Những ngày qua, hàng ngàn gia đình người có công (NCC) trong tỉnh được lãnh đạo các cấp kịp thời thăm hỏi, tri ân, động viên nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2024). Hoạt động này thể hiện tình cảm trân trọng sự quan tâm sâu sắc trong việc chăm lo đời sống, việc làm, sức khỏe, an sinh xã hội và không ngừng nâng cao mức sống cho gia đình NCC của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh và cộng đồng xã hội.
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ân cần thăm hỏi, tặng quà thương binh Nguyễn Văn Tiến ở phường Khánh Bình, TP.Tân Uyên nhân dịp 27-7 năm nay
Tận tình và chu đáo
Những hoạt động tri ân gia đình NCC đã thành nét đẹp truyền thống của cán bộ, đoàn viên thanh niên, công nhân viên chức trên toàn tỉnh trong nhiều năm qua. Bên cạnh thực hiện tốt các chế độ cho NCC theo quy định, từng đơn vị, địa phương còn có những hoạt động chăm lo về nhà ở cho từng đối tượng, hỗ trợ con em NCC về việc làm, học tập, chăm sóc sức khỏe và trao tặng từng tấm thẻ bảo hiểm y tế, sổ tiết kiệm cho NCC. ..
Được lãnh đạo tỉnh ghé thăm, tặng quà và tri ân trong dịp 27-7 này, ông Đồng Văn Vẽ (sinh năm 1947), thương binh 3/4 ngụ phường Khánh Bình, TP.Tân Uyên tỏ ra rất vui và xúc động trước sự quan tâm chu đáo của các cấp giành cho NCC. Ông chia sẻ: Việc chăm lo cho gia đình NCC trên địa bàn là rất chu đáo, năm sau cao hơn năm trước. Cấp xã luôn thực hiện tốt các chính sách cho NCC theo quy định, cùng với đó nỗ lực vận động nguồn xã hội hóa xây dựng từng căn nhà tình nghĩa dù nguồn vận động hạn chế.
“Đến nay, gần như gia đình NCC nào cũng có nhà cửa tươm tất, chế độ phụ cấp không ngừng được cải thiện, có cuộc sống ấm no từng ngày. Đến dịp lễ, tết, các đoàn tặng quà của lãnh đạo tỉnh, địa phương đến thăm hỏi, sẻ chia với chúng tôi như thế này rất trân quý. Ở tuổi gần 80, còn gì vui hơn khi nhìn thấy quê hương nơi mình đang sống và cống hiến từng ngày phát triển; từ vùng quê ngày nào nay đã lên thành phố, đô thị”, ông Đồng Văn Vẽ chia sẻ.
Bên cạnh hoạt động chăm lo thông qua những phần quà, trong các dịp lễ, tết, các đoàn thể từng địa phương còn thường xuyên tổ chức phụng dưỡng, chăm lo gia đình mẹ Việt Nam anh hùng, vợ liệt sĩ, thương binh bị ốm đau. Trong đó, hoạt động tham gia dọn dẹp, chăm sóc nhà cửa cho các mẹ, các chú mỗi dịp lễ, tết đến xuân về đã mang lại ý nghĩa tinh thần rất to lớn cho NCC. Hoạt động này cũng nhắc nhở thế trẻ hôm nay không được quên những đóng góp, hy sinh của các gia đình NCC để từ đó ra sức phấn đấu thi đua, học tập.
Nâng cao mức sống người có công
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), thời gian qua, Đảng bộ và chính quyền tỉnh luôn nâng cao trách nhiệm và đặc biệt quan tâm đến công tác “đền ơn đáp nghĩa”, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và cần phải thực hiện tốt. Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: “Ngoài các chế độ chính sách ưu đãi theo quy định chung của Trung ương, tỉnh đã ban hành một số chính sách đặc thù của tỉnh để hỗ trợ thêm đối với NCC”.
Cụ thể, Sở LĐTB&XH tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 08/2018/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ một số đối tượng NCC trên địa bàn tỉnh (hỗ trợ thêm cho NCC 15% mức trợ cấp hiện hưởng và 30% mức chuẩn hiện hành theo quy định của Chính phủ tùy từng nhóm đối tượng); Nghị quyết số 09/2019/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ việc tang đối với một số đối tượng trên địa bàn tỉnh (hỗ trợ thêm từ 20 - 35 triệu đồng/ trường hợp), chính sách này được thực hiện kể từ ngày 1-1-2019.
Năm 2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho NCC trên địa bàn tỉnh (hỗ trợ xây dựng mới là 100 triệu đồng/căn, sửa chữa 50 triệu đồng/căn, đối với nhà xây dựng trên nền đất yếu thì hỗ trợ xây dựng thêm 20 triệu đồng/căn; hỗ trợ sửa chữa thêm 10 triệu đồng/căn) được thực hiện kể từ ngày 1-1-2021.
Ngoài ra, hàng năm Sở LĐTB&XH còn tham mưu UBND tỉnh trích ngân sách trên 2,3 tỷ đồng để tổ chức đoàn NCC tiêu biểu của tỉnh thăm nhà tù Côn Đảo hoặc Phú Quốc, tham quan thủ đô Hà Nội, viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; điều trị miễn phí cho mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh nặng (thương binh 1/4) khi ốm đau hay vết thương tái phát theo chế độ trung cao; vận động các tổ chức, cá nhân nhận phụng dưỡng suốt đời 100% mẹ Việt Nam anh hùng còn sống (mức phụng dưỡng hàng tháng từ 1 triệu đồng trở lên)...
Bà Nguyễn Ngọc Hằng cho biết thêm: “Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành một phong trào sâu rộng trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Hàng năm, ngoài quy định chi hỗ trợ tiền lễ, tết của Trung ương, Bình Dương đã tổ chức chi hỗ trợ quà tặng cho NCC nhân dịp tết cổ truyền, kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ với mức hỗ trợ năm sau luôn bằng hoặc cao hơn so với năm trước. Theo đó, mức chi hỗ trợ dịp Tết Nguyên đán cao nhất là 10 triệu đồng/đối tượng, thấp nhất 1,3 triệu đồng/đối tượng; dịp lễ 27-7 cao nhất là 3 triệu đồng/đối tượng, thấp nhất 800.000 đồng/đối tượng) nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với NCC trên địa bàn tỉnh” .
Đến nay, tuyệt đại đa số NCC trong tỉnh đều có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống của vùng dân cư nơi cư trú; 100% xã, phường, thị trấn giữ vững danh hiệu xã, phường làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ và NCC.
“Để thực hiện tốt hơn nữa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, trong thời gian tới, chính quyền địa phương, các sở, ngành cần huy động nhiều hơn nữa nguồn lực xã hội, cùng chung tay chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần NCC; tạo điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, tham gia các hoạt động xã hội”. (Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH) |
QUANG TÁM