Thời tiết thay đổi thất thường do ảnh hưởng bão, chuyển mùa khiến cho bệnh sốt xuất huyết (SXH) vẫn xảy ra với nhiều ca trở nặng. Mặc dù mùa cao điểm của bệnh này là tháng 7 và 8 hàng năm nhưng gần đây, các bác sĩ (BS) vẫn khuyến cáo không nên lơ là với bệnh SXH…
Cần đưa trẻ đi khám bệnh sớm khi có triệu chứng bệnh SXH để bệnh không trở nặng
BS Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh cho biết, những ngày gần đây, lượng bệnh nhân mắc bệnh SXH vào khám tại khoa nhi của bệnh viện cũng như các phòng mạch tư không tăng, khoảng hơn 10 trường hợp mỗi ngày nhưng đặc biệt, có nhiều ca bệnh trở nặng. Có ca vào đến phòng cấp cứu của khoa nhi đã bị trụy mạch, khó thở… Theo BS Nguyệt, với những ca này điều trị rất khó khăn, dễ biến chứng. Đây là thời điểm nhiều người “tập trung lo” cho bệnh đau mắt đỏ và các bệnh thời tiết khác nên lơ là, không cảnh giác với SXH. Thêm vào đó, nhiều phụ huynh chủ quan nghĩ con mình bị mắc bệnh thông thường như ho, sổ mũi… nên ít chú ý.
Chị Hạnh, làm công nhân ở Bình Chuẩn, TX.Thuận An cho biết, chị cho con gái 3 tuổi đến khám ở BVĐK tỉnh khi thấy bé sốt kéo dài không hạ dù đã cho uống thuốc hạ sốt, lau mát cơ thể như lời BS dặn. Nhiều phụ huynh khác đang cho con em khám ở đây cho biết họ cũng được BS yêu cầu thử máu, theo dõi hàng ngày vì nghi trẻ bị SXH. BS Nguyệt cho biết thêm: “Với những trường hợp bệnh nhẹ, các BS thường tư vấn đưa về nhà theo dõi đúng cách. Các trường hợp điều trị ngoại trú cũng phải tái khám, theo dõi mỗi ngày tại cơ sở y tế cho đến hết ngày thứ 7 của bệnh. Điều đáng nói là phụ huynh cần theo dõi con kỹ càng trong trường hợp bé lên cơn sốt. Bên cạnh đó còn thực hiện nghiêm túc việc phòng, chống bệnh SXH cho những trẻ chưa mắc bệnh”…
Các BS chuyên khoa cũng hướng dẫn thêm về cách chăm sóc trẻ khi sốt cao như: cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol (Hapacol), lau mát bằng nước ấm để tránh biến chứng co giật. Tuyệt đối không tự ý cho uống thuốc Aspirine, Ibuprofen vì có thể gây chảy máu dạ dày. Nên cho trẻ uống nhiều nước kể cả các loại nước trái cây và ăn thức ăn lỏng nhẹ, nằm nghỉ ngơi, theo dõi các dấu hiệu trở nặng của bệnh để điều trị kịp thời. Phụ huynh cũng cần theo dõi các dấu hiệu trở nặng của bệnh SXH như: nôn nhiều, đau bụng, bứt rứt, lăn lộn, tay chân lạnh, tím, vã mồ hôi, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi tiêu ra máu… Nếu có những biểu hiện này, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt. Kể cả khi trẻ hết sốt mà có một trong các dấu hiệu trên cũng phải được đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay.
Theo lãnh đạo BVĐK tỉnh, một trong số nhiệm vụ trọng tâm của những tháng cuối năm 2013 là tập trung cho việc tổ chức các lớp tập huấn về bệnh SXH, tay-chân - miệng cho BS và điều dưỡng bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và bệnh viện ngoài công lập. Bên cạnh đó là tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe trong phòng bệnh. Bệnh viện cũng sẽ triển khai hiệu quả và đồng bộ các giải pháp chống dịch, đặc biệt là bệnh tay - chân - miệng, SXH, dịch cúm A/H5N1…
QUỲNH NHƯ