Kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6.1.1946 - 6.1.2016):

Quốc hội Việt Nam - Những dấu ấn trưởng thành - Bài 4

Cập nhật: 31-12-2015 | 08:23:08

Bài 4: Quốc hội khóa I - Một nhiệm kỳ đặc biệt

 

 Trong giai đoạn 1946 đến 1960, Quốc hội nước ta đã cùng với dân tộc trải qua nhiều khó khăn, gian khó để thực hiện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong năm 1946 Quốc hội đã có những hành động quyết liệt để đoàn kết, thống nhất dân tộc, chống giặc ngoài, thù trong, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng. Quốc hội đã cùng với nhân dân thực hiện cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, quyết liệt trên tất cả các mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa…

 

 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố Hiến pháp năm 1959

 Quốc hội kháng chiến

Để lãnh đạo và điều hành chiến tranh được tập trung thống nhất, Quốc hội đã giao quyền bính tập trung vào Chính phủ. Ban Thường trực Quốc hội luôn ở bên cạnh Chính phủ để bàn bạc, tham gia ý kiến về các chủ trương, chính sách lớn và giám sát, phê bình Chính phủ về mọi công việc kháng chiến. Phù hợp với tình hình thực tế lúc đó, Ban Thường trực Quốc hội đã quyết định: “Trong thời kỳ kháng chiến, vì tình thế khó khăn nên chỉ có Trưởng ban Thường trực Quốc hội ở cùng với Chính phủ để giúp và theo dõi đường lối chính trị, cùng với Chính phủ chỉ đạo cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Các đại biểu Quốc hội sẽ tùy năng lực và địa vị mà tham gia vào mọi công tác kháng chiến”. Đây là một nét rất đặc biệt của Quốc hội Việt Nam trong giai đoạn này - Quốc hội kháng chiến.

 Đánh giá về công lao to lớn của Quốc hội khóa I, tại kỳ họp thứ 12, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Quốc hội ta đã hết lòng vì dân vì nước, đã làm trọn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những người đại biểu nhân dân”.

Trong giai đoạn từ 1954- 1960, theo Hiệp định Genève, đất nước tạm thời chia làm hai miền Bắc - Nam. Trong bối cảnh đó, Quốc hội đã cùng với nhân dân Việt Nam đồng thời tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng khác nhau. Miền Bắc sau khi giải phóng đã bước vào thời kỳ khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế và văn hóa theo con đường xã hội chủ nghĩa. Miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam tiến tới hòa bình thống nhất đất nước.

Trong nhiệm kỳ 14 năm hoạt động, Quốc hội khóa I đã tổ chức 12 kỳ họp, trong đó có duy nhất một kỳ họp được tổ chức ngoài thủ đô Hà Nội là kỳ họp thứ 3 được tổ chức vào năm 1953 tại chiến khu Việt Bắc (từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 12 năm 1953).

Quốc hội “hết lòng vì dân vì nước”

Quốc hội khóa I (1946- 1960) với 12 kỳ họp đã có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng Nhà nước dân chủ cộng hòa từ những năm tháng đầu tiên sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Trong thời kỳ này, Quốc hội đóng vai trò rất quan trọng trong việc thành lập Chính phủ hợp hiến, hợp pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu và “trao quyền bính cho chính quyền ấy, bảo đảm cho Chính phủ đủ uy tín, hiệu lực để tổ chức nhân dân kháng chiến, kiến quốc, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn. Từ năm 1954 đến năm 1960, Quốc hội đã phát huy vai trò của mình trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất nhà nước theo quy định của Hiệp định Genève. Những năm đầu sau khi hòa bình lập lại, Quốc hội cũng đã thông qua các kế hoạch khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, từng bước xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, đưa miền Bắc tiến dần từng bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Trong nhiệm kỳ 14 năm hoạt động, Quốc hội khóa I đã xem xét và thông qua bản Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp 1959, 16 đạo luật và 50 nghị quyết, trong đó có những đạo luật quan trọng như Luật Cải cách ruộng đất, Luật Quy định quyền tự do hội họp, Luật Quy định quyền lập hội, Luật Bảo đảm quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật và thư tín của nhân dân và Luật Về chế độ báo chí. Đây là những đạo luật quy định những quyền tự do rất cơ bản của người dân.

Luật Hôn nhân và gia đình (1959) quy định nguyên tắc chung về kết hôn tiến bộ một vợ một chồng; trách nhiệm và quyền lợi của vợ chồng, về quan hệ giữa cha mẹ và con cái và vấn đề ly hôn… Luật Bầu cử Quốc hội (1959) quy định tất cả “công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, không phân biệt dân tộc, nòi giống, nam nữ, thành phần xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, tình trạng tài sản, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử Quốc hội và từ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội”. Ngay từ những ngày đầu khi vừa giành được chính quyền, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã góp phần quan trọng vào hoạt động đối ngoại chung của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quốc hội đã nhất trí để Chính phủ ký với Pháp Hiệp định sơ bộ vào ngày 6-3-1946.

Trong thời kỳ này, Ban Thường vụ Quốc hội đã có mối quan hệ và cử các đoàn đi thăm một số nước xã hội chủ nghĩa anh em; cùng Chính phủ thống nhất cử Đoàn đại biểu của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu tham dự Hội nghị Genève; có ý kiến chỉ đạo thích hợp và cùng Chính

 phủ quyết định việc ký Hiệp định đình chiến, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Sau ngày hòa bình lập lại, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã tập trung vào đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève, phát triển và củng cố tình hữu nghị, đoàn kết giữa Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa. (Còn tiếp)

 Bà LÊ THỊ NAM, đại biểu Quốc hội khóa XI: Tôi đã làm tròn trách nhiệm của một đại biểu “Đảng cử, dân bầu”

Khi trúng cử đại biểu Quốc hội, tôi nghĩ đến trách nhiệm của một người “Đảng cử, dân bầu” nên luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm. Tôi tích cực đi tiếp xúc cử tri để lắng nghe dân nói. Dân có nhiều ý kiến bức xúc, là người đại biểu mình phải biết lắng nghe, thu thập thông tin. Những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của tỉnh thì tập hợp lại đề nghị các ngành liên quan xem xét giải quyết. Những vấn đề lớn, vĩ mô thì tập hợp lại để trình Quốc hội. Qua những buổi tiếp xúc cử tri, tôi đã nắm bắt được tình hình tại địa phương để đề xuất tại các kỳ họp.

Là một đại biểu thuộc lĩnh vực giáo dục nên mỗi lần tôi đi tiếp xúc, cử tri phản ánh nhiều về tình trạng “Dạy thêm, học thêm”, từ đó đã đề xuất với tỉnh nhiều giải pháp, góp phần hạn chế tình trạng này. Đặc biệt là trong mỗi kỳ họp Quốc hội, tôi góp tiếng nói cho những dự án luật để ban hành những luật phù hợp, đi vào cuộc sống.

THU THẢO

 TRÍ DŨNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên