Kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6.1.1946 - 6.1.2016):

Quốc hội Việt Nam - Những dấu ấn trưởng thành - Bài 6

Cập nhật: 04-01-2016 | 07:55:29

Bài 6: Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất

 Để thể hiện tính liên tục của Nhà nước qua các giai đoạn đấu tranh cách mạng, Quốc hội đã quy định khóa Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất là Quốc hội khóa VI. Trong nhiệm kỳ 5 năm hoạt động (1976-1981) Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban Thường trực Quốc hội đã nghiên cứu, thảo luận và quyết định được nhiều vấn đề quan trọng của đất nước…

 Kỳ họp thứ nhất Quốc hội nước Việt Nam thống nhất

 Thông qua Hiến pháp 1980

Trong nhiệm kỳ 5 năm (1976-1981), Quốc hội khóa VI đã họp 7 kỳ để quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Quốc hội đã quyết định đổi tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc huy mang dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Quốc ca là bài Tiến quân ca và chính thức đặt tên cho thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh; quy định Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất là Hà Nội. Đồng thời Quốc hội ra Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thực hiện nhiệm vụ quan trọng là thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Hiến pháp 1980. Đây là bản Hiến pháp thứ ba được Quốc hội thông qua để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới. Hiến pháp năm 1980 đã khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ…”.

Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa VIII đã xem xét, thông qua Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kế thừa và phát triển các bản Hiến pháp trước đây, ngoài việc thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân, Hiến pháp 1992 đã thể chế hóa cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và tạo cơ sở pháp lý đưa đất nước phát triển trong giai đoạn mới.

Sự ra đời của Hiến pháp mới là một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước, là vũ khí sắc bén để toàn dân, toàn quân tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm xây dựng thành công nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới. Hiến pháp năm 1980 đã có những quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước.

Hiến pháp năm 1980 tiếp tục khẳng định vị trí của Quốc hội là “cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất” của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. So với hai bản Hiến pháp trước đây có điểm mới bổ sung rất quan trọng là lần đầu tiên, Hiến pháp năm 1980 quy định rõ “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân”. Đây chính là căn cứ pháp lý quan trọng để cụ thể hóa chức năng đại diện của Quốc hội trong Luật tổ chức Quốc hội năm 1981 và trong các văn bản khác về Quốc hội.

Thực hiện công cuộc đổi mới

Năm 1986, Đảng ta chủ trương tiến hành đổi mới toàn diện đất nước, trong đó, tập trung đổi mới kinh tế, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Quốc hội khóa VIII (1987-1992) là Quốc hội của giai đoạn khởi đầu sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra nhằm ổn định tình hình kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ quốc tế, đưa đất nước sớm ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, vững bước tiến lên trên con đường chủ nghĩa xã hội.

Để đáp ứng yêu cầu quản lý đất nước bằng pháp luật, trong nhiệm kỳ 5 năm với 11 kỳ họp, Quốc hội đã thông qua 2 bộ luật, 25 đạo luật và Hội đồng Nhà nước đã ban hành 39 pháp lệnh. Đáng chú ý là nhiều đạo luật quan trọng thể chế hóa chính sách kinh tế mới lần đầu tiên đã được ban hành như, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (1987), mở đường cho việc đẩy mạnh đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật Doanh nghiệp tư nhân (1990) và Luật Công ty (1990) là những đạo luật quan trọng thể chế hóa đường lối phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần ở nước ta.

Lần đầu tiên các luật này thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và quyền thành lập công ty và doanh nghiệp tư nhân. Quốc hội còn ban hành các luật về thuế như: Luật Thuế doanh thu, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế lợi tức, Bộ luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng. Hội đồng Nhà nước đã ban hành hàng loạt pháp lệnh điều chỉnh các mặt khác nhau của đời sống xã hội.

Trong việc thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng dân tộc, các ủy ban thường trực của Quốc hội có nhiều cố gắng, quan tâm đến những vấn đề nóng bỏng, cấp bách về kinh tế - xã hội và thi hành pháp luật, nhằm nâng cao vai trò của Quốc hội, từng bước vươn lên thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân.

Trong nhiệm kỳ, ngoài việc thảo luận, ra nghị quyết về các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước, Quốc hội đã xem xét, quyết định sáp nhập các bộ và thay đổi, bổ sung nhân sự cấp cao của Nhà nước. So với các nhiệm kỳ trước, các bàn bạc và biểu quyết của Quốc hội khóa VIII được thực hiện dân chủ và cởi mở hơn, thể hiện được trách nhiệm của Quốc hội và đại biểu Quốc hội với cử tri cả nước (còn tiếp…)

 Bà LÊ THỊ NUÔI, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sông Bé khóa VII, nhiệm kỳ 1981-1987: Niềm tự hào gắn với trách nhiệm lớn

Bà Lê Thị Nuôi được cử tri tin tưởng bầu làm Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khi đang là công nhân của Công ty Cao su Dầu Tiếng. Lúc đó, bên cạnh niềm tự hào, vui sướng, trong bà hàm chứa biết bao suy nghĩ, lo lắng, trăn trở. Bởi xưa nay bà chưa từng tham gia vào những việc quá lớn của đất nước. Bà không biết có làm tròn trách nhiệm của mình với cử tri hay không. Nhưng sự tin tưởng của cử tri chính là động lực để bà quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao của một người được “Đảng cử, dân bầu”. Bà Nuôi tâm sự: “Sau khi tôi trúng cử, tôi tự nhủ với mình rằng, giờ mình đã là ĐBQH, mình phải làm như thế nào cho xứng đáng với niềm tin của cử tri”. Thấu hiểu cuộc sống cũng như lo lắng của người công nhân cạo mủ nên bà dành nhiều thời gian, tâm huyết để lắng nghe dân nói. Bà đại diện cho tiếng nói của người công nhân cạo mủ đến với diễn đàn Quốc hội, đến với những ngành chức năng có liên quan trong tỉnh.

Bà Nuôi cho biết, Quốc hội khóa VII là Quốc hội của thời kỳ bắt đầu công cuộc đổi mới, đã đẩy mạnh công tác lập pháp, tăng cường công tác giám sát và việc quyết định các vấn đề quan trọng khác để đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện đất nước. Xác định nguyên tắc, phương hướng xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo tiền cho đất nước đổi mới.

Có thể nói rằng, Quốc hội khóa VII đã phát huy vai trò cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nhân dân trong việc củng cố và hoàn thiện chế độ làm chủ tập thể; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa Hiến pháp, từng bước xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, tạo tiền đề để Nhà nước thực hiện quản lý mọi hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội theo đúng Hiến pháp và pháp luật. Quốc hội đã thông qua một số luật quan trọng như: Luật Tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

THU THẢO

 TRÍ DŨNG 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên