Sản xuất xanh, thích ứng để phát triển

Cập nhật: 18-07-2023 | 08:32:48

Hiện nhiều doanh nghiệp (DN) tại Bình Dương đã và đang lấy sản xuất “xanh” làm chiến lược và lợi thế cạnh tranh. Theo đó, các DN liên tục đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình theo chiều sâu, gắn với phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

 Nhiều DN tại Bình Dương đang chủ động sử dụng năng lượng sạch, bên cạnh các giải pháp tiết kiệm năng lượng điện, nước trong quá trình sản xuất

 Con đường tất yếu

“Xanh hóa” sản xuất đang là xu thế toàn cầu mà DN bắt buộc phải triển khai để đạt mục tiêu phát triển bền vững. Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Becamex IDC, cho biết kinh tế xanh cũng chính là động lực để duy trì tăng trưởng và thu hút đầu tư. Trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu thị trường ngày càng đặt ra những thách thức mới cho DN như hiệu quả chi phí sản xuất, trách nhiệm với cộng đồng và các mục tiêu khử cacbon. Chính sách thuế cacbon và cơ chế điều chỉnh cacbon xuyên biên giới như Thỏa thuận Xanh châu Âu hoặc các cơ chế tương tự khác trên khắp thế giới cũng đang tạo ảnh hưởng lớn đến thu hút đầu tư FDI của nhiều nước.

Bản thân nhà đầu tư, đặc biệt DN FDI phải đáp ứng yêu cầu khắt khe hơn về sản phẩm sạch (từ nguồn nguyên liệu đến khâu sản xuất, cung cấp) và có nguồn gốc rõ ràng để được chấp nhận vào chuỗi giá trị toàn cầu và tăng tính cạnh tranh. Việc hướng đến sản xuất xanh trở thành xu thế tất yếu và được xem là một mắt xích trong chiến lược tăng trưởng xanh. Tham gia vào chiến dịch sản xuất xanh, trong thời gian qua, nhiều DN tại Bình Dương đã và đang chú trọng sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, nhiên liệu, hóa chất không gây độc hại; đầu tư dây chuyền máy móc, công nghệ, trang thiết bị sản xuất hiện đại theo các tiêu chuẩn quốc tế để cải tiến quy trình.

Một trong những DN tiên phong, có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện tăng trưởng xanh tại tỉnh phải kể đến là Nhà máy Tetra Pak tại Bình Dương. Đầu năm 2023, Tetra Pak trở thành nhà máy đầu tiên và duy nhất trong số 82 nhà máy sản xuất bao bì tại Việt Nam được xếp hạng đạt chứng nhận BRCGS hạng AA+, hạng cao nhất theo hệ thống quản lý chất lượng do Hiệp hội Bán lẻ Anh Quốc ban hành. Ông Eliseo Barcas, Tổng Giám đốc Tetra Pak Việt Nam, cho biết Tetra Pak cam kết giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động vận hành của công ty xuống bằng 0 vào năm 2030. Nhà máy sản xuất hộp giấy đựng đồ uống của Tetra Pak tại Bình Dương vừa hoàn thành việc lắp đặt các tấm năng lượng mặt trời trên diện tích gần 5.900m2 sau 6 tháng thi công. Những tấm quang năng này có thể tạo ra gần 1.900 MWh năng lượng điện tái tạo mỗi năm, giúp giảm hơn 700 tấn khí CO2 thải ra môi trường. Đây là kết quả thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính trong toàn bộ hoạt động kinh doanh của Tetra Pak.

Lựa chọn để thay đổi

Trên thực tế, nhiều DN tại Bình Dương đã và đang lấy sản xuất “xanh” là chiến lược và lợi thế cạnh tranh, từ sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệu thân thiện môi trường, ủng hộ các hoạt động trách nhiệm xã hội, đến đầu tư nghiêm túc vào những dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu chất thải và khí thải…

Theo ông Masami Okumura, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Toyotsu Safety & Automotive Components Vietnam (TSAV), KCN Mỹ Phước 3, chia sẻ công ty thuộc Tập đoàn Toyota, hiện đang sản xuất phụ kiện ghế ngồi xe hơi, tiêu thụ rất nhiều điện và dầu diesel. Để chủ động sử dụng năng lượng sạch, bên cạnh các giải pháp tiết kiệm năng lượng điện, nước trong quá trình sản xuất, công ty đã lắp đặt hệ thống quản lý chất lượng an toàn vệ sinh, hệ thống xử lý chất thải… Năm 2022, công ty cũng lắp đặt thêm 1 nồi hơi mới giúp giảm 15% lượng dầu diesel, đồng thời tiến hành lắp đặt điện mặt trời áp mái tại nhà máy. Hiện TSAV vẫn duy trì chiến lược bảo vệ môi trường trong nhà máy bằng các hoạt động như tuyên truyền về giảm phát thải CO2, giám sát chất lượng nước thải, khí thải, giảm thiểu sử dụng nước, giảm phát thải, chất thải hay minh bạch thông tin môi trường, phát động nhân viên xây dựng đề tài tiết kiệm điện, nước, giảm rác thải và tái chế cùng nhiều ý tưởng cải tiến thiết thực…

 Mặc dù việc phát triển kinh tế xanh của tỉnh mới chỉ đang ở giai đoạn khởi đầu, không ít thách thức còn cản trở cả địa phương và DN, nhưng việc đặt mục tiêu tăng trưởng xanh từ sớm sẽ giúp Bình Dương tiếp tục định hướng trong thu hút đầu tư cũng như hỗ trợ và giám sát hiệu quả các hoạt động của DN. Cùng với đó, DN sẽ phát triển bền vững, ngày càng được tín nhiệm và tôn trọng hơn.

(Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh)

Với Bình Dương, phát triển kinh tế xanh cũng chính là động lực để duy trì tăng trưởng và thu hút đầu tư. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững, tạo động lực thu hút các dòng vốn đầu tư mới, đặc biệt tỉnh chú trọng thu hút dòng vốn FDI đầu tư cho tăng trưởng xanh.

Mới đây, khi trao đổi với lãnh đạo tỉnh về việc sẽ tiếp tục rót thêm khoảng hơn 250 triệu đô la Mỹ vào Bình Dương, ông Yeh Ming Yuh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam), cho biết hưởng ứng chuyển đổi xanh trong sản xuất, song song với việc đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất với các sản phẩm sợi siêu bền, công ty cũng sẽ xây dựng một nhà máy năng lượng điện mặt trời bên cạnh để cung cấp điện cho hoạt động sản xuất. Công ty Polytex Far Eastern cam kết đầu tư vào Bình Dương hướng đến chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chung tay cùng Bình Dương trong việc tăng cường trách nhiệm xã hội để bảo vệ môi trường và người lao động.

 NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=504
Quay lên trên