Sáng 9-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban chỉ đạo với 63 địa phương để đánh giá công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thời gian qua và bàn nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh phục vụ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới...
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát với nhiều địa phương đã nới lỏng giãn cách, mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đổi mới tư duy, tổ chức thực hiện phù hợp với diễn biến của dịch bệnh và yêu cầu khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội; trong đó ban hành hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh một cách phù hợp, hiệu quả và tổ chức thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Mỗi địa phương vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn từng địa bàn trên nguyên tắc bảo đảm kiểm soát dịch bệnh và an toàn, an ninh cho nhân dân…
Tại Bình Dương, số ca nhiễm mới mỗi ngày đã giảm rõ rệt. Đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn tỉnh. Công tác an sinh xã hội được bảo đảm; an toàn trật tự xã hội được giữ vững; đời sống của nhân dân đang dần trở lại trạng thái “bình thường mới” và ổn định hơn. Hiện toàn tỉnh có 3.330 doanh nghiệp đã đăng ký và đang hoạt động “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, “3 xanh” với 331.585 lao động. Từ đầu tháng 10 đến nay, UBND tỉnh và các cấp, các ngành đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các phương án khôi phục sản xuất, thông thương hàng hóa và hướng dẫn các địa phương tổ chức sản xuất và lưu thông trên địa bàn tỉnh…
Hiện nay, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn có những diễn biến phức tạp, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương cùng người dân và doanh nghiệp tiếp tục phát huy tinh thần này, không chủ quan, lơ là trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đồng thời tăng cường tuyên truyền để người lao động cùng thực hiện. Mỗi doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các tiêu chí để có phương án phù hợp, kịp thời trong việc ứng phó với dịch bệnh.
Bên cạnh các giải pháp chống dịch quyết liệt, tỉnh cũng đã có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh kịp thời; kêu gọi người lao động yên tâm ở lại làm việc. Chính quyền tỉnh cam kết chung tay với doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực, nuôi dưỡng khát vọng, đón những cơ hội để khôi phục sản xuất, kinh doanh, góp phần vào tăng trưởng kinh tế nói chung. Với sự nỗ lực song hành này, hy vọng các doanh nghiệp và người dân sớm vượt qua khó khăn, làm chủ được tình hình, khởi động lại các hoạt động và có nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
NGỌC THANH