Quy hoạch phát triển hệ thống bãi đỗ xe công cộng: Nâng cao hiệu quả khai thác các cơ sở hạ tầng đỗ xe

Cập nhật: 15-12-2024 | 14:46:45

(BDO) Nhằm nâng cao hiệu quả khai thác các cơ sở hạ tầng đỗ xe, Nhóm nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu Giao thông vận tải (GTVT) Việt Đức thuộc Trường Đại học Việt Đức đã triển khai thực hiện Đề tài: “Nghiên cứu dự báo nhu cầu báo đỗ xe công cộng và đề xuất các giải pháp quy hoạch, chính sách đầu tư và mô hình quản lý khai thác hệ thống bãi đỗ xe công cộng tại khu vực trung tâm đô thị Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An tỉnh Bình Dương”. Tiến sỹ Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức làm chủ nhiệm đề tài. Đề tài cung cấp cái nhìn toàn diện cho các nhà quy hoạch và quản lý đô thị của tỉnh Bình Dương.

  Quy hoạch phát triển hệ thống bãi đỗ xe công cộng giúp ngành chức năng nâng cao hiệu quả khai thác các cơ sở hạ tầng đỗ xe

Đề xuất các giải pháp quy hoạch, chính sách đầu tư

Bình Dương là tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước với tỷ  lệ 85%. Dân số tập trung cao ở các thành phố: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An. Yếu tố đô thị hóa và phát triển kinh tế đã thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu sở hữu phương tiện cơ giới cá nhân, đặc biệt là xe ô tô, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Sự gia tăng sở hữu phương tiện cơ giới cao phản ánh sự gia tăng nhu cầu giao thông cá nhân kéo theo sự gia tăng nhu cầu các hạ tầng phụ trợ, đặc biệt là nhu cầu dừng đỗ phương tiện cơ giới.

Tình trạng ùn tắc giao thông đô thị ở các thành phố của tỉnh Bình Dương đang gia tăng. Một trong các nguyên nhân là tình trạng đỗ xe trái phép trên vỉa hè, lòng đường gây cản trở lưu thông, làm mất an toàn giao thông. Công tác kiểm kê bãi đỗ xe ở 3 trung tâm thành phố cho thấy các bãi đỗ xe công cộng chỉ đáp ứng được khoảng 65% ở TP.Thủ Dầu Một và khoảng 30% ở TP.Thuận An và TP.Dĩ An. Theo dự báo phát triển đô thị và giao thông đến năm 2030 và 2040, nhu cầu đỗ xe ở các bãi đỗ công cộng ngày càng gia tăng, ngay cả trong trường hợp chính quyền địa phương nỗ lực phát triển hệ thống giao thông công cộng và giao thông phi cơ giới.

Quy hoạch tổng thể GTVT tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã đề cập sự cần thiết quy hoạch hệ thống bãi đỗ xe cộng cộng ở khu vực trung tâm thành phố và tại các đầu mối giao thông. Tỉnh cũng đang triển khai đồ án Quy hoạch tỉnh, các thành phố trực thuộc cũng đang triển khai cập nhật Quy hoạch đô thị. Đây là thời điểm và cơ hội để đưa quy hoạch hệ thống bãi đỗ xe công cộng khu vực trung tâm đô thị vào các đồ án.

Thực tiễn đặt ra yêu cầu nghiên cứu dự báo nhu cầu đỗ xe ở từng khu vực trong giai đoạn 10-20 năm tới, đề xuất giải pháp quy hoạch phát triển hệ thống bãi đỗ xe công cộng để gia tăng nguồn cung và giải pháp quản lý, khai thác để nâng cao hiệu quả khai thác các cơ sở hạ tầng đỗ xe.

Trước thực trạng trên, Nhóm nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức thuộc Trường Đại học Việt Đức đã triển khai thực hiện Đề tài: “Nghiên cứu dự báo nhu cầu báo đỗ xe công cộng và đề xuất các giải pháp quy hoạch, chính sách đầu tư và mô hình quản lý khai thác hệ thống bãi đỗ xe công cộng tại khu vực trung tâm đô thị Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An tỉnh Bình Dương”.

Tiến sỹ Vũ Anh Tuấn cho biết: “Đề tài không chỉ nghiên cứu về các vấn đề trong công tác quy hoạch hệ thống ĐXCC, mà còn đề xuất các giải pháp thiết kế công trình và các chính sách thu hút đầu tư phát triển hạ tầng ĐXCC nhằm tăng tính toàn diện của đề tài. Đề tài cung cấp cái nhìn toàn diện nhất trong khả năng cho các nhà quy hoạch và quản lý đô thị của tỉnh Bình Dương”.

Phạm vi nghiên cứu của đề tài để xây dựng quy hoạch là khu vực trung tâm 3 đô thị: Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An, nơi có nhu cầu đỗ xe lớn và đang gia tăng, đồng thời đang thiếu nguồn cung đỗ xe, đang có tình trạng đỗ xe tràn lan lòng đường, vỉa hè, quỹ đất xây dựng các bãi đỗ xe khá hạn chế. Đối tượng nghiên cứu là xe máy, ô tô và người điều khiển/sử dụng có nhu cầu đỗ ở các bãi đỗ công cộng trong lúc di chuyển.

Tiến sỹ Vũ Anh Tuấn cho biết thêm, đề tài nghiên cứu dự báo nhu cầu sử dụng bãi ĐXCC trong giai đoạn 10 năm và 20 năm tới; nghiên cứu lập quy hoạch phát triển hệ thống ĐXCC theo các giai đoạn phát triển của khu vực. Đề tài đề xuất các mô hình thiết kế, các chính sách thu hút đầu tư và các giải pháp quản lý khai thác tối ưu hệ thống ĐXCC.

“Nghiên cứu đã bao gồm toàn diện các khía cạnh: đánh giá và dự báo nhu cầu ĐXCC hiện tại và tương lai, xây dựng các kịch bản quy hoạch, phương án triển khai tốt nhất đi kèm những đề xuất thiết kế, công nghệ thông tin và chính sách hỗ trợ. Qua đó, nghiên cứu mang tới cái nhìn toàn diện nhất về vấn đề phát triển hệ thống ĐXCC trong đô thị nói chung và hệ thống ĐXCC ở các đô thị ở Bình Dương nói riêng”.

(Ông Nguyễn Mộng Giang, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ)

Phát triển và nâng cấp hệ thống đỗ xe công cộng

Trên cơ sở dự báo nhu cầu ĐXCC ở khu vực trung tâm 3 thành phố và phương án quy hoạch tốt nhất cho mỗi thành phố, nhóm nghiên cứu đề xuất các mức thu phí đỗ xe và phân tích tác động của chúng đến nhu cầu sử dụng bãi đỗ xe, chuyển đổi phương thức đi lại từ phương tiện cơ giới cá nhân sang dịch vụ vận tải hành khách công cộng. Theo đó, nhóm nghiên cứu thay đổi cơ bản cơ chế tính phí đỗ xe, từ phí cố định theo lượt, sang luỹ tuyến theo thời gian và nhu cầu sử dụng; đồng thời, nghiên cứu sự thay đổi trong hành vi liên quan tới đỗ xe.

 Phát triển hệ thống ĐXCC khu trung tâm đô thị nói riêng góp phần hướng tới mục tiêu phát triển đô thị bền vững, thông minh cho các đô thị thuộc tỉnh Bình Dương. Trong ảnh, đô thị Thủ Dầu Mộ; Thuận An, Dĩ An.

Theo kết luận đánh giá tổng quan kết quả nghiên cứu khoa học, Đề tài là một công trình nghiên cứu khá toàn diện, hệ thống và chi tiết về chủ đề hệ thống ĐXCC trung tâm đô thị ở Việt Nam và trên Thế giới. Ở góc độ Việt Nam, đề tài đã cung cấp phương pháp tiếp cận toàn diện đối với bài toán quy hoạch, quản lý khai thác và chính sách đầu tư phát triển hệ thống bãi đỗ xe trong đô thị nói chung và hệ thống ĐXCC khu trung tâm đô thị nói riêng, góp phần hướng tới mục tiêu phát triển đô thị bền vững, thông minh cho các đô thị thuộc tỉnh Bình Dương và ở các địa phương khác trên toàn quốc.

Ở góc độ quốc tế, đề tài cung cấp kiến thức về hiện trạng, các vấn đề thách thức và cơ hội giải pháp đối với vấn đề phát triển và quản lý hệ thống ĐXCC khu vực trung tâm đô thị có quy mô trung bình và nhỏ nhưng đang đô thị hoá nhanh ở các quốc gia đang phát triển.

Ông Nguyễn Mộng Giang, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, về khả năng ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, các kết quả nghiên cứu và sản phẩm đầu ra có tính chuyển giao và ứng dụng thực tiễn cao cho các bên liên quan, từ các đơn vị có thẩm quyền ở các sở, ban, ngành, địa phương cho tới các doanh nghiệp xây dựng, công nghệ thông tin, tư vấn và các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư khai thác hạ tầng dịch vụ ĐXCC trong đô thị. Dựa trên các kết quả toàn diện có luận cứ khoa học vững chắc, các bên liên quan có thể cùng chung tay đầu tư, phát triển và nâng cấp hệ thống ĐXCC cả về chất và lượng ở tỉnh Bình Dương và mở rộng trên quy mô toàn quốc.

“Cách tiếp cận nghiên cứu dựa trên quan điểm hệ thống ĐXCC là một bộ phận của hệ thống giao thông đô thị, chiến lược quản lý đỗ xe là một công cụ quản lý điều tiết nhu cầu giao thông đô thị hướng đến sự phát triển đô thị bền vững. Đây là cách tiếp cận hiện đại trên thế giới và có tính tương đối mới ở Việt Nam”.

(Tiến sỹ Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức)

Phương Lê-Quang Trí

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=17
Quay lên trên