Năm 2020 là một năm đặc biệt. Tình hình thế giới, khu vực đều biến động nhanh chóng. Dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên thế giới cũng như các khu vực và cả trong nước đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, chính trị, kinh tế, đặc biệt là đến sức khỏe người dân. Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn bộ hệ thống chính trị đã thực hiện tốt nhiệm vụ kép, đó là vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời vẫn giữ được môi trường ổn định, phát triển kinh tế - xã hội. Đây là thành tích lớn lao của đất nước trong năm 2020, cũng là cơ sở thuận lợi cho các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong năm 2020.
Khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, các hoạt động đối ngoại chung trên thế giới đều bị ảnh hưởng rất lớn. Việt Nam cũng không ngoại lệ nhưng các hoạt động đối ngoại năm 2020 vẫn được triển khai ở cả bình diện đối ngoại song phương lẫn đối ngoại đa phương. Chúng ta duy trì được quan hệ với các đối tác bằng việc chuyển đổi hình thức, tăng cường trao đổi thông qua điện đàm, họp trực tuyến với lãnh đạo cấp cao của các nước. Đã có trên 30 cuộc điện đàm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam, từ đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đến Chủ tịch Quốc hội và các cấp khác với lãnh đạo hầu hết các nước quan trọng trên thế giới cũng như các nước khu vực trong năm 2020. Trong các cuộc điện đàm đó, nội dung về tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước vẫn được triển khai. Đây là điểm đặc biệt đối với đối ngoại Việt Nam, bởi thông thường hàng năm có khoảng gần 20 chuyến thăm của cấp cao các nước đến Việt Nam cũng như Việt Nam ra các nước. Điều đó cho thấy Việt Nam vẫn duy trì quan hệ với tất cả các nước quan tr ọng.
Năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò là Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41 (AIPA 41); đồng thời là Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đến thời điểm này, chúng ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vai trò Chủ tịch của ASEAN 2020, của AIPA 41 cũng như của năm đầu tiên của thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với những kết quả cụ thể. Đó là, tiếp tục đưa được sự đoàn kết, gắn kết vai trò trung tâm của ASEAN trong thích ứng với những biến động trên thế giới, trong khu vực và với từng nước. Đồng thời, Việt Nam đã đóng góp vào các vấn đề trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với tâm thế của một nước có tiếng nói, vai trò và là đại diện của các nước đang phát triển cũng như các nước trung bình và nhỏ trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Về hội nhập kinh tế, trong năm 2020, Việt Nam đã triển khai thúc đẩy, thông qua phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA); thúc đẩy cùng các nước ký kết được Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đó là những nội dung đóng góp vào hoạt động kinh tế đối ngoại quan trọng của đối ngoại Đảng và Nhà nước.
Cũng trong năm 2020, một nhiệm vụ đối ngoại quan trọng được triển khai hiệu quả, đó là bảo hộ công dân trong tình hình mới. Khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên thế giới và khu vực, nhu cầu bảo hộ công dân của Việt Nam ở nước ngoài lớn chưa từng có. Số cuộc gọi của công dân hỏi về các lĩnh vực liên quan đến bảo hộ người dân ở nước ngoài thông qua tổng đài điện thoại về bảo hộ công dân đã tăng gần 200% trong năm 2020 cho thấy nhu cầu bảo hộ công dân ở bên ngoài rất lớn. Việt Nam là một trong số ít các nước đã tổ chức chuyến bay đưa công dân Việt Nam đang mắc kẹt có mong muốn trở về nước. Chỉ tính riêng trong năm 2020, Việt Nam đã triển khai hơn 260 chuyến bay đưa hơn 73.000 công dân Việt Nam ở 59 quốc gia trên thế giới trở về nước an toàn.
Một lĩnh vực đáng ghi nhận, năm 2020, công tác quảng bá Việt Nam ra nước ngoài tiếp tục được triển khai. Việt Nam đã hy vọng với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, phóng viên báo chí nước ngoài sẽ đến Việt Nam, qua đó góp phần quảng bá về đất nước, con người Việt Nam. Nhưng dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc này. Lực lượng báo chí Việt Nam đã tăng cường quảng bá Việt Nam thông qua một phương thức mới, đó là nền tảng số giúp công tác này vươn xa so với những nền tảng thông thường trước đây.
Đối với vấn đề biển Đông, năm 2020 tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều yếu tố bất ổn định. Tuy nhiên, chúng ta tiếp tục duy trì được môi trường ổn định ở biển Đông thông qua nhiều biện pháp, trong đó các biện pháp về quan hệ song phương với các nước. Tại tất cả các cuộc trao đổi của lãnh đạo cấp cao với các nước cũng như tiếp xúc của các cấp, vấn đề biển Đông luôn được Việt Nam nêu với mục tiêu, yêu cầu bảo đảm được môi trường hòa bình, ổn định tại biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), không có các hành động làm phức tạp tình hình tại biển Đ ông.
Cùng với đó, tại các hội nghị quốc tế, trong ASEAN, Việt Nam đã nêu vấn đề biển Đông và tạo được sự đồng thuận, ủng hộ trong khu vực cũng như bên ngoài. Chúng ta vẫn tiếp tục các hoạt động kinh tế bình thường trên những vùng biển hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.