Vào Bình Dương lập nghiệp từ những năm 1990, ông Nguyễn Văn Dẫn từ hai bàn tay trắng đã có cho mình một cơ sở gia công các loại sợi. Thành công của ông là bằng ý chí vượt khó và phát huy tay nghề truyền thống của gia đình.
Hướng dẫn chúng tôi tham quan cơ sở sản xuất Bình Minh ở khu phố Bình Đường, phường An Bình, TX.Dĩ An, ông Nguyễn Văn Dẫn chầm chậm kể về câu chuyện lập nghiệp đầy gian khó của mình. “Quê tôi ở vùng Nam Định, nổi tiếng với làng nghề truyền thống sản xuất chế biến các loại sợi. Tuổi thơ của tôi gắn liền với các trò chơi và cuộc mưu sinh bằng se sợi. Hình ảnh người mẹ, người chị vừa quay sợi vừa địu con sau lưng luôn trong tâm trí và động lực của người trai trẻ là tôi lúc bấy giờ”, ông Dẫn tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Dẫn tận tâm bên máy se sợi mà ông mất khá nhiều thời gian và tiền bạc để đầu tư
Ngày ấy, miền quê Nam Định của ông chỉ biết với nghề se sợi thủ công, gia công sản phẩm sợi từ các nhà máy để đáp ứng các nhu cầu khác nhau. Theo ông, việc gia công thủ công rất mất thời gian nhưng hiệu quả mang lại chẳng bao nhiêu. Từ đó, ông Dẫn suy nghĩ về cách làm có máy móc thay thế. Đến năm 29 tuổi do công việc ở quê nhà gặp nhiều khó khăn, ông Dẫn chọn Bình Dương lập nghiệp. Bắt đầu từ một công nhân làm thuê cho cơ sở sản xuất sợi, ông Dẫn vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm sản xuất, làm quen với khoa học công nghệ mới, chẳng bao lâu ông trở thành người thợ chính của xưởng se sợi. Nhiều người cứ nghĩ rằng thành quả đến với ông sao quá dễ dàng. Song, thực tế, ông phải trải qua một thời gian vô cùng gian khó. Từ một người thợ đứng máy, ông bước chân ra mở xưởng riêng trong khi trong tay chẳng có gì ngoài tay nghề. Chính vì vậy, khi áp dụng kỹ thuật mới vào công tác gia công ông đã nhiều lần thất bại vì sản phẩm đầu ra kém chất lượng, gần như không thể cạnh tranh với các cơ sở gia công khác. Không nản lòng, ông làm đi làm lại nhiều lần. Sau 6 năm cần mẫn làm việc, ông chính thức thành lập cơ sở sản xuất Bình Minh ở khu phố Bình Đường 3, phường An Bình. Lần này ông “bấm bụng” cầm cố toàn bộ tài sản và vay mượn từ nhiều nguồn để mua lại hệ thống máy côn sợi và hấp sợi của một người ở TP.Hồ Chí MInh nhập về từ Nhật Bản. Sau khi tu sửa, máy vận hành khá tốt cho ra sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng. Hiện nay, với 8 nhân công, ông Dẫn thu về khoảng 30 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ chi phí sản xuất, tiền lương, tiền hỗ trợ nhân công…
Vươn lên từ khó khăn, quyết tâm theo đuổi tay nghề đã mang lại thành công cho ông Dẫn. Bằng khen nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của UBND tỉnh trao tặng cho ông Dẫn là yếu tố khích lệ tinh thần để ông tiếp tục đóng góp cho phát triển kinh tế địa phương.
HOÀNG KIM