Phát triển khoa học và công nghệ ở cơ sở: Đẩy mạnh liên kết, phối hợp

Cập nhật: 02-03-2018 | 08:20:21

Thời gian qua, Bình Dương đã đẩy mạnh áp dụng khoa học và công nghệ (KHCN) vào các lĩnh vực và đã đạt được những kết quả tốt. Tuy nhiên, việc phát triển KHCN ở cơ sở vẫn còn nhiều khó khăn, chưa phát huy hết tiềm lực sẵn có.

 Chuyển biến tốt

Theo đánh giá của Sở KHCN, những năm qua, ngoài việc triển khai các dự án, đề tài KHCN cấp tỉnh, sở đã triển khai các dự án, đề tài ở cơ sở theo đề xuất của địa phương, đồng thời phê duyệt các dự án áp dụng KHCN vào sản xuất của các tổ chức, doanh nghiệp (DN) và cá nhân. Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở KHCN cho biết, từ năm 2016, số lượng nhiệm vụ KHCN và phát triển công nghệ được các địa phương đề xuất đặt hàng đều tăng hàng năm. Các nhiệm vụ được đặt hàng chủ yếu gắn với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đơn vị chuyên môn của Sở KHCN kiểm tra Dự án Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh tăng hiệu quả sản xuất cây ổi lê Đài Loan tại huyện Bàu Bàng. Ảnh: N.LOAN

Về phía các địa phương, hoạt động nghiên cứu KHCN, ứng dụng KHCN vào sản xuất thời gian qua cũng được đẩy mạnh. Ông Trương Công Thạch, Phó trưởng phòng Kinh tế TX.Thuận An cho biết, thực hiện nghị quyết của Đảng bộ TX.Thuận An và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, nhiều đề tài, dự án KHCN đã được phê duyệt; đồng thời ngày càng có nhiều tập thể, cá nhân đăng ký tham gia thực hiện các đề tài, dự án áp dụng KHCN trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, môi trường, giáo dục… và bước đầu mang lại hiệu quả tốt.

Theo ông Lê Hiếu Liêm, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Bắc Tân Uyên, nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, thời gian qua, ngoài việc triển khai Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cam, bưởi cho các loại trái cam, bưởi trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên”, huyện cũng triển khai các nhiệm vụ KHCN cơ sở gồm Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất cây ăn trái có múi (cam, quýt, bưởi) theo định hướng nâng cao chuỗi giá trị sản xuất trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên” và Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể quýt cho trái quýt huyện Bắc Tân Uyên”.

Ghi nhận cho thấy, từ khi triển khai các đề tài, dự án KHCN, hoạt động sản xuất tại các địa phương trong tỉnh đã có bước chuyển biến rõ nét, tăng thu nhập cho người dân. Tại huyện Bắc Tân Uyên, áp dụng VietGAP vào sản xuất nông nghiệp thu nhập 1 ha trồng cây có múi đạt trung bình từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng mỗi năm. “Với 12 ha trồng bưởi theo chuẩn VietGAP, sau khi trừ chi phí, mỗi năm trang trại của gia đình tôi mang lại lợi nhuận gần 10 tỷ đồng”, ông Lê Văn Xê, chủ trang trại Phương Uyên ở xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên cho hay.

Ông Lê Văn Đạt, chủ vườn hoa lan ở phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một chia sẻ, tận dụng gần 1.000m2 đất trong khuôn viên nhà, ông đã trồng hoa lan. Nhờ áp dụng hiệu quả KHCN nên hoa lan tại vườn phát triển tốt, ít bệnh, cho hoa đều và đẹp, mỗi tháng sau trừ chi phí ông có lãi khoảng 12 triệu đồng.

Tăng cường kết nối

Hiện nay, vấn đề khó khăn trong việc phát triển KHCN ở cơ sở là ngoài việc thiếu nguồn nhân lực chuyên trách về KHCN thì sự kết hợp giữa cơ quan quản lý, nhà khoa học, tổ chức chuyển giao KHCN, DN còn hạn chế. Ông Thạch cho rằng, năng lực của bộ máy, cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý KHCN trên địa bàn TX.Thuận An còn mỏng, nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, địa phương hiện có ít đơn vị chuyên ngành KHCN hoạt động nên việc kết hợp giữa Nhà nước và các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong ứng dụng, cải tiến công nghệ mới vào trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, các kết quả nghiên cứu khoa học rất cần sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước để có điều kiện ứng dụng rộng rãi trong sản xuất. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ đầu tư hiện chưa kịp thời, thiếu các giải pháp tác động tích cực để KHCN trở thành động lực phát triển.

Do đó, để phát triển KHCN ở cơ sở, ngoài việc cung cấp thông tin các kết quả nghiên cứu KHCN cấp tỉnh phù hợp với địa phương để nhân rộng các mô hình, cũng cần đẩy mạnh hợp tác liên kết giữa các trường đại học, cao đẳng, các tổ chức KHCN nhằm bảo đảm những kết quả nghiên cứu xong sẽ có địa chỉ ứng dụng ngay. Ông Thạch đề xuất, để tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN ở cơ sở, cơ quan chức năng cần tiến hành khảo sát việc ứng dụng KHCN của các DN, hộ kinh doanh ở địa phương để kịp thời phát hiện và hướng dẫn các đơn vị có sáng kiến hoặc ứng dụng công nghệ mới, cải tiến công nghệ sản xuất để hỗ trợ kịp thời. Từ đó sẽ giúp đẩy mạnh liên kết giữa Nhà nước - DN, cũng như có sự hỗ trợ từ các viện, trường đại học để hoàn chỉnh công nghệ nếu DN cần.

“Sở KHCN sẽ chú trọng triển khai các nhiệm vụ KHCN theo hướng liên kết đặt hàng với các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức KHCN theo đề xuất của địa phương, nhất là những nhiệm vụ có tính thực tiễn cao. Bên cạnh đó, sở tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ DN, cá nhân đổi mới KHCN, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất…”, ông Cường nói.

HOÀNG PHẠM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên