Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Bình Dương có đủ năng lực, can đảm bứt phá để thành công”

Cập nhật: 08-02-2021 | 14:24:53

Bình Dương hiện đã đạt được nhiều kết quả trong tiến trình phát triển kinh tế, xây dựng thành phố thông minh (TPTM). Tiếp nối và mở rộng Đề án TPTM, hiện tỉnh đang xây dựng Vùng đổi mới sáng tạo (ĐMST) Bình Dương. Đón xuân mới Tân Sửu 2021, P.V Báo Bình Dương đã có dịp trao đổi với PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam xung quanh quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh nhà.


Bình Dương có cách tiếp cận thể chế tốt, đồng thời được đánh giá có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại để phục vụ doanh nghiệp, phục vụ các nhà đầu tư. Trong ảnh: Đường vào Khu công nghiệp VSIP

- Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển hạ tầng và đô thị của tỉnh Bình Dương trong thời gian qua?

- Trong thời gian qua, Bình Dương đã thực hiện nhiều chương trình đột phá, huy động tốt các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế. Bình Dương đã có bước nhảy rất ngoạn mục, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp và đô thị. Tốc độ đô thị hóa ở Bình Dương rất cao, trên nền tảng quy hoạch đô thị bài bản, định hướng hiện đại, gắn với xu thế phát triển đô thị sinh thái và thông minh. Điều đó cho thấy lãnh đạo tỉnh Bình Dương thật sự có tầm nhìn xa trong chiến lược phát triển.

Một trong những lý do chính giải thích điều này chính là việc Bình Dương xác lập và kiên định với quan điểm “phát triển dựa vào hội nhập quốc tế và đua tranh quốc tế”. Theo tôi, không hề là tình cờ khi Bình Dương thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, cũng là địa phương có cách tiếp cận phát triển đô thị hiện đại. Quan điểm hội nhập của Bình Dương định hướng phát huy lợi thế và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế. Trong logic này, đặc sắc là ở chiến lược phát triển, một mặt lấy đô thị cạnh tranh làm mục tiêu, mặt khác coi phát triển đô thị hiện đại là phương thức chủ yếu để tăng năng lực cạnh tranh. Tuy trong quá trình phát triển của Bình Dương không phải mọi việc đều suôn sẻ - vì bị tác động rất mạnh bởi các yếu tố bên ngoài. Song kết quả phát triển mà tỉnh đạt được cho đến nay theo tinh thần hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là rất thuyết phục.

Bình Dương là địa phương triển khai rất sớm chiến lược xây dựng đô thị thông minh, đăng cai tổ chức hàng loạt hội nghị, diễn đàn tầm cỡ quốc tế như Hội nghị TPTM, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (Horasis)... Bình Dương cũng tích cực gia nhập các tổ chức uy tín của thế giới như Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF), Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA), Hiệp hội các Trung tâm Thương mại thế giới (WTCA). Liên tiếp hai năm 2018 và 2019, Vùng thông minh Bình Dương được ICF vinh danh là một trong 21 khu vực có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu của thế giới. Đó là những bằng chứng có tính thuyết phục mạnh mẽ hơn bất kỳ lời ngợi khen nào đối với Bình Dương.

- Theo ông, Bình Dương đang có những điều kiện, cơ sở nào để thực hiện thành công đề án Vùng ĐMST?

- Có thể coi ĐMST là một nấc phát triển bậc cao của TPTM. Đây là cách tiếp cận phát triển động, nhằm tạo động lực phát triển dựa trên nền tảng không ngừng ĐMST. Tôi không ngạc nhiên khi Bình Dương tự chuyển mình từ TPTM sang ĐMST. Xây dựng thành phố mới Bình Dương là theo định huớng đó. Về thực chất, cách tiếp cận xây dựng thành phố mới Bình Dương là hướng đến cải cách thể chế để thúc đẩy sáng tạo. Cách tiếp cận đô thị thông minh cũng là cách ĐMST, hướng tới một trung tâm ĐMST, với hạt nhân là Trung tâm Nghiên cứu phát triển (R&D), Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo. Theo tôi, cách làm này thông minh và khôn ngoan, bảo đảm cho Bình Dương đi sau nhưng có thể vượt trước. Bình Dương ở sát TP.Hồ Chí Minh, vẫn xây dựng các trường đại học - nhưng là đại học với những chuyên ngành “đẳng cấp cao”, tạo cơ sở cho việc phát triển thành trung tâm ĐMST hiện đại.

Nên lưu ý rằng, các doanh nghiệp đầu tư ở Bình Dương có chất lượng khá cao và đều cam kết gắn bó lâu dài với sự nghiệp phát triển Bình Dương. Nếu liên kết được các doanh nghiệp này với định hướng ĐMST, tỉnh sẽ tạo ra được những nguồn quỹ, những động lực thúc đẩy phát triển các trung tâm ĐMST, “chuyển hóa” chúng thành trung tâm khởi nghiệp, thì khái niệm Vùng ĐMST mà Bình Dương phấn đấu trở thành sẽ thực sự có ý nghĩa thực tiễn to lớn.

Hơn 20 năm qua, Bình Dương phát triển công nghiệp nhưng với nền tảng công nghệ không cao. Hiện nay, Bình Dương “tái định hướng” phát triển, một mặt, “chuyển giao công nghệ VSIP” ra cả nước, mặt khác, chuyển sang hệ thống công nghiệp công nghệ cao. Hiện nay, Việt Nam đang là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trên thế giới. Bình Dương lại là điểm sáng thu hút đầu tư của Việt Nam.

Tất nhiên, Bình Dương là tỉnh có cách tiếp cận thể chế tốt để phục vụ doanh nghiệp, phục vụ các nhà đầu tư. Nhưng thời đại đã đổi thay mạnh mẽ, thể chế chung của nền kinh tế vẫn còn nhiều trói buộc nên để thực sự trở thành “thỏi nam châm mạnh”, thu hút được những nhà đầu tư tốt nhất, Bình Dương vẫn phải tiếp tục nỗ lực cải cách thể chế hơn nữa. Nguy cơ bị rớt lại vẫn hiện hữu, cho dù tôi chưa bao giờ nhận thấy ở Bình Dương tính tự mãn hay dấu hiệu mệt mỏi trong cuộc đua tranh phát triển.

- Để biến cơ hội thành thế mạnh, Bình Dương cần tập trung giải quyết những vấn đề gì trong thu hút nguồn vốn thế hệ mới, nguồn vốn đầu tư công nghệ cao, thưa ông?

- Xây dựng Vùng ĐMST, Bình Dương cần chú trọng tạo lập môi trường văn hóa ĐMST, khởi nghiệp, trong đó, cốt lõi là cơ chế cạnh tranh bình đẳng, hệ thống thể chế - bao gồm hệ thống luật lệ và chính sách - bảo đảm công khai, minh bạch, đáp ứng các yêu cầu hội nhập quốc tế hiện đại.

Một nội dung khác, cũng có ý nghĩa quyết định không kém là một hệ thống khuyến khích ĐMST và khởi nghiệp phù hợp. Đây là điều không dễ dàng vì năng lực ĐMST thực tế của Việt Nam nói chung, của doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Bình Dương nói riêng còn hạn chế. Nếu sự chú ý quan tâm không đúng mức, nguy cơ chết yểu của các ý tưởng ĐMST là rất cao, trong khi các doanh nghiệp khởi nghiệp dễ bị nước ngoài lôi kéo nhờ có môi trường đầu tư hấp dẫn hơn. Cơ chế khuyến khích ĐMST tốt và môi trường kinh doanh công khai minh bạch, cộng với một chính quyền thông minh - đó là những yếu tố cốt lõi mà Bình Dương cần có để vượt lên trong cuộc đua tranh thu hút đầu tư hiện đại nà y.

Tất nhiên, Bình Dương còn phải xây dựng hệ thống hạ tầng kết nối - cứng và mềm - tốt, có nguồn nhân lực chất lượng cao. Nên nhớ, Bình Dương ở cạnh TP.Hồ Chí Minh, ở trong một vùng có tính cạnh tranh phát triển giữa các địa phương rất cao. Nhưng tôi tin Bình Dương có đủ năng lực và can đảm cho sự bứt phá lần 2, lần 3 để đạt được thành công, cũng như Bình Dương, cả nước đang mong đợi.

Chúc Bình Dương một năm mới thành công.

- Xin cảm ơn ông!

PHƯƠNG LÊ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=817
Quay lên trên