Siết chặt quản lý thức ăn đường phố

Cập nhật: 27-11-2012 | 00:00:00

 Lợi và hại TAĐP

Nhanh, rẻ, tiện lợi là những ưu điểm khiến người dân chuộng các loại TAĐP. Thức ăn được bày bán trên vỉa hè, tại các chợ, các bến xe, trước các cổng trường học, nơi đông người qua lại… sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng mọi lúc, mọi nơi. Khách hàng vô tư ăn uống ngay tại các quán vỉa hè mà không quan tâm hoặc chú ý gì đến vệ sinh và môi trường bị ô nhiễm bụi đường, khói do xe cộ các loại qua lại gây ra. Những loại thức ăn này đem lại nhiều thuận tiện cho người tiêu dùng nhưng nó cũng chính là mối nguy hại tới sức khỏe, tính mạng người sử dụng, thậm chí cả cộng đồng.  

 Các quán ăn sáng bên lề đường tại phường Lái Thiêu (TX.Thuận An) 

Trên những chiếc xe đẩy bên lề đường ồn ào, bụi bặm, thức ăn không được che đậy. Mỗi khi có khách mua, người bán cầm cái cây được cột thêm túi nylon huơ đại cho những chú ruồi bay đi, rồi dùng tay trần bốc thức ăn cho khách, rồi cũng bàn tay ấy được dùng để đếm tiền, trả tiền thừa… Đã vậy, thức ăn được chế biến sẵn được bày bán bên cạnh thực phẩm tươi sống không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Sự mất vệ sinh trên không chỉ diễn ra ở những quầy bán thực phẩm lưu động mà ở hầu hết các hàng giải khát, ăn sáng, quán cơm bình dân. Tại quán cơm bình dân trên đường Phú Lợi (TP.TDM), thức ăn được đặt trong những khay không được che đậy, bàn thức ăn được đặt gần với nơi bán thức ăn cho chim, lồng chim… gây mùi khó chịu. Còn khu vực chế biến thức ăn thì không bảo đảm điều kiện VSATTP.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh văn nhị

Để hạn chế tác hại của các cơ sở kinh doanh TAĐP, công tác tuyên truyền cần tiếp tục được đẩy mạnh để người mua nhận thức được sự nguy hiểm và độc hại của thức ăn mất vệ sinh. Đưa thông tin những cơ sở vi phạm VSATTP lên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa đài của phường, xã, khu phố, bảng thông báo tại công sở, tại cuộc họp tổ, khu phố… để người dân không sử dụng loại thực phẩm và ăn ở những quán vi phạm. Đây cũng là yếu tố để TAĐP không bảo đảm VSATTP tự loại bỏ. Với chính quyền các cấp, nhất là cấp xã, phường cần tăng cường hơn nữa việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở TAĐP. Có như vậy, người kinh doanh loại hình TAĐP mới có ý thức hơn trong việc bảo đảm VSATTP.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết, bắt nguồn từ nhu cầu ăn uống nhanh, giản tiện của người dân mà TAĐP xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, người tiêu dùng chưa lường hết những yếu tố tiềm ẩn mất an toàn vệ sinh từ thực phẩm chế biến sẵn, là nguy cơ cao

dẫn đến NĐTP và các dịch bệnh truyền nhiễm qua đường tiêu hóa. Thức ăn bày bán trên đường phố thường không được che đậy kỹ để tránh vi khuẩn, bụi. Người bán hàng không trang bị bảo hộ lao động như: tạp dề, mũ, khẩu trang, găng tay... Địa điểm bán hàng thường kê bàn sát mặt đất, gần nơi ô nhiễm. Dụng cụ nấu nướng không phù hợp, không bảo đảm vệ sinh. Đây chính là mối nguy hại cho sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường và văn minh đô thị. Tuy nhiên việc quản lý, thanh tra, kiểm tra TAĐP gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, trang thiết bị, khó kiểm soát vì sự đa dạng, cơ động tạm thời, mùa vụ... của các cửa hàng kinh doanh.

Siết chặt quản lý TAĐP

Thời gian qua, các ngành chức năng đã có những hoạt động tích cực để cải thiện ATTP TAĐP. Tuy nhiên việc phối hợp liên ngành kiểm tra chưa được duy trì thường xuyên, chưa xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và chưa phát huy được vai trò của các tổ chức xã hội trong công tác giám sát và tuyên truyền ATTP, nên công tác bảo đảm ATTP TAĐP chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Để bảo đảm ATVSTP đối với cơ sở, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh loại hình TAĐP, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 12/2012/CT-UBND về việc tăng cường công tác bảo đảm ATTP đối với quán ăn và TAĐP trên địa bàn tỉnh, nhằm siết chặt quản lý về VSATTP đối với các loại TAĐP. Theo đó, người bày bán thực phẩm trên đường phố, nơi công cộng phải có thẻ kinh doanh, chịu sự quản lý của UBND phường, xã, thị trấn. Bên cạnh đó, các hàng quán kinh doanh TAĐP cũng cần tuân thủ nghiêm các quy định về VSATTP, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng. Chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng tích cực triển khai các hoạt động quản lý Nhà nước về VSATTP, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm quy định pháp luật trong lĩnh vực này; tuyên truyền, tập huấn kiến thức vệ sinh thực phẩm sâu rộng đến đông đảo quần chúng nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Đạt cho biết thêm, Bình Dương đang xây dựng quy chế cấp thẻ cho khoảng 8.200 điểm kinh doanh TAĐP. Người được cấp thẻ phải bảo đảm một số điều kiện VSATTP như nguồn gốc thực phẩm rõ ràng, không phụ gia hóa chất độc hại, người kinh doanh phải có sức khỏe, được tập huấn kiến thức VSATTP… Thẻ đăng ký kinh doanh có giá trị trong một năm. Bên cạnh đó là nâng cao ý thức, trách nhiệm, lương tâm của người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đi cùng với tuyên truyền, giáo dục về VSATTP để người dân biết cách chọn và sử dụng thực phẩm an toàn. Ngoài ra, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn quan tâm tổ chức tốt việc ký cam kết thực hiện đúng, đủ quy định về bảo đảm chất lượng VSATTP cho người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.

 Ông NGUYỄN NGỌC HÙNG, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh: Sẽ cấp thẻ đăng ký kinh doanh thức ăn đường phố

 Về các thủ tục và quy chế cấp thẻ đang được Chi cục ATVSTP tỉnh dự thảo lấy ý kiến của các sở, ngành. Theo dự thảo này, người kinh doanh cư trú, tạm trú tại nơi nào thì liên hệ ở UBND phường, xã, thị trấn tại nơi đó cấp thẻ. Dự kiến trong vòng 1 tuần sau khi nhận hồ sơ, trạm y tế xã, phường, thị trấn sẽ đi thẩm định, nếu cơ sở đó đạt yêu cầu thì cấp thẻ cho cơ sở, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh đó.

Giấy chứng nhận tập huấn ATTP, giấy khám sức khỏe, ngoài việc tuân thủ theo quy định của Bộ Y tế quy định thì các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố phải kê khai cơ quan chức năng theo mẫu về nguồn gốc chế biến thực phẩm, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có và những phương thức kinh doanh di động hay cố định vào những thời điểm nhất định. Ký bản cam kết (tuân thủ những điều kiện ATTP sau khi đã được cấp thẻ, chịu trách nhiệm với những gì mình đã cam kết: đăng tên và hình ảnh tại địa phương nếu bị vi phạm…).

Do sự biến động vào nơi ở của người kinh doanh thức ăn đường phố, yếu tố cán bộ y tế còn ít nên thời hạn sử dụng thẻ là 1 năm. Sau đó sẽ gia hạn tiếp (còn nếu đã thay đổi địa chỉ thì phải làm mới lại tại nơi đăng ký tạm trú, thường trú mới). Những hộ kinh doanh thức ăn đường phố không phải mất kinh phí về việc làm thẻ này.

T.PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=204
Quay lên trên