Đó là câu nói của ông Nguyễn Văn Sơn (SN 1951), thương binh 1/4, ngụ tại ấp Cỏ Trách, xã Thanh An khi chúng tôi về thăm gia đình ông trong những ngày tháng 7 này.
Theo lời giới thiệu của cán bộ làm công tác lao động- thương binh và xã hội xã Thanh An, chúng tôi đến nhà ông Sơn để tìm hiểu về một gia đình có truyền thống cách mạng tiêu biểu. Và quả thật xúc động khi tìm đến nhà ông Sơn trong cơn mưa chiều tầm tã, một người ngoài tuổi 60 với đôi chân cụt (chỉ có 2 khối thịt) nhưng vẫn rất xốc vác sửa lại mái nhà bếp đang bị dột. Vừa lau nước mưa ướt đẫm, ông Sơn nói với chúng tôi: “Còn sức khỏe thì còn làm, giúp gì cho gia đình thì cứ giúp. Bởi càng vận động thì cơ thể mới duy trì được sức dẻo dai và giảm bớt bệnh tật”. Rồi ông Sơn và vợ ông là bà Trương Thị Nguyệt kể về những thành viên trong gia đình cùng những đóng góp mà gia đình đã cống hiến cho quê hương, đất nước.
Ông Nguyễn Văn Sơn kể cho vợ nghe chuyện về những chiến công ngày xưa
Năm 1968, ông Sơn tham gia cách mạng làm y tá của quân y huyện Bến Cát. Năm 1969, trong một lần chuyển thương binh đến bệnh viện ở xã Long Nguyên, ông Sơn và đồng đội bị trúng mìn do quân Mỹ phục kích ở Làng 5, huyện Dầu Tiếng. Sau khi tỉnh dậy, ông bị địch bắt tù đày với đôi chân bị cắt cụt đến đùi do bị thương quá nặng. Năm 1973, ông Sơn được trao trả tại Lộc Ninh và đưa đi an dưỡng ở Sầm Sơn (Thanh Hóa). Sau giải phóng, ông về Sông Bé an dưỡng và kết hôn với bà Trương Thị Nguyệt (sinh năm 1958). Đến năm 1989, vợ chồng ông và 2 con nhỏ về ấp Cỏ Trách, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng trồng điều, cao su cho đến bây giờ.
Sinh thời, ba của ông Sơn là ông Nguyễn Văn Đá, mẹ là bà Bùi Thị Đầm từng tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Bà Đầm được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhì, ông Đá được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất. Sau ngày giải phóng, ông Đá được tín nhiệm làm cán bộ công tác tuyên huấn của xã Thanh An. Em trai ông Sơn là Nguyễn Văn Nhuận (sinh năm 1954) cũng là bộ đội tham gia kháng chiến chống Mỹ từ lúc 18 tuổi. Khi đất nước hòa bình, ông Nhuận được tuyển vào công tác tại Công ty Cấp thoát nước Bình Dương, chi nhánh huyện Dầu Tiếng.
“Giờ đây, 2 con của tôi đã trưởng thành, có việc làm ổn định và có gia đình riêng. Ngày ngày, chứng kiến cảnh quê hương thanh bình và ngày càng phát triển, địa phương luôn quan tâm hỗ trợ giúp đỡ, gia đình được ấm no hạnh phúc, tôi thấy mình có hy sinh nhiều hơn nữa cũng không tiếc. Hy vọng các bạn trẻ, đoàn viên, thanh niên hôm nay hãy tiếp tục rèn luyện và phấn đấu để lao động thật giỏi, góp công, góp sức xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh”, ông Sơn cho biết.
MINH HIẾU