ĐCTT rất cần những liên hoan mang tầm quốc tếNhạc sư Vĩnh Bảo, một trong những “cây đa cây đề” trong nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ, cho rằng nếu chỉ cầu danh lợi, không cần phải nhọc công và tốn kém nhiều chi phí để xin UNESCO công nhận ĐCTT Nam bộ là di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể thế giới.
Có thể dùng số tiền bạc tỷ ấy vào việc phục hồi ĐCTT sẽ có ích nhiều hơn. Như tìm đến những người chơi ĐCTT đàng hoàng còn sót lại, giúp họ sống được với nghề, rồi khuyến khích thế hệ trẻ đến với ĐCTT. Bởi người nước ngoài có thể thay chúng ta xây các công trình hiện đại, nhưng họ không thể thay chúng ta làm công việc bảo tồn DSVH Việt Nam. Tuy nhiên bè bạn năm châu có thể góp một tay vào xây dựng chuyện giúp DSVH này trở thành sân chơi chung của cộng đồng yêu âm nhạc thế giới, đặc biệt là dòng nhạc quê hương. Liệu điều đó có phải ước mơ quá tầm?
Trông người...
“Tại sao không khởi đầu bằng một liên hoan âm nhạc thường niên về dòng nhạc quê hương, mà điểm nhấn của Việt Nam là ĐCTT? Cuối năm nay, trong khuôn khổ Festival Thuyền buồm tại tỉnh Bình Thuận, nhà tổ chức Dan Han dự kiến mời những dàn nhạc đình đám trên thế giới về chơi tưng bừng để quảng bá cho loại hình du lịch thuyền buồm. Đây là gợi ý cho một Festival quốc tế về dòng nhạc dân tộc trên sông nước Mê Kông. Bạc tỷ bỏ ra lúc đó sẽ thu về nhiều hơn cả về vật chất lẫn giá trị tinh thần. UNESCO khi ấy cũng dễ chia sẻ về DSVH phi vật thể này!”. Đại diện Công ty TNHH Phát Tin, đơn vị cùng phối hợp trong tiếp thị Festival Thuyền buồm, đề xuất. Hình mẫu để tham khảo cho liên hoan nhạc tài tử quốc tế đó, còn là Festival La Roque d’Anthéron vừa kết thúc tại vùng Provence, ở miền Nam nước Pháp, thu hút đến 100.000 du khách, trong đó có đoàn nhà báo đến từ Việt Nam.
Nhà báo Nguyễn Đình Uyên, người trực tiếp tham dự liên hoan âm nhạc này của Pháp, kể: Là một ngôi làng nhỏ nằm bên dòng Durance với khoảng 5.000 dân, vào cuối tháng 7 kéo dài sang tháng 8-1981, thoạt tiên chương trình ca nhạc chỉ nhằm chuyện giải trí trong mùa hè. Công viên của khu lâu đài Florans được tận dụng làm sân khấu với dương cầm là nhạc cụ chính. Tình yêu âm nhạc là động cơ duy nhất đưa chân du khách đến La Roque d’Anthéron. 10 buổi trình diễn của chương trình liên hoan năm đó đã thu hút 10 ngàn khách tham quan. Chính tiếng đàn hòa vào với thiên nhiên, để những nốt nhạc cưỡi gió bay bổng trên trời cao đã là ý tưởng chinh phục được những tên tuổi trong giới dương cầm như giải thưởng Chopin 1965, Martha Argerich; nghệ sĩ gốc Ba Lan Krystian Zimerman người được coi là một trong số 20 tay chơi đàn điêu luyện nhất của thế kỷ XX.
Một chương trình xuất sắc, cộng thêm với phong cảnh hữu tình, với nhịp sống êm ả dưới cái nắng hè chói chang của miền Nam nước Pháp, một chút niềm nở của người dân bản xứ: đó là những bí quyết giúp liên hoan dương cầm La Roque d’Anthéron chẳng mấy chốc trở thành festival có tầm cỡ quốc tế và độc đáo nhất thế giới.
... Ngẫm ta
Cách nay 30 năm, liên hoan La Roque d’Anthéron trong ý tưởng của 2 sáng lập viên - Paul Onoratini và René Martin - đơn giản chỉ là dăm ba chiếc ghế đặt trên thảm cỏ, lấy cảnh thiên nhiên làm nền sân khấu, để mặc cho ễnh ương, dế, ve sầu tự do hòa tấu cùng với Bach hay Mozart. Chẳng ngờ tính đơn sơ đó của festival đã chinh phục được con tim của giới yêu đàn, của những nghệ sĩ đã quá quen thuộc với những sân khấu, thính phòng nổi tiếng của Paris, New York hay Luân Đôn và cũng chẳng nơi nào người ta có thể trông thấy những Maestro như Nelson Freire, Zoltan Kocsis thưởng thức một chai vang đỏ dưới gốc cây, chia sẻ kinh nghiệm chơi đàn với khán giả.
Điều này liệu có thể được học hỏi tại Việt Nam? Câu trả lời: được, nếu muốn!
2 cây đại thụ của thế giới dương cầm ngày hôm nay là nhạc sĩ gốc Ý Aldo Ciccolini và nhạc sĩ người Pháp Pierre Boulez đều chọn La Roque d’Anthéron là nơi để các ông mừng sinh nhật 85 tuổi; và một trong hai sáng lập viên của Festival, René Martin cho biết: năm ngoái nhạc sĩ Alfred Brendel đã chọn nơi này để khép lại toàn bộ trên 60 năm sự nghiệp. La Roque d’Anthéron cũng là nơi mà một thiên tài khác của làng nghệ thuật Pháp là Francois René Duchable đã chọn để tổ chức buổi trình diễn lần thứ 1.000.
Những tên tuổi tương tự trong dòng nhạc tài tử trên thế giới hoàn toàn có thể chia sẻ điều ấy khi Việt Nam đang có không ít tên tuổi được khắp năm châu nể phục trong làng âm nhạc. Nhạc sư Vĩnh Bảo và GS-TS Trần Văn Khê là một đơn cử. Năm nay đã bước vào tuổi 93, nhạc sư Vĩnh Bảo là người kỳ cựu nhất còn lại của ĐCTT “nguyên gốc” Nam bộ. Hơn 75 năm chơi đàn, ông tiếp cận hơn 200 nhạc sư, nhạc sĩ, nghệ nhân 3 miền Nam, Trung, Bắc với quan niệm “tri âm, tri điệu” thật phóng khoáng. Năm 1970, một “dấu ấn mới” khi nhạc sư Vĩnh Bảo được trường Đại học Illinois mời sang Mỹ tham gia giảng dạy bộ môn âm nhạc dân tộc Việt Nam, cùng GS-TS Trần Văn Khê.
Một điều thật thú vị, dù nhạc sư Vĩnh Bảo đã rời xa trường học hơn 40 năm trời nhưng khá nhiều “môn sinh” vẫn tìm đến xin “thọ giáo” ngón đàn của ông bằng cả tấm lòng ngưỡng mộ và yêu kính. Nhạc sư Vĩnh Bảo cho hay ngoài lớp học trò trong nước, không ít người Việt ở nước ngoài tìm về cội nguồn dân tộc qua việc thường xuyên học nhạc trên phương tiện internet hoặc trở về nước xin học đàn trực tiếp với ông. Đây cũng là niềm hạnh phúc của một con người dành hết cuộc đời cho âm nhạc. Nhưng đối với nhạc sư Vĩnh Bảo, âm nhạc còn có một ý nghĩa thiêng liêng vì nó gắn liền với tâm hồn sâu lắng của con người.“Bên cạnh một chương trình phong phú và đa dạng, thì phải nói thành công của liên hoan La Roque d’Anthéron phần lớn có được là nhờ vào phong cảnh hữu tình của ngôi làng cổ”. Nhà báo Nguyễn Đình Uyên, chia sẻ. Điều đó có lẽ không khó khi chọn một miền đất thích hợp nào đó, như chẳng hạn ở xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, Long An của cố nhạc sư ĐCTT Nguyễn Quang Đợi (còn gọi là Nguyễn Quang Đại), người được công nhận là đóng góp những viên gạch đầu tiên cho nền móng ĐCTT Nam bộ. Có thể chọn vùng đất Bạc Liêu, nơi sản sinh ra điệu Dạ cổ hoài lang của bác Sáu Cao Văn Lầu. Và ngay cả đất miền Đông như Bình Dương chẳng hạn, hoàn toàn có thể đăng cai cho một liên hoan ĐCTT với quy mô mở rộng cho bè bạn khắp năm châu cùng tụ họp về...
Từ đồng ruộng ra thế giới
Trong danh sách các tỉnh thành “chịu chi” cho ĐCTT, Bình Dương thuộc vào hàng “đại gia”, dành rất nhiều sự quan tâm đến các nghệ nhân ĐCTT. Trong các đợt liên hoan ĐCTT quy mô khu vực, tỉnh Bình Dương chi cả tiền tàu xe, chi phí tập luyện... và được xem là một trong những đội mạnh nhất của Nam bộ. Anh Xuân Tài, nhạc công Bình Dương cho biết: “Cuộc sống của chúng tôi khá ổn định. Những người đã thành danh như ông Tư Còn trước đây làm nghề gò máng xối, nay đi dạy, nói chuyện, tham gia ban giám khảo... thôi không phải lao động chân tay vất vả. Còn những người như tôi thì đi đờn ở các tụ điểm trong TP.HCM, các quán ăn, quán nghệ sĩ ở Dĩ An, Thuận An, TX.TDM, đời sống cũng tạm ổn. Nhưng theo tôi nghĩ, nếu khéo kết hợp loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử với du lịch chặt chẽ hơn nữa thì hiệu quả sẽ rất lớn, ở chỗ khích lệ lớp nghệ nhân và tạo việc làm cho họ thường xuyên hơn, cho họ sống với nghề, ôn luyện ngón nghề”.
Có lẽ cũng nên nhắc lại đôi chút. Một trong những học trò lứa đầu tiên của nhạc sư Nguyễn Quang Đợi ở tỉnh Bình Dương là ông Út Lăng. Đồng môn của ông Út Lăng có Sáu Thới, Năm Xem, Ba Đồng... Đây là những tên tuổi lớn góp phần quảng bá ĐCTT Nam bộ. Vào những năm của thập niên 40 và 50, các lò dạy ĐCTT mới bắt đầu phổ biến ở đất miền Đông, do các nghệ sĩ từ tỉnh lên phụ trách. Những lò nổi tiếng thời bấy giờ như các lò của nghệ sĩ Chín Phàng (từ Long An), Hai Đậu (từ Tiểu Cần, Trà Vinh), Năm Lòng và Năm Được (từ Cần Giuộc). Các lò lớn nhất, nhiều uy tín và đào tạo nhiều danh ca danh cầm nhất có thể kể đến là lò Văn Giỏi và Tấn Đạt.
Từ năm 1945, ông Giáo Thinh tức Nguyễn Văn Thinh (học trò của ông Sáu Thới), một nhạc sư có uy tín tại miền Đông, đã đúc kết và phổ biến một hệ thống mới gọi là 72 bài bản cổ nhạc Nam bộ (còn gọi là thất thập nhị huyền công). Theo đó, một nghệ nhân được công nhận là bậc thầy nếu biết hết 20 bài bản tổ; và để đạt mức cao siêu hơn, nghệ nhân đó cần biết hết 72 bài bản này. Bề dày quá khứ như vậy, với một Bình Dương đầy năng động của hôm nay, từ miệt vườn cây ăn trái Lái Thiêu, đến những khu du lịch bề thế như Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến... đều có thể là những địa điểm thích hợp cho tổ chức một liên hoan ĐCTT - ban đầu có thể trong phạm vi các quốc gia cùng thụ hưởng dòng Mê Kông, để sau đó dần trở thành một liên hoan âm nhạc đậm đà bản sắc của những dòng nhạc quê hương khắp năm châu cùng đổ về phô diễn.
XUÂN SƠN - MINH TÂM