Trong năm 2019, Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) đã xây dựng các kế hoạch nhằm đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, nhất là tại Phòng Đăng ký kinh doanh của sở. Nhiều thủ tục doanh nghiệp (DN) không cần đến sở, chỉ cần điền vào mẫu gửi trực tuyến là được cán bộ Sở KH-ĐT xử lý nhanh chóng, mang lại tiện ích cho DN.
Trung bình mỗi ngày cán bộ Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH-ĐT xử lý hàng trăm bộ hồ sơ qua mạng được DN gửi về
Miễn phí đăng ký thành lập DN qua mạng
Theo ghi nhận thời gian qua cho thấy, nhiều DN đã bắt đầu quen dần với việc đăng ký hồ sơ qua mạng tại địa chỉ dangkykinhdoanh.gov.vn và Trang hành chính công của tỉnh hoặc Trang thông tin của Sở KH-ĐT. Nhiều DN đã đánh giá rất cao việc gửi hồ sơ qua mạng đã tránh được nhũng nhiễu, tiêu cực, phiền hà. Bà Huỳnh Thị Thủy Tiên, đại diện Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Thịnh Phát, cho biết Sở KH-ĐT thời gian qua đã tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thuận tiện hơn, cung cấp trao đổi thông tin trong quá trình thực hiện dịch vụ. Việc kết nối trang thông tin hành chính công với các hệ thống thông tin khác phục vụ mục đích phong phú hóa, đa dạng hóa cách thức hỗ trợ tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC).
Mới đây, trong chương trình giao lưu trực tuyến trên Báo Bình Dương, ông Nguyễn Thanh An, Phó trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH-ĐT cho biết, Bình Dương là một trong 3 tỉnh, thành có số DN thành lập nhiều nhất trong năm 2019. Hiện, Sở KH-ĐT đã triển khai 66/89 dịch vụ công trong lĩnh vực đăng ký DN, đăng ký liên hiệp hợp tác xã qua mạng điện tử ở mức độ 3. Trong đó, có một số dịch vụ công phổ biến như đăng ký thành lập DN, đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở chính, đăng ký thay đổi thành viên công ty do chuyển nhượng phần vốn góp, thông báo về việc sử dụng mẫu con dấu… Ngoài ra, căn cứ Thông tư số 47/2019/ TT-BTC ngày 5-8-2019 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin DN, lệ phí đăng ký DN thì DN thực hiện đăng ký DN qua mạng điện tử được miễn lệ phí đăng ký DN.
“Sở cũng phối hợp với Bưu điện tỉnh thực hiện trả kết quả TTHC tại nhà theo yêu cầu của người dân, DN. Như vậy, có thể xem như toàn bộ 66 TTHC Sở KH-ĐT đang triển khai ở mức độ 3 vẫn có thể triển khai ở mức độ 4 khi người dân, DN có yêu cầu”, ông An cho hay.
DN cần nắm rõ quy trình
Để rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC, theo Sở KH-ĐT, DN cần nắm rõ trình tự, thủ tục đăng ký thành lập DN được quy định cụ thể tại Điều 27, Luật DN 2014. Theo đó, việc đăng ký DN được tiến hành tại cơ quan đăng ký kinh doanh, bao gồm các bước cụ thể sau: Thứ nhất, nộp hồ sơ đăng ký thành lập DN. Người thành lập DN nộp đủ hồ sơ đăng ký DN theo quy định tại Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh. Thứ hai, tiếp nhận hồ sơ đăng ký thành lập DN. Việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký DN thực hiện bằng việc cơ quan đăng ký kinh doanh ghi giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ. Thứ ba, cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét tính hợp lệ hồ sơ đăng ký và cấp hoặc từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký DN trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ.
Theo ông Nguyễn Thanh An, người dân, DN có thể lựa chọn đăng ký qua mạng điện tử sử dụng chữ ký số công cộng hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh. Nhìn chung, hình thức sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh đơn giản hơn và được nhiều người dân và DN ưu tiên lựa chọn. Trình tự, thủ tục đăng ký qua mạng sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh được quy định cụ thể tại Điều 38, Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14-9-2015 của Chính phủ về đăng ký DN, cụ thể gồm các bước sau: Người đại diện theo pháp luật kê khai thông tin, tải văn bản điện tử của các giấy tờ chứng thực cá nhân tại cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN để được cấp tài khoản đăng ký kinh doanh. Sau đó, người đại diện theo pháp luật sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh để kê khai thông tin, tải văn bản điện tử và xác thực hồ sơ đăng ký DN qua mạng điện tử theo quy trình trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN.
Sau khi hoàn thành việc gửi hồ sơ đăng ký, người thành lập DN sẽ nhận được giấy biên nhận hồ sơ đăng ký DN qua mạng điện tử. Sau đó, Phòng Đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét, gửi thông báo qua mạng điện tử cho DN để yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ. Sau khi nhận được thông báo về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, người đại diện theo pháp luật nộp một bộ hồ sơ đăng ký DN bằng bản giấy kèm theo giấy biên nhận hồ sơ đăng ký DN qua mạng điện tử đến Phòng Đăng ký kinh doanh. Người đại diện theo pháp luật có thể nộp trực tiếp hồ sơ đăng ký DN bằng bản giấy và giấy biên nhận hồ sơ đăng ký DN qua mạng điện tử tại Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc nộp qua đường bưu điện. Sau khi nhận được hồ sơ bằng bản giấy, Phòng Đăng ký kinh doanh đối chiếu đầu mục hồ sơ với đầu mục hồ sơ DN đã gửi qua mạng điện tử và trao giấy chứng nhận đăng ký DN cho DN nếu nội dung đối chiếu thống nhất.
Ngoài ra, trên cổng thông tin đăng ký DN Quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh có đăng tải các video hướng dẫn khá chi tiết. Người dân và DN có thể xem qua để hiểu rõ hơn về quy trình và cách thực hiện đăng ký DN qua mạng điện tử.
Thanh toán điện tử
Trả lời câu hỏi thí điểm thanh toán phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến qua ngân hàng, ông Nguyễn Thanh An cho hay, ngày 11-10-2019, Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Kế hoạch số 1575/KH-VPUB thực hiện thí điểm thanh toán phí, lệphídịch vụcông trực tuyến qua ngân hàng đối với các TTHC tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Theo đó, Bình Dương sẽ vận hành chính thức cổng dịch vụ công của tỉnh và thực hiện thí điểm thanh toán phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến qua ngân hàng đối với các TTHC tại Trung tâm Hành chính công tỉnh từ ngày 1-11-2019 đến hết ngày 31-12-2019. Hai đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán phí, lệ phí là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương (VietinBank Bình Dương) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Đông Bình Dương (VietcomBank Đông Bình Dương).
Sau khi tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn thí điểm, tỉnh sẽ vận hành chính thức chức năng thanh toán phí, lệ phí dịch vụcông trực tuyến trên cổng dịch vụ của tỉnh từ ngày 1-1-2020. Việc thực hiện thanh toán phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến qua ngân hàng đối với các TTHC nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, góp phần giảm thời gian, chi phí đi lại của tổ chức, cá nhân; đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch hóa các hoạt động thanh toán và thu nhập tổ chức, cá nhân. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt, dần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong hoạt động thanh toán đối với tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
HỒ VĂN