Ngày 23-10, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các thành viên Tổ công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp (DN) khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh đã đến thăm, làm việc tại Công ty TNHH Panko Vina và Công ty TNHH Xưởng giấy Chánh Dương (Khu công nghiệp Mỹ Phước, TX.Bến Cát).
Sản xuất an toàn
Làm việc với các DN, ông Võ Văn Minh nhấn mạnh các sở, ngành chức năng, lãnh đạo DN cần đi vào trọng tâm, bàn các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn. “Bàn kỹ cách thức bảo đảm phục hồi sản xuất trong tình hình mới, an toàn cho công nhân, không để hình thành ổ dịch trong các DN, khu, cụm công nghiệp. DN, các ngành, các cấp phối hợp để giải quyết thiếu nguồn lao động, bảo đảm y tế trong nhà máy, lưu thông hàng hóa, chăm lo đời sống cho người lao động...”, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu. Trao đổi cùng các DN, cụm từ “bảo đảm an toàn” để giữ vững thành quả, bảo đảm phát triển bền vững được ông Võ Văn Minh nhấn mạnh. Các cấp, các ngành, DN phải cố gắng đưa ra các giải pháp hữu hiệu. Tuyệt đối không để xảy ra ổ dịch lớn trong DN, ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân, ảnh hưởng sản xuất.
Ông Võ Văn Minh (bìa trái hàng trước), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác đến thăm phân xưởng sản xuất thuộc Công ty TNHH Panko Vina, KCN Mỹ Phước (TX.Bến Cát)
Ông Byun Jae Woong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Panko Vina (Khu công nghiệp Mỹ Phước), cho biết ở thời điểm hiện nay, khó khăn lớn nhất mà DN đang gặp phải là thiếu nguồn lao động khi trở lại sản xuất, nỗ lực giữ vững chuỗi cung ứng ngành may mặc. Hiện công ty đã khôi phục sản xuất với số lượng lao động trở lại khoảng 4.800 trên tổng số 7.000 lao động của nhà máy từ đầu năm 2021. Công ty mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền để đón lao động trở lại, tuyển dụng thêm lao động cũng như được hướng dẫn thêm các vấn đề về bảo đảm phòng, chống dịch trong nhà máy, khôi phục sản xuất bền vững theo lộ trình đã vạch ra.
Ông Li Xin, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xưởng giấy Chánh Dương, cho biết công ty có tổng diện tích 30.000m2, hiện đang có 2 dây chuyền sản xuất giấy sản lượng 550.000 tấn/năm. Sau khi dự án giai đoạn 2 đi vào hoạt động, công ty đã trở thành 1 trong những nhà máy sản xuất giấy bao bì có sản lượng lớn nhất Việt Nam. “Công ty hiện đã và đang giữ vững sản xuất với khoảng 90% lao động làm việc. Sau hơn 3 tháng cho lao động lưu trú tại nhà máy, công ty đang bổ sung lao động để tăng công suất, trở lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, hiện công ty phải đối mặt với việc hàng hóa tồn đọng do lưu thông gặp khó trong thời gian qua. Công ty mong muốn chính quyền tạo điều kiện để 37 chuyên gia của nhà máy được về nước và đón các chuyên gia châu Âu đến nhà máy làm việc”, ông Li Xin đề nghị.
Thích ứng với điều kiện mới
Ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết trong tình hình hiện nay việc phục hồi sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN là yêu cầu cấp bách. Tuy nhiên, vừa phục hồi sản xuất, kinh doanh vừa phải bảo đảm an toàn về sức khỏe cho công nhân lao động là vấn đề hết sức khó khăn. Đòi hỏi DN đông công nhân như Panko Vina cần có trạm y tế, có bác sĩ để có thể bảo đảm phản ứng kịp thời trong tình hình dịch bệnh. Ông Huỳnh Thanh Hà khuyến cáo công ty cần tổ chức kiểm soát chặt nguồn bệnh từ hệ thống giao nhận hàng hóa, đối tác cung ứng thực phẩm để bảo đảm an toàn cho công nhân sản xuất; cần có sự chủ động trong việc phát hiện, cách ly F0 trong nhà máy khi xuất hiện, liên hệ chặt chẽ với ngành y tế, chính quyền địa phương để xử lý kịp thời. Từ nay đến cuối năm 2021, công ty nên khôi phục sản xuất khoảng 75 - 80% công suất. Tất cả để chuẩn bị cho kế hoạch dài lâu thay vì nôn nóng sản xuất có thể đánh mất thành quả chống dịch.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm nhà máy Công ty TNHH Xưởng giấy Chánh Dương, Khu công nghiệp Mỹ Phước, TX.Bến Cát
Việc khôi phục kinh tế, hỗ trợ DN tái sản xuất, kinh doanh là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài, các cấp, các ngành sẽ đồng hành để hỗ trợ DN nhanh chóng khôi phục và ổn định sản xuất. Về nguồn lao động, nhiều ý kiến của các cấp, các ngành đề nghị công ty phối hợp với các công nhân ở lại, đang làm việc tại nhà máy kêu gọi người lao động lành nghề trở lại nhằm bảo đảm đơn hàng. Các ngành chức năng sẽ liên lạc với các tỉnh, thành hỗ trợ công ty đón công nhân trở lại nhà máy; hỗ trợ công ty tổ chức tiêm vắc xin cho công nhân trở lại để bảo đảm an toàn nhằm tham gia sản xuất.
Đối với khó khăn trong lưu thông hàng hóa, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, cho biết tình hình lưu thông hàng hóa liên vùng hiện đã cơ bản được thông suốt theo quy định mới. Sở Giao thông - Vận tải đang tiếp tục phối hợp với các địa phương trong việc bảo đảm lưu thông với những giải pháp phù hợp, bảo đảm thống nhất.
Vấn đề được nhiều DN quan tâm hiện nay là nhập cảnh của chuyên gia, lao động có tay nghề. Sở Ngoại vụ sẽ hỗ trợ để các chuyên gia đến Bình Dương và trở về nước theo nguyện vọng. Tỉnh không tổ chức cách ly tập trung các chuyên gia đã tiêm đủ vắc xin, thực hiện xét nghiệm tại các nước trước khi đến Bình Dương làm việc.
Ông Võ Văn Minh nêu rõ: “Vai trò của chuyên gia rất quan trọng, nhiều DN không có chuyên gia là không thể sản xuất. Do đó, cần tạo điều kiện tối đa, nhưng bảo đảm an toàn, phòng chống dịch bệnh hiệu quả”.
TIỂU MY