Tuy đang trong giai đoạn ổn định điện năng sau thời gian phát triển nhanh nhưng dự kiến nhu cầu tiêu thụ điện năng của Bình Dương sẽ tăng trung bình mỗi năm khoảng 1 tỷ kWh. Để giải quyết bài toán tăng trưởng lớn này, trước yêu cầu hạn chế mở rộng công trình do không còn quỹ đất, đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện III (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đã trình Đề án “Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2025 có xem xét đến năm 2035” tại phiên họp thứ 2 của UBND tỉnh do ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì vào ngày 22-7 tại Trung tâm Hành chính tỉnh.
Quy hoạch điện lực Bình Dương trong thời gian tới cần sát với thực tiễn, hợp lý để đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh trong tương lai gần. Trong ảnh: Đơn vị tư vấn trình bày quy hoạch trước lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành tại phiên họp sáng ngày 22-7. Ảnh: D.CHÍ
Hết tăng trưởng “nóng” là nhảy vọt
Tư tưởng chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Bình Dương về quy hoạch và phát triển điện lực là: Không mở rộng diện tích xây dựng công trình; không được để đường dây đi trên công trình đã được phê duyệt quy hoạch; phải hiện đại hóa đầu tư theo hướng lắp thêm máy cho các trạm biến áp nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải, nâng cao hệ thống trụ để cùng lúc mang được nhiều đường dây, chuyển tải được nhiều nguồn điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Từ khảo sát của đơn vị tư vấn cho thấy, nguồn điện cung cấp cho tỉnh Bình Dương khá dồi dào từ hệ thống truyền tải 500kV, 220kV và 110kV. Tổng Công ty Điện lực Miền Nam cũng đã đầu tư hiện đại hóa “mạch vòng” kết nối hầu hết các trạm biến áp nhằm kịp thời xử lý, chuyển nguồn để đáp ứng nhu cầu và tính liên tục trong sử dụng điện. Với đà tăng trưởng công nghiệp, đô thị của tỉnh, hiện nay các trạm biến áp trên địa bàn hầu như đã đạt công suất thiết kế, trong đó có nhiều trạm đã đầy tải, quá tải như: Gò Đậu, Bình Hòa, Mỹ phước…
Cũng nhờ được đầu tư hệ thống hạ tầng tốt mà Bình Dương trở thành một trong bốn địa phương của cả nước là Hà Nội, TP.HCM và Đồng Nai có mức tăng sản lượng tiêu thụ hàng năm trên 1 tỷ kWh điện. Bình Dương cũng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số hộ sử dụng điện đạt trên 99% với mức tiêu thụ trung bình là 4.836kWh/người/năm.
Báo cáo của Sở Công thương về nhu cầu điện năng của tỉnh cho thấy phải tăng thêm đến năm 2020 là 2.427 MW và năm 2025 là 3.688 MW. Từ đó, sản lượng điện thương phẩm sẽ tăng từ 8.956 GWh năm 2015 tăng lên 14.496 GWh vào năm 2020 và đạt mức 22.838 GWh vào năm 2025.
Qua đó cho thấy sau thời kỳ phát triển “nóng” trên 35%/ năm, tình hình tiêu thụ và sử dụng điện đi vào ổn định. Nhờ hệ thống hạ tầng hoàn thiện, môi trường đầu tư thuận lợi, các khu công nghiệp được phê duyệt mở rộng… dự báo từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo nhu cầu sử dụng điện sẽ nhảy vọt, nên yêu cầu quy hoạch, phát triển điện lực là rất cần thiết.
Cần cẩn trọng khi quy hoạch
Góp ý vào đề án quy hoạch của đơn vị tư vấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC Phạm Ngọc Thuận, cho biết quỹ đất của Bình Dương không còn nhiều nên việc giải tỏa, xây dựng sẽ rất khó nếu quy hoạch không xác định rõ hành lang, hướng tuyến cũng như số lượng trạm biến áp cụ thể. Nếu không cập nhật kịp thời sau này sẽ khó khăn khi bổ sung.
Cùng quan điểm trên, đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp cho rằng, theo quy định trạm biến áp trên 50 MW phải được bổ sung vào quy hoạch. Trong khi thực tế thu hút đầu tư tại Bình Dương cho thấy nhiều doanh nghiệp tự đầu tư trạm biến áp như Kumho, Far Eastern, ChingLong… đã đầu tư trạm biến áp khá lớn. Nếu không bổ sung ngay từ bây giờ thì sau này sẽ vướng nhiều thứ rất rắc rối.
Ông Phạm Danh, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường lại quan tâm đến vấn đề quỹ đất. Ông Danh cho rằng, tổng diện tích đất giải tỏa thêm để xây dựng các trạm biến áp, trụ điện theo quy hoạch chỉ 35 ha. Nhưng quy hoạch chưa đề cập đến đường dây và hành lang bảo vệ phía dưới đường dây. Vì vậy, đơn vị tư vấn cần bổ sung để các địa phương lập báo cáo trình HĐND làm cơ sở thu hồi đất đúng luật.
Thực tế cho thấy việc thu hồi, giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình mất rất nhiều thời gian. Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương Nguyễn Trung Thu nêu ví dụ về công trình trạm biến áp Thuận Giao (TX.Thuận An) giải tỏa chỉ 5.000m2 phải mất trên 3 năm với tổng vốn đền bù 11 tỷ đồng. Trong khi đó chủ trương của Tổng Công ty Điện lực Miền Nam là công trình hạ tầng điện chỉ xây dựng tối đa là 4 tháng. Nguồn vốn để đầu tư xây dựng hệ thống trạm do Tổng Công ty Điện lực Miền Nam cung cấp luôn bảo đảm nhằm đáp ứng tính liên tục.
Phát biểu tại phiên họp, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, nhu cầu phát triển công nghiệp-đô thị của tỉnh thời gian tới là rất lớn, gắn với nhu cầu tăng trưởng điện năng. Để quy hoạch khả thi, đơn vị tư vấn cần phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương cập nhật, bổ sung thông tin, tránh xảy ra tình trạng dây điện chạy trên công trình đã được quy hoạch, phê duyệt…
DUY CHÍ