đồng. Trong đó, ngành CN CNTT đạt khoảng 17.800 tỷ đồng. Một con số rất khả quan so với các tỉnh khác (8,11%). Tuy nhiên, có một con số rất đáng chú ý khác, đó là giá trị sản xuất ngành CN CNTT tăng trung bình hàng năm khoảng 27% trong giai đoạn 2006-2009. Đây được xem là một tốc độ phát triển khá nhanh cho thấy ngành CN CNTT có khả năng tăng mạnh trong những năm tới nếu có sự quan tâm đầu tư đúng mức.

Đó là những tiền đề cơ bản để có thể phát triển mạnh nền CN CNTT, đúng theo tinh thần quyết định của Chính phủ về việc “Sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT” và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ IX đề ra. Ngoài ra, về chính sách phát triển CN CNTT, Bình Dương cũng có nhiều ưu ái để phát triển ngành công nghiệp có hàm lượng chất xám cao này. Theo định hướng chung, Bình Dương xác định CN CNTT là bước đột phá để kinh tế của tỉnh chuyển dịch sang nền kinh tế công nghệ cao, có tỷ suất lợi nhuận lớn.

Chủ yếu công nghiệp phần cứng

CN CNTT bao gồm công nghiệp phần cứng, công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số và công nghiệp viễn thông. Tuy nhiên, công nghiệp phần mềm và nội dung số của Bình Dương chưa phát triển. Ngành CN CNTT hiện nay của Bình Dương chủ yếu là công nghiệp phần cứng.

Trong tỉnh hiện chỉ có 2 DN hoạt động trong lĩnh vực phần mềm, chưa có DN làm về nội dung số. Bình Dương lại tiếp giáp TP.HCM, nơi công nghiệp phần mềm và nội dung số đã phát triển. Nguồn nhân lực thiếu hụt cũng được xem là một hạn chế to lớn đối với việc phát triển ngành CN CNTT Bình Dương.

Mục tiêu phát triển của ngành CN CNTT Bình Dương trong từng giai đoạn đã được vạch ra. Theo đó, từ năm 2011 đến 2015, Bình Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động gia công xuất khẩu phần mềm, mở rộng sang các dịch vụ gia công quy trình dựa trên nền CNTT. Bình Dương cũng tăng cường đầu tư nghiên cứu phát triển để có một số sản phẩm phần mềm, nội dung cốt lõi đủ sức cạnh tranh, bước đầu chuyển từ lắp ráp các sản phẩm phần cứng - điện tử sang sản xuất linh kiện, đẩy mạnh nội địa hóa sản phẩm. Giai đoạn 2016- 2020 còn được đặt ra nhiều mục tiêu hơn trong đó chú trọng đầu tư và phát triển các sản phẩm CNTT gắn kết cả phần cứng và phần mềm mang thương hiệu Việt... Tuy nhiên, trên thực tế, Bình Dương vẫn còn khá chậm trễ, chưa đạt được kết quả như mong muốn.

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=428
Quay lên trên