Phó Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Thanh Hà: Người dân không nên chủ quan trước các dấu hiệu của bệnh cúm

Cập nhật: 27-08-2014 | 09:36:54

Cúm A/H5N6 đã xuất hiện trên đàn gia cầm nuôi tại một số tỉnh, thành miền Bắc và miền Trung. Nguy cơ lây lan bệnh cúm A/H5N6 ra các tỉnh, thành khác là có thể nếu các địa phương không triển khai các biện pháp phòng chống kịp thời, hiệu quả. Để hiểu hơn về việc chủ động ứng phó của tỉnh Bình Dương như thế nào, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế…

Phó Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Thanh Hà (bìa trái) hỏi thăm và tuyên truyền cho người dân xã Bạch Đằng (TX.Tân Uyên) về kiến thức phòng chống dịch bệnh Ảnh: HỒNG THUẬN

 - Xin ông cho biết rõ hơn về tình hình dịch cúm A/H5N6 hiện nay như thế nào?

- Theo thông báo của Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết quả giám sát chủ động mới nhất đã phát hiện một số trường hợp dương tính với cúm A/H5N6 trên đàn gà nuôi tại huyện Tràng Định (Lạng Sơn) và trên đàn vịt nuôi tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Đây là lần đầu tiên vi rút cúm A/H5N6 được ghi nhận tại Việt Nam. Trước đó, chủng vi rút cúm này từng được phát hiện ở vịt trời và chim hoang dã tại Thụy Điển, Đức, Mỹ... Đáng lo ngại là kết quả xét nghiệm bằng giải trình tự gen của các mẫu vi rút cúm A/H5N6 phát hiện ở Việt Nam cho thấy có sự tương đồng đến 99% với chủng vi rút cúm A/H5N6 gây mắc và tử vong đầu tiên trên người tại Tứ Xuyên (Trung Quốc) hồi tháng 4 vừa qua. Tại Lào cũng đã phát hiện các mẫu xét nghiệm từ gia cầm dương tính với vi rút cúm A/ H5N6 nhưng không gây bệnh cho gia cầm tại tỉnh Luang Prabang vào tháng 7-2014. Bình Dương chưa phát hiện trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút cúm A/H5N6 trên gia cầm cũng như trên người.

Dù chưa có bằng chứng lây từ người sang người nhưng chủng vi rút cúm A/H5N6 vừa phát hiện tại Việt Nam được cảnh báo có độc lực rất cao. Hầu hết các chủng vi rút cúm khi gây bệnh cho người đều có những biểu hiện lâm sàng giống nhau như sốt, ho, mệt mỏi... trong khi đó, việc nhận diện và phân biệt các chủng vi rút cúm hiện nay đều phải dựa vào xét nghiệm. Do vậy người dân không nên chủ quan trước các dấu hiệu của bệnh.

- Trước diễn biến của dịch bệnh, ngành y tế đã triển khai những biện pháp gì để phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, thưa ông?

- Thực hiện Công văn số 5439/ BYT-DP ngày 14-8-2014 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng chống cúm A/H5N6 và sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành y tế Bình Dương đã có văn bản gửi các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh yêu cầu tập trung triển khai thực hiện một số hoạt động để phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến của vi rút cúm A/H5N6, các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để người dân biết và tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Đồng thời giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ và mới phát sinh, lấy mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng, viêm phổi nặng do vi rút, đặc biệt là các trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bị bệnh để phát hiện sớm các chủng vi rút có độc lực cao, cách ly kịp thời, triển khai công tác phòng chống dịch triệt để, không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng. Ngoài ra, sở cũng chỉ đạo các đơn vị củng cố các đội chống dịch lưu động và chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị, thuốc, hóa chất để thu dung, điều trị sớm các trường hợp bệnh, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong; tổ chức trực cấp cứu, trực chống dịch đúng quy định.

- Riêng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc… ngành đã có sự chuẩn bị như thế nào để sẵn sàng ứng phó nếu dịch bệnh cúm A/H5N6 xảy ra, thưa ông?

- Như đã nói ở trên, ngành y tế đã chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, hóa chất để thu dung, điều trị sớm các trường hợp bệnh, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong; tổ chức trực cấp cứu, trực chống dịch đúng quy định.

Thực tế, đối với các chủng vi rút cúm đều có các biện pháp phòng chống bệnh tương tự. Trước đây, khi xảy ra đại dịch năm 2009, ngành y tế đã được trang bị một số máy móc, phương tiện hiện đại dùng trong phòng và điều trị như: máy giúp thở, máy sinh hóa, máy monitor, xe cứu thương… Đến nay, các trang thiết bị, phương tiện này vẫn hoạt động tốt để sử dụng trong phòng chống dịch cúm A/ H5N6 (nếu dịch xảy ra). Hiện nay, các bệnh viện đều có khu vực cách ly để điều trị người bị mắc các bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm, trong đó có bệnh cúm A. Ngoài ra, các y, bác sĩ tại các bệnh viện, các đơn vị dự phòng đều được tập huấn nhiều lần phác đồ điều trị bệnh cúm A cũng như các biện pháp phòng dịch.

Đặc biệt, lãnh đạo UBND tỉnh luôn quan tâm hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch hàng năm cho ngành y tế, giúp ngành y tế chủ động hơn trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Nguồn hóa chất phòng dịch (dùng để sát trùng, tẩy uế) luôn được ngành y tế quan tâm chỉ đạo dự trữ tại các đơn vị hệ dự phòng và các cơ sở khám, chữa bệnh. Vì vậy, nếu có dịch xảy ra trên địa bàn, thì Bình Dương sẽ đủ khả năng khống chế.

- Xin cảm ơn ông!

HỒNG THUẬN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=685
Quay lên trên