Quan tâm chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng xa

Cập nhật: 03-01-2014 | 00:00:00

Hiện nay, công tác chăm sóc sức khỏe y tế cho người dân ở vùng sâu, vùng xa luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tại Bình Dương, ngành y tế đã có nhiều nỗ lực để phát huy hiệu quả mạng lưới y tế các xã vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho nhân dân. Tuy nhiên, công tác y tế ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn gặp một số khó khăn cần tháo gỡ.

Chăm sóc sức khỏe cho nhân dân

Thời gian qua, công tác khám, chữa bệnh cho người dân tại các xã vùng xa huyện Dầu Tiếng có nhiều bước tiến tích cực, mang lại niềm tin cho người dân. Năm 2013, Trung tâm Y tế xã Minh Hòa đã khám, điều trị được 19.974 lượt người (BHYT 13.500, Đông y 6.548, trẻ em dưới 6 tuổi 1.920), tiêm VAT cho 183 phụ nữ có thai, số trẻ sinh trong năm 164 trẻ. Xã Minh Thạnh khám chữa bệnh cho 15.900 lượt bệnh nhân (BHYT 10.975, YHCT 4.978, trẻ dưới 6 tuổi 1.393, khám khác 4.015), bảo đảm tốt công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em (khám trước và sau khi sinh cho 147 bà mẹ, số trẻ sinh trong năm 147 trẻ). Y sĩ Vũ Thị Thu Hương, Phó trạm Y tế xã Minh Thạnh, chia sẻ: “Trước đây, trạm y tế chưa được người dân tin tưởng, việc khám chữa bệnh, mua thuốc thường ở ngoài. 5 năm trở lại đây, trạm y tế có nhiều thay đổi cả về tổ chức lẫn cơ sở vật chất, làm tốt công tác tuyên truyền, khám chữa bệnh theo BHYT, cấp phát thuốc miễn phí… tạo được niềm tin cho nhân dân trong vùng”.

Khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn xã Minh Thạnh (Dầu Tiếng)

Để đạt được kết quả trên, ngành y tế đã tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Cùng với ngành y tế, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể cũng đã nâng cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng cơ sở vật chất và trang cấp các thiết bị y tế phù hợp cho y tế cơ sở; cải cách mạnh mẽ thủ tục khám chữa bệnh; nâng cao y đức và trách nhiệm của cán bộ y tế, chất lượng khám chữa bệnh, thực hiện tốt an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường thông tin giáo dục truyền thông có hiệu quả, góp phần làm thay đổi hành vi của mọi cá nhân và cộng đồng; có chính sách đãi ngộ thích hợp để khuyến khích cán bộ y tế làm việc tại trạm y tế xã phường, đặc biệt là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa…

Vướng mắc cần tháo gỡ

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng xa của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Tại các trạm y tế, hầu hết đội ngũ y, bác sĩ còn thiếu, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh còn chưa đồng bộ. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh, hệ thống y tế được thành lập trên cơ sở mỗi ấp có một nhân viên y tế hoạt động bán chuyên trách, hưởng phụ cấp hàng tháng theo quy định của HĐND tỉnh. Mỗi cán bộ y tế ấp được trang bị túi y tế, bao gồm các dụng cụ y tế, thuốc và dụng cụ sơ cấp cứu để phát hiện, giải quyết các bệnh thông thường và sơ cấp cứu bệnh nhân trước khi chuyển tuyến lên các cơ sở y tế huyện, tỉnh.

Riêng tại Dầu Tiếng, các trạm y tế xã đã cơ bản được sửa chữa, nâng cấp, xây mới, một số trang thiết bị khám bệnh hiện đại đã được đầu tư, như: Máy siêu âm, xét nghiệm sinh hóa... Tuy nhiên, hầu hết đều thiếu đội ngũ y, bác sĩ có trình độ để vận hành và sử dụng hiệu quả trang thiết bị hiện đại. Y tá Nguyễn Thị Minh, Phó trạm Y tế xã Minh Hòa, cho biết: “Trạm y tế xã, kết hợp cùng phòng khám khu vực nên về phía trang thiết bị y tế khá đầy đủ, đặc biệt có 1 xe cứu thương. Tại đây, chủ yếu khám, chữa bệnh ban đầu, bệnh thông thường, làm công tác dự phòng tuyên truyền... Những trường hợp bệnh nặng đều chuyển lên bệnh viện huyện, tỉnh do trạm chỉ có một bác sĩ (trưởng trạm), vừa đảm nhiệm công tác tổ chức và chuyên môn nên thời gian bị bó hẹp”.

Mặt khác, việc xây dựng nhà ở cho cán bộ y tế, cung cấp phương tiện chuyển tuyến, mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động khám chữa bệnh thực hiện chưa đồng bộ. Chế độ đãi ngộ để động viên bác sĩ, nhân viên y tế từ phố thị lên vùng xa chưa phù hợp nên chưa có sức thu hút cao. Do đó, để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng xa, ngoài đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, cần đáp ứng đủ nhân lực y, bác sĩ, có chuyên môn để quản lý, sử dụng trang thiết bị một cách hiệu quả.

“Nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân cần tập trung thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, chủ động phòng, chống không để xảy ra dịch bệnh; chuẩn bị phương án về nhân sự, dự trữ thuốc để kịp thời xử lý khi có dịch bệnh xảy ra; triển khai có hiệu quả các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Các ngành chức năng phải thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; thực hiện Luật BHYT tại tất cả các tuyến; tiếp tục thực hiện xã hội hóa lĩnh vực y tế, nhất là xã hội hóa y tế kỹ thuật cao; chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân...”.

(Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung)

 

ĐỖ TUÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=477
Quay lên trên