Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2020 của EVN. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức ngày 12/1, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ năm 2020 mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng EVN đã nỗ lực vượt qua, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, EVN đã thực hiện tốt nhiệm vụ điều phối, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của nhân dân.
Nộp ngân sách gần 28.000 tỷ đồng
Theo báo cáo của EVN, năm 2020 tổng công suất nguồn điện của EVN và các đơn vị thành viên đạt khoảng 29.638 MW, chiếm khoảng 43% công suất đặt của toàn hệ thống (69.300 MW).
Riêng điện thương phẩm đạt 216,95 tỷ kWh đạt 100,12% kế hoạch và tăng 3,42% so với năm 2019.
Năm 2020, EVN đã thực hiện nhiều giải pháp về kỹ thuật, về tài chính, đảm bảo Công ty mẹ và các đơn vị đều có lãi; trong đó lợi nhuận công ty mẹ ước đạt 1.527 tỷ đồng và nộp ngân sách 27.800 tỷ đồng.
Cũng theo đại diện EVN, chỉ tiêu tổn thất điện năng ước đạt 6,42% vượt chỉ tiêu đề ra (6,5%), đứng thứ 3 khu vực ASEAN và đã tiệm cận với tổn thất điện năng của các nước phát triển.
Cùng với đó, năng suất lao động đạt 2,52 triệu kWh/người vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao trong kế hoạch 5 năm (2,5 triệu kWh/người), tăng 3,7% so với năm 2019.
Về triển khai các dự án điện nông thôn được giao, đến nay 100% số xã trên cả nước có điện; 99,54% số hộ dân được sử dụng điện, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,3%.
Đề hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trong thời gian tới, đại diện EVN kiến nghị Chính phủ chấp thuận bảo lãnh thu xếp vốn cho các dự án nguồn điện do EVN làm chủ đầu tư và phê duyệt Chiến lược phát triển Tập đoàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, EVN cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế chính sách đặc thù các dự án điện cấp bách đã được Bộ Công Thương báo cáo mới đây. Đặc biệt là chỉ đạo các địa phương hỗ trợ EVN và các đơn vị thành viên thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng để tạo điều bằng để đẩy nhanh tiến độ các công trình nguồn và lưới điện.
“EVN kiến nghị Bộ Công Thương sớm trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch điện VIII để làm cơ sở cho EVN các đơn vị triển khai thực hiện, cũng như các bộ tiếp tục ưu tiên bố trí các nguồn vốn ODA, vốn vay nước ngoài để đầu tư các dự án điện của EVN…,” đại diện EVN nêu ý kiến.
Phải phát triển EVN thành tập đoàn kinh tế mạnh
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nhiệm vụ năm 2021 và những năm tới là hết sức nặng nề, vì vậy trong thời gian tới EVN phải bảo đảm vững chắc an ninh cung ứng điện; cung cấp đầy đủ điện năng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Cùng với đó là phát triển hạ tầng ngành điện đồng bộ, thông minh và hiện đại, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN cũng như đẩy nhanh việc xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh…
Đáng chú ý, lãnh đạo Chính phủ định hướng phát triển EVN thành tập đoàn kinh tế mạnh, có trình độ công nghệ quản lý hiện đại và chuyên môn hoá cao, hội nhập quốc tế; đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của Tập đoàn, không chỉ trong nước mà ở cả khu vực và thế giới.
Trước yêu cầu phát triển của nền kinh tế, Phó Thủ tướng yêu cầu EVN tham mưu, phối hợp với Bộ Công Thương để thực hiện hoàn thành quy hoạch điện VIII, trong đó tập trung xác định rõ quy mô, tổng công suất nguồn điện cho từng giai đoạn và cơ cấu nguồn điện; vận hành an toàn, ổn định và tối ưu hệ thống điện quốc gia để khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng của đất nước.
"Tập trung phát triển thị trường điện lực theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào vận hành chính thức từ năm 2023…," Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý thêm.
Trước kiến nghị của EVN, Phó Thủ tướng đề nghị Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ Công Thương, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, … tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh các thủ tục về quản lý vốn, tài sản, đầu tư xây dựng để EVN thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương, phối hợp với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổng hợp tất cả các kiến nghị EVN nêu tại Hội nghị, kiến nghị phương án xử lý, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ để kịp thời tháo gỡ./.
Theo TTXVN