Quan tâm nâng cao chất lượng đầu vào

Cập nhật: 08-10-2013 | 00:00:00

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có 55 cơ sở dạy nghề, cơ sở giáo dục và doanh nghiệp có đăng ký hoạt động dạy nghề đang hoạt động. Ngoài ra, hệ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) trong các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) cũng thu hút rất nhiều học sinh đăng ký theo học hàng năm. Đây là lực lượng lao động rất cần thiết cho sự phát triển của tỉnh nhà. Tuy nhiên, so với yêu cầu, lực lượng này vẫn chưa đáp ứng được...

Kết quả tuyển sinh trình độ trung cấp nghề toàn tỉnh trong giai đoạn 2010-2012 chỉ được 6.868 học sinh, trong đó chủ yếu học trình độ trung cấp ở các trường cao đẳng nghề (chiếm 59,9%). Trong 3 năm các trường dạy nghề đã thực hiện phân luồng được 2.048 học sinh tốt nghiệp cấp THCS, THPT trên địa bàn tỉnh đi học nghề. 6 tháng đầu năm 2013 chỉ tuyển sinh trung cấp nghề khoảng 900 người đạt 23,7% kế hoạch.

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng học sinh trúng tuyển TCCN nhưng không đến nhập học là do nhiều thí sinh đăng ký dự tuyển vào TCCN nhưng cũng đã dự thi CĐ, ĐH và khi trúng tuyển cả CĐ, ĐH và TCCN thì các em đã chọn vào học CĐ, ĐH mà không vào học TCCN. Chưa kể có những thí sinh mặc dù không trúng tuyển vào CĐ, ĐH nhưng vẫn quyết tâm ôn tập để thi lại ĐH, CĐ năm sau mà không vào học TCCN. Điều này đã gây khó khăn không nhỏ cho các trường trong công tác tuyển sinh TCCN. Tình trạng sau khi tốt nghiệp TCCN khó tìm được việc làm cũng hạn chế đáng kể số học sinh đăng ký nguyện vọng vào bậc học này. Thực tế là ngoài số lượng học sinh được đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, còn số lượng khá lớn học sinh sau khi tốt nghiệp TCCN khó tìm việc.

Bên cạnh đó, tâm lý “sính bằng cấp”, “thầy hơn thợ” vẫn còn nặng trong xã hội nên Giáo dục chuyên nghiệp (GDCN) chưa được nhìn nhận đúng vai trò. Nhiều phụ huynh và HS còn coi thường bậc học này, đa số muốn con em vào ĐH hơn, chính nhận thức này mà hầu hết chất lượng đầu vào của bậc TCCN hiện còn thấp và chưa đồng đều.

Muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao thì phải nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, tạo tiền đề đào tạo nhân lực có chất lượng. Song song đó, chương trình đào tạo của GDCN phải đổi mới theo hướng phát triển, cập nhật những tri thức mới và kinh nghiệm thực tiễn. Bên cạnh đó, mỗi trường cũng cần hình thành các hội đồng tư vấn chương trình đào tạo có sự tham gia của chuyên gia đại diện cho doanh nghiệp, các nhà quản lý giáo dục, giảng viên trường ĐH… Ngoài ra, một số điều kiện cần khác như nguồn tài chính bảo đảm để phát triển về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thu hút giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề. Có như thế, GDCN mới có thể thu hút người học và đào tạo ra nguồn nhân lực có trình độ phục vụ cho tỉnh nhà.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=257
Quay lên trên
X