Thời gian qua, Bình Dương luôn quan tâm đến công tác quy hoạch nhằm quản lý và phát triển đô thị đúng định hướng, là cơ sở để tổ chức thực hiện theo các quy hoạch được duyệt. Trong giai đoạn 2021- 2025, định hướng quy hoạch xây dựng đô thị Bình Dương có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Bình Dương tập trung phát triển đô thị theo hướng văn minh hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trong ảnh: Một góc thành phố Thuận An.
Ảnh: QUỐC CHIẾN
Nâng cao chất lượng
Những năm qua, Bình Dương tập trung rà soát, điều chỉnh kịp thời những hạn chế trong quá trình xây dựng quy hoạch và phát triển của đô thị. Thực hiện Quy hoạch chung tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được duyệt với mục tiêu lâu dài là xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2020-2030, trong đó có thuê đơn vị tư vấn nước ngoài tham gia lập quy hoạch cho toàn tỉnh. Trên cơ sở đó, các quy hoạch chung đô thị cũng được phê duyệt, trong đó có 5 khu vực phía nam của tỉnh gồm Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên. Các đô thị phía bắc như thị trấn Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng), Phước Vĩnh - Vĩnh Hòa (huyện Phú Giáo), Tân Thành và Tân Bình (huyện Bắc Tân Uyên), Lai Uyên (huyện Bàu Bàng). Hiện nay các đô thị đang trong quá trình rà soát, điều chỉnh theo lộ trình, dự kiến hoàn thành trong năm 2021.
Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Hiện nay các địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn theo hình thức tiến hành song song các quy hoạch. Qua đó cho thấy công tác lập, phê duyệt và rà soát điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành như xây dựng, sử dụng đất, giao thông, chất thải rắn, nghĩa trang… trên địa bàn tỉnh được địa phương quan tâm thực hiện”.
Công tác quản lý phát triển đô thị được tỉnh quan tâm chỉ đạo, rà soát, điều chỉnh, bổ sung phù hợp, thể hiện qua việc tập trung lập và phê duyệt các Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh Bình Dương và các Chương trình phát triển cho các các đô thị Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên. Đó là công cụ để quản lý và đầu tư, phát triển đô thị bảo đảm đúng định hướng theo các quy hoạch được duyệt, là cơ sở để các địa phương rà soát và lập đề án nâng loại đô thị, xác định các khu vực dự kiến phát triển đô thị, khu vực chỉnh trang đô thị trên địa bàn, lập kế hoạch huy động vốn đầu tư. Theo thống kê, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh năm 2019 đạt 80,17%, dự kiến năm 2020 sẽ đạt 82% sau khi có các đô thị mới được thành lập.
Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh cho biết: “Thực tế việc quản lý phát triển đô thị theo các quy hoạch được duyệt đã giúp Bình Dương hình thành những không gian đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Nhiều công trình kiến trúc, cảnh quan đô thị đã được đầu tư, hệ thống hạ tầng kỹ thuật triển khai đồng bộ, tạo diện mạo khang trang của đô thị và đem lại tiện ích cho người dân. Ngoài ra, Bình Dương là tỉnh đầu tiên phát triển mô hình Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị có quy mô lớn, với tổng diện tích 4.196 ha, trong đó có 1.000 ha đất đô thị. Bên cạnh đó, tỉnh phát triển các dự án khu đô thị giáp các khu công nghiệp như Bàu Bàng, Mỹ Phước 1, 2, 3... Với định hướng về quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng và dịch vụ đồng bộ, Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương là nơi tổ chức các sự kiện có quy mô lớn rất thành công, mở ra cho Bình Dương nhiều cơ hội thu hút đầu tư, học tập và trao đổi kinh nghiệm quốc tế”.
Gắn với phát triển đô thị thông minh
Việc phát triển đô thị thông minh theo định hướng, Bình Dương phải quan tâm nhiều đến giải pháp thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển công nghiệp là xu hướng chuyển dịch dân cư từ các tỉnh, thành khác đến Bình Dương. Sự gia tăng dân số đã ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị còn nhiều hạn chế, bất cập cần quan tâm giải quyết các vấn đề như giao thông, ngập nước… Thực tế hiện nay cho thấy công tác quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt tồn tại các vấn đề như triển khai lập quy hoạch cần thống nhất, đồng bộ, chất lượng một số đồ án quy hoạch xây dựng chưa cao, tầm nhìn chưa dài hạn…
Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh cho biết: “Trong thời gian tới, Bình Dương tiếp tục tăng cường công tác quy hoạch, nâng cao chất lượng lập, thẩm định, lấy ý kiến chuyên gia, ý kiến kết nối vùng giữa các địa phương đối với các đồ án quy hoạch đô thị. Đặc biệt là công tác tập trung xây dựng kế hoạch, giải pháp để thực hiện theo các quy hoạch được duyệt. Chú trọng tầm nhìn phát triển đô thị dài hạn theo quy định pháp luật về tầm nhìn quy hoạch, nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt, đề xuất phân kỳ thời gian triển khai thực hiện các quy hoạch”. Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh cho biết tiếp tục quản lý phát triển đô thị gắn với Đề án Thành phố thông minh Bình Dương. Trên cơ sở Chương trình phát triển đô thị quốc gia được điều chỉnh trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện rà soát chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh và các chương trình phát triển các đô thị trực thuộc phù hợp với giai đoạn mới.
Trong giai đoạn 2021-2025, Bình Dương phát triển đô thị với mục tiêu tập trung “Phát triển đô thị Bình Dương theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng sống người dân”; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Định hướng quy hoạch xây dựng đô thị Bình Dương theo hướng có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, là động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Huy động các nguồn lực đầu tư dưới nhiều hình thức phù hợp để xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang đô thị gắn với xây dựng thành phố thông minh theo đúng lộ trình đề ra, để tạo động lực phát triển. |
PHƯƠNG LÊ