Vừa qua, Thành ủy Thủ Dầu Một (TDM) đã tổ chức tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TU ngày 19-5-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển đô thị TDM giai đoạn 2011-2015 và đề ra định hướng tiếp tục xây dựng và phát triển đô thị TDM giai đoạn 2016- 2020 và những năm tiếp theo. Theo đó, để đô thị TDM phát triển đúng hướng cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó cần tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách.
Phát triển rộng khắp
Theo đánh giá, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 32-NQ/ TU ngày 19-5-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển đô thị TDM giai đoạn 2011-2015, TP.TDM luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao và cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Đến cuối năm 2015, cơ cấu kinh tế của TP.TDM là dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp với tỷ lệ tương ứng là 60,88% - 39,03% - 0,09%. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm đầu tư khá tốt; chất lượng cuộc sống của nhân dân được nâng lên đáng kể. Đô thị TDM đã được phát triển rộng khắp và khá cân đối, nhất là hướng bắc, đông - bắc. Công tác quy hoạch, quản lý xây dựng và phát triển đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm theo quy hoạch và quy chế quản lý kiến trúc đô thị. Năm 2014, đô thị TDM đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II và hiện nay đã cơ bản đạt tiêu chí của đô thị loại I. 5 năm qua, thành phố đã tập trung nguồn vốn cho đầu tư phát triển; xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn chỉnh cả về giao thông, cấp - thoát nước, cấp điện - chiếu sáng đô thị, thông tin liên lạc, nhà ở và phát triển các lĩnh vực dịch vụ, thương mại. Lĩnh vực văn hóa-xã hội được đầu tư, phát triển đồng bộ. Công tác phát triển cây xanh đô thị và vệ sinh môi trường được quan tâm, góp phần tạo mảng xanh cho thành phố và môi trường xanh - sạch - đẹp.
Một góc đô thị Thủ Dầu Một nhìn từ trên cao xuống. Ảnh: Q.C
Để xây dựng con người mới, cư dân đô thị, thành phố cũng đã ban hành các kế hoạch về thực hiện nếp sống văn minh đô thị, bảo đảm an toàn giao thông, trật tự, vệ sinh môi trường. Qua đó, địa phương đã phát động trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, các tổ chức và doanh nghiệp tham gia và nâng cao ý thức về thực hiện nếp sống văn minh đô thị ở công sở, gia đình và nơi công cộng. Đặc biệt công tác đào tạo cán bộ cho phù hợp với quá trình phát triển đã được quan tâm. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức có trình độ từ cao đẳng trở lên đạt 83,6%, trên đại học 8,2%. Tỷ lệ cán bộ, công chức cấp phường có trình độ chuyên môn phù hợp với tiêu chuẩn chức danh đạt trên 90%.
Hướng đến đô thị xanh, thông minh
TP.TDM xác định giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo vẫn phát triển theo hướng văn minh, hiện đại; đầu tư phát triển hệ thống công trình kỹ thuật, hạ tầng xã hội từng bước đồng bộ theo quy hoạch, trong đó ưu tiên 3 xã mới lên phường; đầu tư các công trình tạo động lực, chất lượng bảo đảm cho sự phát triển bền vững của thành phố, tạo sức lan tỏa để phát triển ở các phường và kết nối vùng; từng bước phát triển “Đô thị xanh - thông minh” và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Thành phố cũng phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế, tìm ra động lực mới để xây dựng đô thị TDM ngang tầm với vị trí đô thị trung tâm của thành phố Bình Dương trong tương lai; huy động có hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, sự tham gia của nhân dân và vai trò của doanh nghiệp Nhà nước, Quỹ Phát triển quỹ đất của tỉnh để đầu tư xây dựng và phát triển thành phố.
Ông Võ Văn Minh, Bí thư Thành ủy TDM cho biết, để TP.TDM phát triển đúng hướng thì cần xác định phương hướng, đề ra nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trước tiên là xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Hiện nay, TP. TDM đang tập trung nguồn lực đầu tư các công trình bảo đảm cho thành phố đạt chất lượng các tiêu chí đô thị loại I; tập trung kêu gọi đầu tư các dự án khu đô thị, dịch vụ ven sông. TP.TDM cũng thực hiện cơ chế, thủ tục thông thoáng nhằm thu hút các dự án khu dân cư quy mô nhỏ gắn với chỉnh trang đô thị; tăng cường tổ chức có hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị”, trong đó chú trọng vấn đề vệ sinh môi trường, trật tự - mỹ quan đô thị, an toàn giao thông, văn hóa ứng xử. Song song đó, TP.TDM xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Cụ thể là tiếp tục bổ sung quy hoạch hệ thống giao thông đô thị kết nối với giao thông của vùng thông qua các tuyến đi ngang TP.TDM như đường vành đai 3, đường ven sông Sài Gòn, đường sắt đô thị Thành phố mới Bình Dương đến ga Suối Tiên…; phối hợp với Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp Becamex IDC xây dựng một số đề án phát triển “Thành phố thông minh” như cung cấp wifi miễn phí, trung tâm điều khiển giao thông thông minh kết hợp giám sát an ninh, trật tự, hệ thống điều khiển chiếu sáng…
Cũng theo ông Võ Văn Minh, để thực hiện được các mục tiêu đề ra, cần tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho thành phố. Chẳng hạn như trong phân bổ ngân sách, ưu tiên đầu tư, tạo quỹ đất sạch từ Quỹ Phát triển quỹ đất của tỉnh nhằm thu hút đầu tư, tạo nguồn lực phát triển hạ tầng tại một số khu vực ưu tiên cải tạo, chỉnh trang gắn với các dự án phát triển đô thị; phân cấp mạnh hơn cho thành phố trong một số lĩnh vực quản lý công sản, tài chính công; tuyển chọn viên chức giáo dục; xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục, y tế…
THU THẢO