Bài cuối: Cháy mãi cùng năm tháng!
Hôm nay (15-7), đúng dịp kỷ niệm 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam, đền bia tưởng niệm TNXP tại xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng cũng được khánh thành. Đây là hoạt động thiết thực, đầy ý nghĩa để tri ân những người TNXP đã cống hiến tuổi thanh xuân, hy sinh thân mình cho nền hòa bình của dân tộc, điển hình là sự kiện 46 TNXP đã anh dũng hy sinh bởi trận bom B52 ác liệt của Mỹ vào năm 1969 tại nơi đây… Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng những sự hy sinh của TNXP trên mảnh đất anh hùng này mãi như những ngọn lửa bừng sáng - ngọn lửa cách mạng cháy mãi cùng năm tháng.
Công trình Bia tưởng niệm và Đền TNXP các anh hùng, liệt sĩ TNXP tại xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng. Ảnh: C.SƠN
Không có cuộc chiến tranh nào không có những mất mát, hy sinh. Dù hiểu thấu được điều đó nhưng những chàng trai cô gái mười tám, đôi mươi ngày ấy vẫn tình nguyện khoác lên mình màu áo xanh của TNXP, chia tay gia đình, bạn bè để đi đến những chiến trường nóng bỏng nhất phục vụ chiến đấu. Bởi trong trái tim họ, tiếng gọi quê hương thân thương, nền hòa bình độc lập dân tộc đã vượt lên tất cả, hun đúc họ trở thành những cánh chim băng mình ra tiền tuyến để phục vụ chiến đấu. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt, vùng đất Thanh An là địa bàn căn cứ địa cách mạng phía Tây - Bắc Sài Gòn - Gia Định, trung tâm đầu não của Mỹ - ngụy; là địa bàn chiến lược của tỉnh, khu, miền; cũng là trọng điểm đánh phá ác liệt của kẻ thù; là tọa độ lửa của các cụm pháo Đồng Dù, Bàu Đồn, Dầu Tiếng, Lai Khê…
Xuất phát từ yêu cầu phục vụ chiến đấu tại các chiến trường, thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương Cục, Hội đồng cung cấp tiền tuyến miền Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam ra nghị quyết thành lập lực lượng TNXP Giải phóng miền Nam. Ngày 20- 4-1965, đơn vị TNXP đầu tiên được thành lập với phiên hiệu “Đội TNXP Giải phóng miền Nam 100” (C100) phục vụ chiến dịch Phước Long - Sông Bé, trực tiếp phục vụ Trung đoàn 2 đánh Chi khu Đồng Xoài (6-1965), đồng thời xây dựng căn cứ Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam bên cạnh Hội đồng cung cấp tiền tuyến tại Bàu Tép, xã Thanh An. Với lực lượng TNXP Giải phóng miền Nam, đây là căn cứ đầu tiên xây dựng phát triển Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam (R). Tại nơi đây, đã có hơn 5.000 TNXP tập trung không thời hạn của các tỉnh miền Nam và Việt kiều Campuchia tập hợp trực tiếp phục vụ cho các sư đoàn chủ lực, các đoàn hậu cần quân giải phóng miền Nam suốt 10 năm trên chiến trường miền Đông Nam bộ, cực Nam Trung bộ. Và trong những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, những người thanh niên mười tám đôi mươi đã không quản khó khăn, thiếu thốn trăm bề, bệnh tật, gian nguy, băng qua lửa đạn để tiếp tế kịp thời lương thực, đạn dược cho chiến trường với khát khao cháy bỏng giải phóng quê hương đất nước. Trong từng trận đánh, TNXP cũng là lực lượng sát cánh với bộ đội, cùng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Dù không được trang bị vũ khí đầy đủ bằng quân đội nhưng TNXP cũng đã góp phần bẻ gãy những cuộc càn quét, hành quân của kẻ địch, chuyển thương binh ra tuyến sau. Sau mỗi trận đánh, TNXP vẫn ở lại thu dọn chiến trường, không để sót thương binh.
Trong “dòng thác” màu xanh xung phong năm nào tập kết đến Thanh An có đơn vị xung phong C112 của nữ anh hùng Đoàn Thị Liên và C32 với nhiệm vụ tải lương thực, thuốc men, đạn dược cho Đoàn 83 hậu cần. C112 là đội quân tập hợp nhiều TNXP các tỉnh như Bình Dương, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau, Rạch Giá… còn C32 chủ yếu là TNXP của tỉnh Cần Thơ. Trong suốt thời gian 7 đến 8 tháng tham gia chiến đấu tại đây, những đội viên TNXP đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tải lương thực, thuốc men, đạn dược cho các đơn vị quân đội. Bà Trương Thị Sang, một trong những đội viên C112 năm nào cho biết: “Thời điểm ấy, những đội viên TNXP dù ở nhiều địa phương khác nhau về đây nhưng sống rất chan hòa, xem nhau như người nhà, cùng chia sẻ những khó khăn và động viên nhau cống hiến, chiến đấu. Suốt trên những tuyến đường hành quân qua đêm với vô vàn hiểm nguy, nhưng những người TNXP luôn bảo đảm cung cấp kịp thời lương thực, đạn dược cho chiến trường. Có những thời điểm cái chết cận kề nhưng những đội viên TNXP vẫn động viên nhau vượt qua, tiến lên phía trước…”.
Cuối năm 1969, khi đơn vị C112 và C32 hoàn thành nhiệm vụ tải lương trở về, đang nghỉ ngơi thì bất ngờ trúng bom B52 của giặc do biệt kích địch đã phát hiện ra những tuyến đường mòn mà phía ta tạo ra. Liên tục 3 đợt, mỗi đợt 45 phút, những trận mưa bom của địch dội xuống khu rừng nơi lực lượng TNXP đang đóng quân. Bom trút xuống, mặt đất rung chuyển, cây cối bị xé nát, cả C112 và C32 bị hy sinh đến 46 người, khoảng 1/3 số quân. Đây là một sự mất mát quá lớn đối với những người còn lại. Nhưng nén đau thương vào lòng, các đội viên TNXP còn lại tiếp tục ra sức chiến đấu để xứng đáng với những người đã ngã xuống, cùng góp sức làm nên Đại thắng mùa xuân vĩ đại năm 1975, làm cho non sông thu về một mối. Những tấm gương TNXP chiến đấu dũng cảm, hy sinh oanh liệt mà trong đó có sự hy sinh vẻ vang của cán bộ đội viên TNXP Giải phóng miền Nam trong trận rải thảm B52 ngày nào tại xã Thanh An là minh chứng hùng hồn nhất cho tinh thần hiên ngang, bất khuất, quả cảm của những người khoác trên mình màu áo xanh xung phong. Họ đã nằm xuống để cho dòng chảy cách mạng được tiếp nối. Họ mãi mãi được thế hệ sau khắc ghi...
Giờ đây, sau gần 50 năm, hài cốt của những TNXP đã hy sinh năm nào, chỉ số ít được quy tập, phần nhiều đã hòa mình cùng đất mẹ, vun đắp cho màu xanh quê hương. Nhưng ý chí, sức chiến đấu mãnh liệt, tinh thần xung phong ấy vẫn mãi là biểu tượng của lý tưởng cách mạng sáng ngời, như ngọn lửa sáng mãi trong lòng của những người hôm nay. Để tưởng nhớ công lao của những TNXP đã hy sinh trên vùng đất Thanh An, UBND tỉnh đã cho xây dựng Bia tưởng niệm và Đền TNXP. Công trình này đã được khởi công xây dựng vào giữa tháng 5-2015 và đến nay đã hoàn thành. Đây chính là hành động thiết thực để tri ân với những người TNXP đã xả thân mình vì hòa bình, tự do, độc lập của dân tộc. Giờ đây, công trình này đã trở thành mái nhà chung, là nơi đi về của những người cựu TNXP, là nơi để các đồng đội của những người hy sinh năm nào thắp những nén nhang tri ân cho những người đã ngã xuống cho quê hương, để tình đồng đội, đồng chí mãi mãi quyện sâu.
Ông TRẦN CHÍ CƯỜNG, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu TNXP tỉnh:
Việc xây dựng công trình đã thể hiện rõ sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các ban ngành, đoàn thể đối với lực lượng TNXP. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến những người cựu TNXP luôn canh cánh nỗi trăn trở, mong muốn có một nơi để thắp những nén nhang tri ân, tưởng nhớ đến đồng đội, đồng chí đã ngã xuống như các cựu TNXP Vũ Xuân Thới, Trương Thị Sang, Nguyễn Văn Bình, Vũ Thanh Phương… cùng lãnh đạo Tỉnh đoàn Sông Bé, Bình Dương qua các thời kỳ. Và đến nay, ước nguyện đó đã trở thành sự thật…
Ông TRẦN VĂN MÃNH, Trưởng ban Liên lạc TNXP Giải phóng miền Nam, nguyên Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam:
Việc xây dựng Bia tưởng niệm và Đền TNXP các anh hùng, liệt sĩ TNXP hy sinh trên chiến trường Thủ Dầu Một (Bình Dương) tại xã Thanh An, huyện Bến Cát, nay là huyện Dầu Tiếng đối với lực lượng TNXP Giải phóng miền Nam có ý nghĩa đặc biệt. Đã hơn 40 năm sau chiến tranh, nước nhà thống nhất mà nỗi đau còn hằn sâu trong ký ức của những người hôm nay khi mà 50% số hài cốt của TNXP vẫn còn nằm rải rác ở đồng bưng, rừng sâu hay núi cao… Nay các liệt sĩ hy sinh được ghi danh và tôn thờ tại đây đã phần nào làm vơi đi sự trăn trở của bao người đồng đội còn lại…
Ông DƯƠNG VĂN NHÀN, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng:
Là người con của vùng đất anh hùng Thanh An, tôi luôn tri ân những hy sinh, mất mát của các thế hệ cha ông đi trước để mang lại hòa bình, ấm no cho dân tộc. Chúng tôi tự hào khi Bia tưởng niệm và Đền TNXP được xây dựng trên địa bàn xã nhà. Đây chính là địa điểm để xã tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống vùng đất Thanh An, của lực lượng TNXP cho thế hệ thanh niên cũng như các tầng lớp nhân dân tại địa phương.
CAO SƠN