Bình Dương có trên 19.000 ha rừng và đất lâm nghiệp nằm rải rác ở 3 huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo và Tân Uyên. Vào mùa mưa, cỏ dại, thực bì phát triển mạnh, đến mùa khô thì đây là nhân tố dẫn đến khả năng gây cháy cao, đặc biệt là rừng phòng hộ Dầu Tiếng, đây là rừng phòng hộ ở núi cao, nhiều đá lộ đầu nên cây trồng phát triển chậm. Khi xảy ra cháy rừng sẽ rất khó khăn trong việc cứu chữa do núi dốc cao hiểm trở, xe chữa cháy không lên được; hầu hết phải dùng sức người để chữa cháy!
Nơi nào có rừng ở đó có công tác phòng cháy
Toàn tỉnh có hơn 19.000 ha rừng và đất lâm nghiệp; trong đó huyện Dầu Tiếng có 3.897 ha rừng phòng hộ, 245 ha rừng sản xuất; huyện Phú Giáo có 5.902 ha và huyện Tân Uyên có 889 ha. Rừng ở đây đa số là rừng tái sinh, rừng trồng mới, cây gỗ còn nhỏ, độ tán che phủ chưa đạt yêu cầu kỹ thuật.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bình Dương đã thành lập Ban Chỉ huy Phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) do đích thân Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban nhằm chỉ đạo, giải quyết các vấn đề cấp bách trong bảo vệ và PCCCR. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tham gia đầy đủ các lớp huấn luyện nghiệp vụ về PCCC do cảnh sát PCCC TP.Thủ Dầu Một tổ chức, bao gồm nhiều nội dung quan trọng như: Luật PCCC; kỹ năng, thao tác sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ; an toàn PCCC tại công sở và gia đình nhằm nâng cao hiểu biết về PCCC và cứu nạn cứu hộ khi có sự cố xảy ra. Chi cục Kiểm lâm cũng đã xây dựng kịch bản diễn tập chữa cháy rừng tại khu rừng Oxfarm - Gò Sọ thuộc địa bàn TX.Tân Uyên với hơn 90 người tham gia.
Trong quý I-2014, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo công tác PCCCR cho các đơn vị: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Dương, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương, Ban Quản lý rừng phòng hộ Núi Cậu - Dầu Tiếng, Ban Quản lý rừng Tân Uyên… đồng thời thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các phương án PCCCR của các đơn vị quản lý rừng. Chi cục Kiểm lâm bố trí cán bộ, nhân viên thường xuyên tuần tra, trực PCCCR 24/24 giờ ở các chòi canh lửa tại rừng trong thời gian cao điểm. Đối với rừng trồng và rừng tự nhiên, yêu cầu các chủ rừng xây dựng phương án PCCCR; chủ động kiểm tra, phát dọn thực bì, làm đường băng cản lửa. Nghiêm cấm sử dụng lửa trong rừng để phục vụ mục đích cá nhân; xử lý nghiêm các tổ chức, chủ rừng và cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác PCCCR. Tập huấn nghiệp vụ, kỹ thuật PCCCR cho các chủ rừng và tổ, đội quần chúng, quản lý bảo vệ rừng. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, trang thiết bị, kinh phí PCCCR theo phương án đã được UBND tỉnh phê duyệt. Mặt khác, chi cục cũng đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong công tác PCCCR; sẵn sàng xử lý các tình huống cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”: Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Chú trọng tuyên truyền, kiểm tra, quản lý rừng
Thực hiện quy chế phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm và các lực lượng dân quân tự vệ trong công tác bảo vệ rừng, thường xuyên cùng với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra công tác ứng trực tại các địa bàn: Dầu Tiếng, Phú Giáo, Tân Uyên và kiểm tra đột xuất việc thực hiện các phương án của chủ rừng từ 2 đến 3 lần/ tuần; chỉ tính từ năm 2013 đến nay, đã tổ chức kiểm tra được 27 lần.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Núi Cậu - Dầu Tiếng đã triển khai các biện pháp lâm sinh được hơn 30 ha, tương đương 38.250m đường băng cản lửa; trang bị 20 bình chữa cháy, 15 can chứa nước bố trí tại các chốt trạm; xây dựng 4 bảng quy ước bảo vệ rừng. Sơn sửa 30 bảng cấm phá rừng, 12 bảng quy ước bảo vệ rừng, bố trí ở những nơi đông đúc và nhiều người qua lại trong khu vực nhằm nhắc nhở mọi người thực hiện nghiêm quy định “cấm đốt lửa” trong rừng phòng hộ.
Chi cục Kiểm lâm cũng đã đôn đốc các chủ rừng tiến hành cày, dọn đốt cỏ ở các nơi dễ phát sinh cháy theo phương án. Hàng năm, sau khi dứt mưa là bắt đầu cho công tác tu bổ, cày, chống cháy, đốt cỏ; lưu ý đốt chặn nơi trọng điểm dễ cháy trước khi vào mùa khô nắng. Song song đó, còn kiểm tra nâng cấp các con đường tuần tra trong rừng, bảo đảm cho xe chữa cháy và các phương tiện đi lại thông suốt. Việc này nhằm tạo thuận lợi cho việc kiểm tra cũng như PCCCR. Ngoài số thiết bị như xe chữa cháy, máy bơm nước, phương tiện liên lạc luôn được bảo dưỡng, hàng năm đều được bổ sung mới các bình chữa cháy đơn giản; bình dự trữ nước… góp phần hữu hiệu trong việc phát huy hiệu quả PCCCR.
Trong năm 2013, toàn tỉnh đã không để xảy ra vụ cháy rừng nào; riêng quý I-2014 có vụ cháy cỏ khoảng 3 ha tại khoảnh 10, tiểu khu 16, sườn Đông rừng phòng hộ Núi Cậu- Dầu Tiếng. Nhờ làm tốt công tác trực gác nên lực lượng kiểm lâm chuyên trách cũng đã phát hiện kịp thời và cùng với Ban Chỉ huy PCCCR của huyện, UBND xã Định Thành, sự hỗ trợ của người dân địa phương kịp thời khống chế ngọn lửa, không gây thiệt hại cho rừng.
Bên cạnh các mặt thuận lợi lớn là sự quan tâm của tỉnh, sự hỗ trợ của các ngành, địa phương và nhân dân; hiện nay, công tác PCCCR vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế nhất định như: Địa bàn huyện Dầu Tiếng có địa hình đồi núi cao, diện tích rừng phân bố rải rác, xa khu dân cư. Những khu vực có nguy cơ cháy rừng cao thì không có đường tuần tra… khiến cho công tác kiểm tra, triển khai các biện pháp PCCCR còn gặp không ít vất vả, khó khăn. Chùa Thái Sơn (Dầu Tiếng) nằm trong rừng phòng hộ; hàng năm từ tháng giêng đến tháng 3 âm lịch, số lượng khách hành hương và tham quan du lịch rất đông. Do đó, công tác tuyên truyền và kiểm soát người ra vào rừng là rất khó. Trong rừng phòng hộ này hiện có 73 hộ dân địa phương thường xuyên ra vào rừng, họ mưu sinh chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá, làm rẫy, bẻ măng rừng, sản xuất nương rẫy tập trung ở phía sườn tây khu vực Núi Cậu, ven hồ thủy lợi Dầu Tiếng. Các hộ dân thường xuyên phát dọn, đốt theo ranh đất rất dễ gây ra cháy lan trong rừng phòng hộ dẫn đến việc kiểm tra rừng gặp nhiều trở ngại. Nơi đây, hệ thống thông tin liên lạc cũng không được trang bị đầy đủ; nhân viên ứng trực bảo vệ rừng phải dùng điện thoại cá nhân để liên lạc với nhau. Mặt khác về chế độ làm thêm ngày, giờ trực của đội ngũ làm nhiệm vụ PCCCR chưa được xem xét, hỗ trợ thỏa đáng đã phần nào hạn chế hiệu quả công việc.
TÔN THẤT SƠN