Quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng- Bài 5

Cập nhật: 17-12-2019 | 08:26:20

Bài 5: Những mốc son chói lọi

Bài 5: Những mốc son chói lọi

Ở tuổi lên 10, Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và sau đó là đại thắng mùa xuân 1975 để Bắc Nam sum họp một nhà, non sông thu về một mối. Đây là những chiến thắng mang tầm chiến lược thời đại của đội quân anh hùng.

Về thăm di tích xưa...

Đêm 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên); Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang); Chợ Đồn (Bắc Kạn) mà trung tâm là các huyện Định Hóa, Sơn Dương, Yên Sơn, Chợ Đồn được chọn làm nơi xây dựng An toàn khu (ATK) của Trung ương. Đó là những nơi có đủ các yếu tố địa lợi và nhân hòa bảo đảm sự an toàn cho các cơ quan đầu não kháng chiến hoạt động.

Lán Tỉn Keo, tại nơi đây, ngày 6-12-1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ

Di tích lịch sử nơi phong quân hàm cấp tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam

Việt Bắc trở thành “Thủ đô kháng chiến”. Sau khi ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh quay trở lại Việt Bắc để lãnh đạo cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Từ “Thủ đô kháng chiến”, Trung ương Đảng, Bác Hồ, Bộ Tổng tư lệnh ra nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của cả dân tộc.

Đến với ATK vào những ngày cuối năm, đến thăm các điểm di tích, chúng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động khi nghĩ đến những cống hiến, hy sinh của lớp người đi trước để vun đắp nên nền hòa bình, độc lập của dân tộc. Đồi phong tướng tại xóm Tỉn Keo, xã Phú Đình, Định Hóa vẫn sừng sững, hiên ngang với đất trời.

Nơi đây, ngày 28-5-1948, trong một căn nhà cạnh suối Nà Lọm dưới sự chủ trì của Bác, Chính phủ tổ chức lễ thụ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam theo Sắc lệnh số 110/SL ngày 20-1-1948. Các đồng chí: Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình được phong quân hàm Thiếu tướng. Trong đó chỉ có một người được phong quân hàm cấp Trung tướng là đồng chí Nguyễn Bình.

Đây là sự kiện thể hiện niềm tin của Bác với người trẻ. Đồi phong tướng trở thành nơi đánh dấu quan trọng sự phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam. Theo chân anh Ma Đức Cao, vòng quanh con đường bê tông uốn lượn qua những tán cọ xanh mát triền đồi, chúng tôi đến thăm các điểm di tích là nơi sinh hoạt, làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Di tích Bảo Biên, trên đồi Đỏn Mị thuộc thôn Bảo Biên, xã Bảo Linh những năm từ 1949 đến 1953, văn phòng Bộ Tổng tư lệnh và Tổng quân ủy - Tổng hành dinh của Quân đội nhân dân Việt Nam do Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng đầu được đặt tại nơi đây.

Di tích Bảo Biên chỉ được dựng từ tre, nứa, mái cọ đơn sơ nhưng cách nay hơn 70 năm, từ nơi đây đã ra đời nhiều phương án, kế hoạch, quyết định quan trọng tạo nên những thắng lợi quân sự to lớn, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân dân ba nước Đông Dương đến thắng lợi. Hướng dẫn chúng tôi thắp những nén nhang thơm trên bia đá tại đồi Co Tý, thuộc thôn Thẩm Tắng, anh Ma Đức Cao, một người con của quê hương cách mạng, một cán bộ văn hóa của xã, bồi hồi nói: “Trong khoảng thời gian từ năm 1950 đến 1954, Tổng cục Chính trị đặt sở chỉ huy tại nơi đây. Hầm “năm cửa” là nơi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từng ở và làm việc, giúp Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị, củng cố, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, xây dựng quân đội mạnh về chính trị, góp phần quan trọng đánh thắng thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trong Chiến dịch Đông - Xuân 1953-1954, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ.

Anh Cao cũng tự hào kể cho chúng tôi biết, khi xưa lúc còn nhỏ, bà ngoại của anh đã từng được bưng nước và đưa cơm vào hầm cho Đại tướng. Sự kiện này đã trở thành niềm tự hào lớn lao của gia đình anh...

Những đỉnh cao chói lọi

Trong thời gian tại ATK chúng tôi cũng không quên đến thăm Di tích Tỉn Keo - nơi “phát tích” chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Đồi Tỉn Keo dưới chân đèo De, núi Hồng thuộc xóm Nà Lọm, xã Lục Giã, ATK Định Hóa, nay thuộc xóm Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đáp ứng được yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó là “Trên có núi, dưới có sông/ Có đất ta trồng, có bãi ta chơi/ Tiện đường sang Bộ tổng/ Thuận lối tới Trung ương/ Nhà thoáng ráo, kín mái/ Gần dân, không gần đường”.

Tại nơi đây, ngày 6-12- 1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ bàn kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 và mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Dưới chỉ đạo chiến lược tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị, quân và dân ta đã “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn!” để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, dẫn đến ký kết Hiệp định Giơnevơ 1954, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Điện Biên Phủ là chiến thắng quân sự lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam. Bằng thắng lợi quyết định này, lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ mới được thành lập qua 10 năm, dưới tài thao lược tài tình của “Người anh cả” Võ Nguyên Giáp đã buộc quân Pháp tại Đông Dương phải đầu hàng. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của quân đội ta, là đỉnh cao chói lọi trong lịch sử đánh giặc ngoại xâm của quân và dân ta.

Sau năm 1954, với Hiệp định Giơnevơ, đất nước tạm thời chia làm hai miền Nam - Bắc. Sau khi thực dân Pháp thất bại, đế quốc Mỹ liền nhảy vào xâm lược, âm mưu biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự, làm bàn đạp để tiến công miền Bắc. Đặc biệt, từ năm 1965, Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh, quân đồng minh cùng nhiều loại vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh hiện đại trực tiếp tham chiến tại miền Nam, đồng thời mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc Việt Nam.

Trong cuộc chiến tranh lịch sử kéo dài hơn 20 năm (1954- 1975), Quân đội nhân dân Việt Nam theo lời dạy của Bác Hồ “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” đã cùng toàn Đảng, toàn dân không quản hy sinh, gian khổ, liên tiếp tiến công địch, đặc biệt là qua 46 chiến dịch khác nhau.

Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975 kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, non sông thu về một mối là một chiến công mang tầm vóc thời đại của đội quân anh hùng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Bác Hồ. (còn tiếp)

CAO SƠN - THÀNH SƠN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên