Pin Lithium-ion đã đảm nhiệm tốt sứ mệnh của nó trong thế giới hiện đại khi thay thế những dòng pin cũ có kích thước to, cồng kềnh. Lithium-ion xuất hiện trên hàng loạt thiết bị di động từ điện thoại, máy tính bảng cho tới đồng hồ đeo tay.
Tuy nhiên, những viên pin có khả năng sạc lại này ngày càng không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng năng lượng của người dùng. Chúng chỉ có thể hoạt động liên tục chưa đầy một ngày trên đa số các smartphone hiện nay.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford đã tìm ra phương pháp chế tạo pin mới là sử dụng chất liệu Aluminum-ion (nhôm). Pin này ít có nguy cơ cháy nổ hơn so với Lithium-ion trong khi có thể sạc đầy trở lại chỉ trong vòng một phút. Hơn thế nữa, chi phí sản xuất cũng không cao.
"Loại pin mới của chúng tôi không bắt lửa, kể cả khi bạn có khoan xuyên qua nó", Giáo sư hóa học Dai Hongjie khẳng định.
Không như các loại pin nhôm ra đời trước đó chỉ hỗ trợ khoảng 100 lần sạc lại, pin của Đại học Stanford cho phép sạc tới hơn 7.500 lần mà không làm giảm dung lượng, gấp 7,5 lần so với pin Lithium-ion thông thường.
Tuy nhiên, nhược điểm của dòng pin mới là nó chỉ có điện áp 2 volt trong khi Lithium-ion là 3,6V. Bên cạnh đó, kích thước của pin cũng cồng kềnh hơn. Dù vậy, giáo sư Hongjie cho hay những điểm yếu này sẽ sớm được khắc phục trước khi có mặt trên thị trường, hơn nữa pin của họ "rẻ hơn, an toàn hơn, tốc độ sạc cao hơn và tuổi thọ lâu hơn".
Theo VNE