Sập nhà, lòi ra… không phép!

Cập nhật: 02-07-2014 | 08:42:01

Phát hiện công trình xây dựng nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Chí Thanh, xã Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một, do tư nhân đầu tư, đang xây dựng bỗng dưng đổ sập, chúng tôi nhanh chóng liên hệ với chính quyền địa phương, thì vị Chủ tịch UBND xã này cho rằng: “Chuyện nhỏ! Báo chí không phải là cấp trên nên xã không thể cung cấp thông tin”. Công trình cứ thế tiếp tục được hoàn thiện dù đã bị đơn vị có thẩm quyền trực thuộc UBND xã lập biên bản đình chỉ với 2 sai phạm: Xây dựng sai phép và chưa chuyển mục đích sử dụng đất!

 Đã sai lại còn… thách thức?

8 giờ sáng ngày 6-1-2013, từ nguồn tin báo của quần chúng tại ấp 5, đường Nguyễn Chí Thanh (ngã tư Cây Điệp), xã Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một, khi công nhân đang tháo dỡ cốp-pha chuẩn bị một ngày làm việc mới thì công trình xây dựng rộng trên 100m2 nằm ngay mặt tiền con đường này bất ngờ đổ sập. Rất may là không xảy ra thương vong, nhưng cho thấy việc xây dựng quá cẩu thả, không đạt chất lượng, nếu không kịp thời chấn chỉnh thì nguy hiểm tính mạng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Có mặt tại hiện trường sau khi lực lượng chức năng của địa phương tiến hành lập biên bản và yêu cầu tạm ngưng thi công để điều tra làm rõ nguyên nhân, không riêng chúng tôi mà cả người dân quanh đó đều không khỏi ngạc nhiên, bởi sau khi lực lượng chức năng rút đi thì những người thợ xây dựng công trình lại leo lên giàn giáo để tiếp tục công việc mà không hề tạm dừng thi công như yêu cầu!

Nơi xảy ra sự cố là một mảng tường lớn nằm dưới cây đà ngang đã bị gãy sụm. Đống gạch đá nằm ngổn ngang trên sàn được những người thợ xây hất văng tung tóe để phi tang chứng cứ, làm những người có mặt theo dõi không khỏi giật mình lo lắng với hàng loạt băn khoăn: “Tường yếu như vậy thì làm sao bảo đảm an toàn? Không chỉ cho người đang sinh hoạt bên trong mà cả những người sống xung quanh có thể gánh hậu quả bất cứ lúc nào nếu công trình kém chất lượng thế này được đưa vào sử dụng”?

Tại quán cà phê cách công trình vài căn nhà, một nhóm đàn ông đi xe du lịch đang ngồi uống nước và bàn tán xôn xao. Khi chúng tôi hỏi thăm có biết ai là chủ căn nhà bị sập không, thì một người tên Trần Văn Út cho biết mình là chủ nhà. Anh này nói: “Xây cái này là để đậu xe chứ có ở đâu mà lo. Tại người ta muốn chuyện bé xé ra to đó thôi mà”. Trước thái độ hằn học của chủ nhà, chúng tôi giải thích: “Cô bác nhắc nhở vậy là đúng, công trình này là của anh, sau này gia đình, người thân của anh sinh hoạt trong đó, nên cần cảm ơn người ta chứ sao anh lại có thái độ hằn học như vậy”? Thay vì lắng nghe, ông chủ trẻ ngắt ngang câu chuyện với chúng tôi bằng lời thách thức: “Đại diện ủy ban, công an xã vừa đến lập biên bản, sẵn nhà báo tới đây thì nhờ viết luôn dùm một bài đăng báo chơi…”. Tưởng ông chủ công trình bức xúc do nhóm công nhân thi công cẩu thả, chúng tôi hỏi lại: “Công trình này anh thuê nhà thầu thi công hay sao?”, thì được ông chủ khẳng định: “Do gia đình tự tổ chức thi công”!

Từ việc hằn học với những người xung quanh, dù ý kiến của bà con cô bác nơi đây là nhằm bảo vệ sự an toàn cho chính chủ đầu tư, đến việc xem thường, thách thức công luận của ông chủ công trình, cho thấy chủ đầu tư vừa xem thường pháp luật, vừa tự tin, ỷ lại vào một thế lực nào đó nên sẵn sàng thách thức dư luận.

Địa phương nói “chuyện nhỏ”!

Một thợ xây tham gia thi công công trình cho biết: “Ông chủ nói xây cái này để đậu xe ô tô, nhưng đây là khu đất “vàng”, lại nằm ngay mặt tiền đường lớn như thế này thì làm nơi trưng bày và bán xe ô tô thì đúng hơn”. Còn một người hàng xóm, có nhà gần công trình thì đưa ra nhận định: “Xây dựng cẩu thả, không đúng kỹ thuật nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Cụ thể khẩu độ công trình quá lớn, nhưng hệ thống đà kiềng, xiên ngang đều rất mỏng manh, nhìn bằng mắt thường cũng biết là không đúng kỹ thuật. Chưa cất mái, sức nặng chưa đè lên các trụ chống đỡ mà công trình đã sập! Sửa lại thì cũng được, nhưng khi lợp mái sức nặng từ trên đè xuống, cộng với sức gió tác động sẽ gây rung lắc, bẻ gãy kết cấu, có thể dẫn đến đổ sập hoàn toàn cả công trình bất cứ lúc nào. Theo quy định của pháp luật, nếu xây nhà để ở thì chủ nhà chịu trách nhiệm về thiết kế, độ an toàn của công trình. Nếu xảy ra tai nạn sau này thì chủ nhà tự chịu trách nhiệm. Nhưng đây là công trình dân dụng, có người ngoài ra vào, nên phải có bản vẽ, được cơ quan chức năng thẩm duyệt trước khi xây dựng để tránh tai nạn có thể xảy ra”.

Từ yêu cầu “đầy tính thách thức” của chủ nhà cùng với những bức xúc và nguy cơ tiềm ẩn mà người dân cảnh báo, chúng tôi tìm đến UBND xã Tương Bình Hiệp để tìm hiểu nguyên nhân. Sau nhiều lần tới lui, chúng tôi được Phó Chủ tịch UBND xã Bùi Ngọc Trúc trả lời là Đội Quy tắc của xã đã có mặt xử lý, nhưng kết quả thế nào thì phải hỏi chủ tịch, chứ cấp phó không được cung cấp thông tin khi chưa được sự dồng ý của cấp trên. Sau đó, chúng tôi được giới thiệu gặp Chủ tịch UBND xã Huỳnh Tấn Lợi ngay tại phòng làm việc. Câu nói đầu tiên của vị chủ tịch xã sau khi xem qua giấy tờ và trình bày của chúng tôi là: “Chuyện nhỏ thế này mà đăng báo làm gì, chúng tôi đã lập biên bản xử lý đúng quy định của pháp luật rồi”! Cùng làm việc với ông Lợi có đại diện Đội Quy tắc của xã đã lập biên bản sự việc, nên chúng tôi xin photo biên bản thì ông Lợi lắc đầu bảo: “Báo chí đâu phải cấp trên của chúng tôi đâu mà cho photo biên bản. Chúng tôi có thể nói sơ bộ vụ việc là công trình này trước đây có xin giấy phép xây dựng khách sạn, nhưng do ảnh hưởng tình hình kinh tế người ta chưa triển khai mà tạm thời xây công trình tạm. Địa phương đã lập biên bản đình chỉ xây dựng theo thẩm quyền và yêu cầu đương sự tiếp tục hoàn thiện các thủ tục cần thiết”. Rồi ông Lợi quay sang hỏi nhân viên của mình: “Có phải như vậy không?”. Tuy nhiên, anh nhân viên này thì trung thực trả lời: “Dạ có 2 lỗi trong biên bản là chưa chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng trái phép ạ”!

Qua đây cho thấy sự bất nhất đến độ mâu thuẫn trong cung cấp thông tin cho báo chí của vị Chủ tịch UBND xã về bản chất của vụ việc. Không biết do “chủ động” nhầm lẫn hay cho rằng nhà báo là người ít hiểu biết về các quy định trong xây dựng mà ông Lợi đã nói rằng “trước đây chủ đầu tư có xin phép xây dựng khách sạn”, trong khi đất xây dựng thì chưa chuyển mục đích sử dụng, vậy cơ quan nào cấp phép và xin phép một đàng, xây dựng một nẻo cũng được địa phương cho là chuyện nhỏ sao?! Do địa phương thiếu hợp tác, không kiên quyết trong việc quản lý, xử lý vấn đề xây dựng trái phép, cụ thể là tại công trình này, nên khi bài báo này đến tay bạn đọc thì công trình đã hoàn thành hoặc được đưa vào sử dụng.

Chúng tôi đã âm thầm theo dõi, ghi nhận lại diễn biến và tiến hành điều tra vì sao một công trình xây dựng kém chất lượng, lại không tuân thủ quy định của pháp luật như thế vẫn cứ tự nhiên mọc lên, trong khi ở nơi khác chỉ cần đổ vật tư hoặc sửa chữa nhà ở mà không xin phép thì đã bị đình chỉ thi công và phải hoàn thành các thủ tục cần thiết theo quy định mới được tiếp tục xây dựng, sửa chữa.

Đối với các công trình xây dựng vi phạm quy định, Nghị định 180 quy định Chủ tịch UBND xã, phường được giao nhiệm vụ đình chỉ thi công hoặc ra quyết định cưỡng chế, buộc tháo dỡ “nóng” công trình nếu đương sự không hợp tác. Trường hợp Chủ tịch UBND xã, phường chưa làm hết trách nhiệm thì Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng có quyền đề nghị xử lý hoặc trực tiếp đình chỉ, buộc tháo dỡ “nóng” công trình theo thẩm quyền.

Kỳ tới: Phớt lờ Nghị định 180 !

 

 

 DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=535
Quay lên trên