Bài 5: Quốc hội Việt Nam thời kỳ đấu tranh cách mạng
Trong các giai đoạn cách mạng, kế thừa, phát triển Hiến pháp năm 1946, Quốc hội (QH) đã ban hành Hiến pháp năm 1959 quy định rõ hơn về những thẩm quyền rất quan trọng của QH. QH cũng đã phát huy vai trò của mình trong hoạt động lập pháp cũng như quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước nhằm đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện hòa bình, thống nhất đất nước…
Các đại biểu hai miền Nam - Bắc của Quốc hội khóa II bên lề kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa II (tháng 4-1962)
QH thêm thẩm quyền
So với Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 đã có bước phát triển mới qua việc khẳng định “QH là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất; là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Trước đây, do chưa xác định rõ QH là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp nên có nhiều vấn đề mang tính chất luật đã được Chính phủ ban hành thành sắc luật, sau đó trình QH phê chuẩn hoặc bãi bỏ.
Hiến pháp năm 1959 đã có nhiều điều khoản quy định rõ ràng hơn thẩm quyền của QH trong việc thành lập bộ máy Nhà nước như ngoài việc bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước như Hiến pháp năm 1946 quy định thì theo Hiến pháp năm 1959, QH còn bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Trước đây Hiến pháp năm 1946 không quy định quyền thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính của các đơn vị địa phương cho QH. Trên thực tế việc thành lập, điều chỉnh địa giới các đơn vị cấp tỉnh, khu tự trị thường được thực hiện bằng các sắc lệnh của Chủ tịch nước. Còn việc thành lập, điều chỉnh ranh giới hành chính dưới cấp tỉnh thì có thể do Ủy ban Hành chính cấp ký hoặc do Bộ Nội vụ quyết định. Hiến pháp năm 1959 đã quy định rõ việc thành lập và điều chỉnh địa giới hành chính của các đơn vị hành chính địa phương. Cụ thể là việc thành lập, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính của đơn vị cấp tỉnh, khu tự trị là thẩm quyền của QH còn việc thành lập, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính của đơn vị dưới cấp tỉnh là thuộc thẩm quyền của Hội đồng Chính phủ.
Một vấn đề nữa là quyền quyết định ngân sách, chính sách tài chính quốc gia. So với Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 quy định thêm nhiệm vụ, quyền hạn của QH trong việc: Quyết định kế hoạch kinh tế Nhà nước; xét duyệt và phê chuẩn dự toán và quyết toán ngân sách của Nhà nước và ấn định các thứ thuế. Ngoài những nhiệm vụ và quyền hạn như đã phân tích thì QH có nhiệm vụ mới là quyết định đại xá. Đồng thời, Hiến pháp năm 1959 còn quy định “QH có những quyền cần thiết khác do QH ấn định”. Nói cách khác, quyền lực của QH theo Hiến pháp năm 1959 là không bị giới hạn.
Cùng thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược
4 năm hoạt động của QH khóa II là một chặng đường lịch sử phát triển mới của đất nước nhằm đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà. Ghi nhận những kết quả to lớn mà QH đã đạt được trong những năm 1960-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói QH khóa II là “QH xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”. |
QH khóa II (1960-1964) là khóa QH đầu tiên hoạt động theo những nguyên tắc của Hiến pháp năm 1959, là khóa đầu tiên cả nước thực hiện kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế quốc dân theo đường lối do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đề ra. Tại kỳ họp thứ nhất, QH đã bầu Ủy ban Thường vụ QH do đồng chí Trường Chinh làm chủ tịch, 6 phó chủ tịch, tổng thư ký, 14 ủy viên chính thức và 5 ủy viên dự khuyết. QH thành lập Ủy ban Dự án pháp luật và Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách của QH. Trong nhiệm kỳ khóa II, ngoài hai Ủy ban mà QH đã thành lập theo quy định của Hiến pháp năm 1959, QH đã thành lập thêm Ủy ban Thống nhất (1963).
Trong 4 năm hoạt động với 8 kỳ họp, QH khóa II đã thay mặt nhân dân quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước trên cương vị là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. QH khóa II đã thông qua 6 đạo luật quan trọng về tổ chức của các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương. Đó là: Luật Tổ chức Quốc hội (1960); Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ (1960); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (1960); Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (1960); Luật Tổ chức HĐND và Ủy ban Hành chính các cấp (1962); Luật sửa đổi bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự (1962). Ủy ban Thường vụ QH đã ban hành 9 pháp lệnh như, Pháp lệnh về việc bầu cử HĐND các cấp; Pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Pháp lệnh quy định chế độ phục vụ của sĩ quan công an nhân dân vũ trang; Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy…
Trong nhiệm kỳ này, QH đã phát huy vai trò quan trọng của mình trong việc động viên sức người, sức của để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. QH đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) - Cương lĩnh hành động của toàn dân nhằm thực hiện nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa và bước đầu xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; thông qua kế hoạch hàng năm, xét duyệt và phê chuẩn dự toán, quyết toán ngân sách hàng năm của Nhà nước; phê chuẩn việc thành lập các tổ chức và cơ quan Nhà nước, bổ nhiệm các cán bộ cấp cao của Nhà nước, phê chuẩn việc khen thưởng và đã tích cực giải quyết các đơn thư khiếu tố của nhân dân, ân xá những phạm nhân đã cải tạo tốt.
Đất nước Việt Nam là một khối, Bắc - Nam thống nhất không thể chia cắt. Vì thế, QH đã tích cực đẩy mạnh mọi hoạt động nhằm đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện hòa bình, thống nhất đất nước. Thời kỳ này, hoạt động đối ngoại của QH ngày càng phong phú trên các mặt trận kinh tế, chính trị, văn hóa. QH đã không ngừng nêu cao nghĩa vụ quốc tế của Nhà nước và nhân dân, tăng cường đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa, đoàn kết với các nước dân tộc chủ nghĩa, kiên trì ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ - Latinh vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. (Còn tiếp)
Ông TRẦN TRUNG NGUYÊN, đại biểu QH khóa XI:
QH ngày càng được đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động
Năm 2002, khi đang giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, tôi được Quân khu 7 và Bộ Quốc phòng chỉ định ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XI, nhiệm kỳ 2002- 2007. Lúc đó tôi lo lắm bởi xưa nay mình là người của quân đội, không quen ở các lĩnh vực này. Vì vậy khi được nhân dân tín nhiệm bỏ phiếu tôi trúng cử ĐBQH, tôi đã cố gắng làm tròn trách nhiệm của người ĐBQH.
Thời kỳ này, tỉnh Bình Dương đang phát triển mạnh với nhiều dự án được mở ra. Song hành với đó thì người dân bức xúc nhiều về công tác quy hoạch, áp giá đền bù... mỗi khi có đoàn ĐBQH xuống tiếp xúc cử tri là dân phản ánh nhiều vấn đề liên quan đến lợi ích của họ. Những lúc như vậy, đoàn thường phân công tôi tiếp thu, giải trình những ý kiến thắc mắc của dân.
Sau khi giải trình, tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của cử tri, với trách nhiệm của những người ĐBQH, chúng tôi tổng hợp lại rồi kiến nghị những ngành liên quan xem xét giải quyết cho cử tri. Những vấn đề nào lớn thì tổng hợp trình QH.
Qua mỗi kỳ QH, tôi thấy QH ngày càng đổi mới. Chất lượng ĐBQH ngày càng tăng, đáp ứng được mong mỏi của người dân; đồng thời có những đóng góp tích cực cho QH để lập hiến, lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước. Đặc biệt thời gian sau này, QH có đại biểu chuyên trách ở mỗi tỉnh nên có điều kiện sâu sát hơn, nghiên cứu kỹ hơn từng vấn đề để đóng góp cho QH.
THU THẢO (ghi)
TRÍ DŨNG