Thời gian qua, Quỹ hỗ trợ nông dân (HTND) đã trở thành phương tiện hữu hiệu giúp hội viên nông dân vươn lên ổn định cuộc sống. Thông qua những mô hình kinh tế hợp tác, các hình thức liên kết trong sản xuất… quỹ đã góp phần đáp ứng tốt nhu cầu về vốn để phát triển kinh tế của nhiều gia đình nông dân trong tỉnh.
Kênh cung cấp vốn hữu hiệu
Năm 1996, nguồn vốn ban đầu của Quỹ HTND tỉnh, do Trung ương Hội Nông dân ủy thác là 600 triệu đồng. Đến nay, nguồn vốn của quỹ đã có trên 82 tỷ đồng. Số vốn này đã được quỹ xét cho trên 4.200 lượt hộ nông dân trong tỉnh vay phát triển sản xuất, kinh doanh; thực hiện 347 dự án và thành lập 324 tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất.
Đại diện Tổ hợp tác trồng nấm tại phường An Thạnh, TX.Thuận An kiểm tra quá trình phát triển của nấm. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Năm 2011, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng và được phê duyệt Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND giai đoạn 2011-2015”. Theo đó, ngân sách tỉnh đã ủy thác cho Hội Nông dân tỉnh triển khai thực hiện đề án từ năm 2011 đến 2015 là 55 tỷ đồng; quy mô mỗi dự án từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng, thực hiện ở 1 - 3 khu, ấp với định mức từ 20 - 50 triệu đồng/hộ. Nguồn vốn này chủ yếu để các hộ nông dân đầu tư vào các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ chế biến nông sản và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp.
Từ nguồn vốn vay 330 triệu đồng của Quỹ HTND, 6 hộ nông dân tham gia mô hình Tổ hợp tác trồng nấm ở phường An Thạnh, TX.Thuận An đã mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư trồng nấm theo hướng thực hành sản xuất nông nghiệp sạch (VietGAP) nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, qua đó góp phần tăng thu nhập cho các hội viên từ 30 - 40 triệu đồng trước đó lên 80 - 100 triệu đồng/hộ/năm hiện nay. Chị Nguyễn Hoàng Linh, Tổ trưởng tổ hợp tác này cho biết riêng gia đình chị hiện có 3 trại trồng nấm bào ngư xám. Mỗi ngày trại nấm của chị cung cấp ra thị trường hơn 30kg nấm với giá bán bình quân 40.000 đồng/kg. Nhờ được sự giúp đỡ của Quỹ HTND và Chi cục Khuyến nông tỉnh hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm theo hướng VietGAP, nên mô hình trồng nấm của gia đình phát triển ổn định; doanh thu hàng năm hơn 360 triệu đồng.
Theo ông Phạm Quốc Việt, Chủ tịch Hội Nông dân phường An Thạnh, ở địa phương hiện có 4 tổ hợp tác đang nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ HTND với nguồn vốn từ 300 - 500 triệu đồng/tổ. Với phương thức mới là cho vay theo nhóm hộ và dự án, nguồn vốn Quỹ HTND đã kết nối từng hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ thành các tổ hợp tác, xóa bỏ dần phương thức làm ăn manh mún thành sản xuất hàng hóa tập trung. Nhờ đó nông dân vừa tiết kiệm chi phí đầu vào, tăng giá đầu ra vừa giúp họ học tập, nâng cao kiến thức và khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động
Theo đánh giá của ngành chức năng, bên cạnh những kết quả đạt được, so với nhu cầu về vốn của nông dân trong tỉnh hiện nay thì nguồn vốn Quỹ HTND còn khiêm tốn và trong quá trình thực hiện còn vướng một số hạn chế. Cụ thể, công tác tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân với việc tham gia phát triển kinh tế nông thôn có lúc, có nơi chưa sâu rộng; bên cạnh đó các mô hình xây dựng có quy mô nhỏ do nguồn vốn còn ít so với nhu cầu, từ đó chưa ảnh hưởng sâu rộng, chưa lồng ghép và phát huy tốt các chương trình, dự án khác của Hội Nông dân…
Để khắc phục những khó khăn nói trên và đưa quỹ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Quỹ HTND tỉnh, cho biết Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng Đề án “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND giai đoạn 2016-2020”. Đề án đặt mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020, quy mô Quỹ HTND tỉnh đạt 63,35 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 2.100 hộ hội viên nông dân phát triển sản xuất.
Để đạt mục tiêu này, Hội Nông dân tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự ủng hộ của các cấp, các ngành; cùng với đó tiếp tục tham mưu UBND các cấp bổ sung nguồn vốn cho Quỹ HTND các cấp theo kế hoạch đã được phê duyệt. Hội cũng tập trung thực hiệc việc thu hồi vốn và luân chuyển vốn theo đúng quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý, điều hành quỹ và kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng vốn của các hộ vay...
QUỲNH NHIÊN