Nghiên cứu khoa học tại phòng thí nghiệm. Từ ngày 21-22/3, lần đầu tiên, hội nghị Liệu pháp Gen và Miễn dịch Việt Nam (GIC-VN) được tổ chức tại Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh, với sự tham dự của 300 nhà khoa học, bác sỹ đến từ 11 quốc gia trên thế giới.
Hội nghị cập nhật những nghiên cứu khoa học mới nhất về lĩnh vực gen và miễn dịch học trong khoa học sinh học và phát triển phương pháp điều trị bệnh cũng như chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.
Qua hội nghị, các nhà khoa học tại Việt Nam có cơ hội được chia sẻ giao lưu học hỏi với những nhà khoa học quốc tế, đồng thời thúc đẩy phát triển lĩnh vực gen và miễn dịch học này tại Việt Nam.
Tại hội nghị, các đại biểu trình bày nhiều đề tài, công trình nghiên cứu khoa học như: liệu pháp miễn dịch tế bào trong ung thư; sự phát triển và ứng dụng mới nhất của phương pháp ghi hình ảnh quang học toàn phần trên các mô hình ung thư; liệu pháp vắcxin DNA chống lại sự xâm nhiễm của virus viêm gan B mạn tính.
Giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam phát biểu, ung thư là một trong những căn bệnh có khả năng gây tử vong cao nhất. Ước tính, có khoảng 70% bệnh nhân bị mắc bệnh ung thư đều tử vong.
Theo Quỹ Nghiên cứu ung thư thế giới, năm 2030, sẽ có 21 triệu trường hợp mắc. Tại Việt Nam, dự đoán sẽ có 150.000 trường hợp mắc bệnh trong năm 2013. Điều này cho thấy tốc độ gia tăng của căn bệnh này. Chính vì vậy, thành công của việc phát triển liệu pháp gen để điều trị bệnh ung thư trở nên rất ý nghĩa cho sự tiến bộ của khoa học và nhân loại.
Theo TTXVN