Sản xuất lúa sạch theo hướng hữu cơ: Tăng năng suất, tăng lợi nhuận

Cập nhật: 24-12-2020 | 08:12:05

Mô hình sản xuất lúa sạch theo hướng hữu cơ, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến đồng bộ, hiệu quả trên một diện tích lớn, nâng cao năng suất, gia tăng chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời làm giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân.

 Sử dụng cơ giới hóa vào nông nghiệp ở xã An Tây, TX.Bến Cát

 Hiệu quả bước đầu

Với cách sản xuất lúa truyền thống của địa phương không cạnh tranh với lúa của các tỉnh bạn. Trong nhiều năm qua có rất nhiều diện tích bị bỏ hoang do năng suất, thu nhập thấp. Từ thực tế này, Hội Nông dân (HND) xã An Tây đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, Trạm Bảo vệ thực vật TX.Bến Cát triển khai nhiều chương trình, định hướng giúp nông dân sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng, cải thiện thu nhập.

Theo chân cán bộ HND xã An Tây tham quan những cánh đồng lúa trĩu bông đang sắp vào độ thu hoạch ở ấp Lồ Ồ, cho thấy được sự khác biệt so với những cánh đồng sản xuất lúa truyền thống. Ông Nguyễn Thanh Long, Chi Hội phó Chi hội nông dân nghề nghiệp xã An Tây, cho biết tham gia thực hiện mô hình sản xuất lúa sạch theo hướng hữu cơ, nhận thức của hội viên từng bước thay đổi, biết áp dụng khá đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, giảm lượng giống gieo sạ, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, chế phẩm sinh học… Nhờ vậy, không chỉ bảo đảm được năng suất lúa, phương thức sản xuất này còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo ra nông sản có chất lượng và an toàn.

Được biết, mô hình sản xuất lúa sạch theo hướng hữu cơ tại xã An Tây hoạt động từ năm 2018, hội viên trồng nhiều giống lúa, như: OM 4900, OM 7347, OM 5451… cơm dẽo, thơm rất được thị trường ưa chuộng. Sản xuất trước đây chỉ đạt 5 tấn/ha, nhưng khi áp dụng mô hình thì năng suất tăng lên từ 6 - 7 tấn/ha; giá lúa cũng tăng từ 10 - 20%. Ngoài hiệu quả về kinh tế, việc tổ chức sản xuất lúa sạch hướng hữu cơ đã làm thay đổi nhận thức và tập quán canh tác. Nhiều hộ nông dân lân cận thấy được hiệu quả kinh tế mang lại nên cùng tham gia.

Cần nhân rộng

Một điểm thuận lợi của mô hình sản xuất lúa sạch theo hướng hữu cơ là được kế thừa phát triển từ mô hình nông dân liên kết sản xuất, tập trung gieo sạ đồng loạt, quản lý rầy nâu, bệnh vàng lùn, xoắn lá, cánh đồng một loại giống. Việc nhận thức tiếp cận và tổ chức thực hiện được nông dân sẵn sàng áp dụng trong sản xuất vừa thực tiễn vừa khoa học, vừa mang yếu tố cộng đồng và có lợi ích kinh tế.

Từ thực tế đó, HND xã An Tây đã tổ chức thành lập Chi hội nông dân nghề nghiệp với mô hình “Lúa sạch sử dụng phân bón hữu cơ” gồm 20 thành viên ấp Lồ Ồ và ấp An Thành với tổng diện tích 50ha. Chi hội nghề nghiệp mô hình lúa sạch sử dụng phân bón hữu cơ giúp các thành viên hợp tác trong sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm, tiếp cận các nguồn vốn vay, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, hướng tới hình thành chuỗi sản xuất, liên kết, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người dân.

Dù vậy, trong sản xuất trồng trọt nói chung hay sản xuất lúa gạo nói riêng tại xã An Tây vẫn còn tình trạng thiếu tập trung, chi phí cao, sản phẩm làm ra chưa có sức cạnh tranh. Nguyên nhân do trình độ học vấn giữa các nông dân có sự chênh lệch, đến nay chỉ có hơn 80% nông dân ghi chép sổ sách đạt yêu cầu. Mặt bằng đồng ruộng không đồng đều, giao thông thủy lợi chưa hoàn chỉnh, ảnh hưởng tiến độ cơ giới hóa trong nông nghiệp. Vẫn còn một số nông dân chưa hiểu hết mục đích, yêu cầu của mô hình nên việc tiếp thu và tuân thủ quy trình canh tác còn hạn chế...

Ông Nguyễn Lê Công Minh, Chủ tịch HND xã An Tây, cho biết cùng với việc tăng cường tuyên truyền về xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp, HND xã An Tây sẽ tiếp tục định hướng sản xuất theo hướng liên kết, đáp ứng nhu cầu thị trường, phục vụ cho người tiêu dùng. Hội đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động mô hình; đồng thời giải quyết những khó khăn vướng mắc và đề ra giải pháp, hỗ trợ kịp thời. Cùng với đó, hội sẽ tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất cho hội viên chi, tổ hội nghề nghiệp, tăng cường liên kết trong sản xuất nông nghiệp, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất theo chuỗi giá trị. Mặt khác, ngoài quỹ hỗ trợ nông dân, hội tiếp tục phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội giúp các chi, tổ hội nghề nghiệp tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, góp phần đưa hạt gạo địa phương đạt chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Việc sản xuất lúa sạch theo hướng hữu cơ là định hướng phát triển sản xuất tích cực, giúp nông dân ứng dụng tốt và đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, đầu tư cơ giới hóa, hiện đại hóa tạo đà phát triển theo hướng bền vững.

 Mô hình sản xuất lúa sạch theo hướng hữu cơ tại xã An Tây hoạt động từ năm 2018, hội viên trồng nhiều giống lúa như: OM 4900, OM 7347, OM 5451… cơm dẻo, thơm rất được thị trường ưa chuộng. Sản xuất trước đây chỉ đạt 5 tấn/ha, nhưng khi áp dụng mô hình thì năng suất tăng lên từ 6 - 7 tấn/ha; giá lúa cũng tăng từ 10 - 20%. Ngoài hiệu quả về kinh tế, việc tổ chức sản xuất lúa sạch hướng hữu cơ đã làm thay đổi nhận thức và tập quán canh tác.

 THOẠI PHƯƠNG 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=656
Quay lên trên