Tính từ đầu năm đến đầu tháng 7-2011, toàn tỉnh có 1.248 ca (tăng gần 4 lần so cùng kỳ), có 1 tử vong, trong khi cùng kỳ không có ca tử vong nào. Địa bàn có nhiều ca mắc nhất là huyện Tân Uyên: 356 ca, kế đó là TX.TDM: 259 ca (1 tử vong), TX.Thuận An: 237 ca, Bến cát: 138 ca. Trong tháng 7 qua, bệnh sốt xuất huyết (SXH) có dấu hiệu tăng nhiều. Chỉ riêng ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã có 303 ca (nhiều hơn số liệu mắc của toàn tỉnh trong tháng 6), chuyển viện 8 ca nặng. Làm thế nào để biết cách phát hiện sớm, phòng chống có hiệu quả, không để dịch xảy ra trên địa bàn? Phóng viên (P.V) chúng tôi đã có bài phỏng vấn bác sĩ Lương Thị Hồng Lê, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) tỉnh Bình Dương về vấn đề này.
- Xin bác sĩ giới thiệu sơ lược về bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) và ai dễ mắc bệnh?
- Bệnh SXHD là bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi-rút Dengue. Vi-rút truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi Aedes aegypti, thường gọi là muỗi vằn đốt. Đây là loại muỗi sống ở những nơi bùn lầy nước đọng chung quanh nhà, hoặc các nơi ẩm thấp tối tăm trong nhà. Đặc điểm của SXHD là sốt, xuất huyết dưới da, niêm mạc và trụy tim mạch, dễ đưa đến tử vong nếu điều trị không kịp thời và không đúng mức. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh này thường xảy ra ở trẻ em tuổi từ 2 - 9 tuổi. Ðặc biệt, trẻ càng bụ bẫm khi mắc bệnh dễ có khuynh hướng diễn tiến nặng.
- Bệnh thường xảy ra vào mùa và nơi nào?
- Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa, cao điểm vào khoảng từ tháng 6 đến tháng 10 âm lịch và giảm dần vào các tháng cuối năm. Bệnh thường gặp ở những nơi đông dân cư, vệ sinh môi trường kém.
- Biểu hiện của bệnh SXHD ra sao?
- Sốt cao đột ngột, liên tục kéo dài 2 - 7 ngày.
Xuất huyết dưới dạng chấm rải rác trên da hoặc bầm chỗ chích, chảy máu cam, ói ra máu. Gan to. Sốc với mạch nhanh, nhẹ, huyết áp giảm, kẹp, hoặc không đo được, tay chân lạnh, bứt rứt... Kèm theo một số triệu chứng không đặc hiệu như: chán ăn, đau cơ, đau khớp, đau bụng.
- Làm thế nào để phát hiện sớm bệnh này?
- Điều cần ghi nhớ là bệnh có 2 triệu chứng cơ bản: đó là sốt và xuất huyết. Chính 2 triệu chứng này cấu thành tên gọi của bệnh. Tuy nhiên, trong 2 triệu chứng trên, thì triệu chứng sốt là cơ bản hơn vì luôn luôn xảy ra lúc bệnh khởi phát. Còn triệu chứng xuất huyết sau đó mới xảy ra và nhiều khi lại không xảy ra. Vì vậy, khi bệnh mới khởi phát, chỉ có triệu chứng sốt là có thể giúp ta phát hiện bệnh. Chứng sốt trong bệnh SXH có một số đặc điểm khác với chứng sốt của các bệnh khác đó là:
1. Sốt đột ngột bất thình lình. Thí dụ: trong buổi sáng, buổi trưa, trẻ vẫn ăn, chơi bình thường, vẫn mát, vậy mà tới chiều đột nhiên sốt ngay.
2. Sốt cao. Nhiệt độ lên tới 39°C, hoặc cao hơn. Sờ vào trán trẻ, thấy nóng ran.
3. Sốt liên tục, liên miên ngày đêm không lúc nào ngưng. Có cho trẻ dùng thuốc hạ nhiệt thì nhiệt độ cũng chỉ giảm xuống một lát, rồi lại tăng lên ngay.
Như vậy, nếu trẻ bị sốt với 3 đặc điểm trên, sau 2 ngày dùng thuốc mà vẫn sốt, bạn cần nghĩ đến bệnh SXH và cho trẻ đi khám bệnh ngay.
- Ðiều trị bệnh SXHD như thế nào?
- Khi đã nghĩ tới bệnh SXHD thì cần phải đưa người bệnh đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Hiện tại đa số được khuyên là không nên dùng thuốc hạ nhiệt nhóm Salicylates vì có thể gây xuất huyết và làm toan huyết. Thuốc được sử dụng nhiều nhất là Paracétamol, lau mát để hạ sốt. Cần truyền dịch, dưỡng khí, thuốc an thần.
Hạn chế một số thủ thuật gây chảy máu, đặc biệt là chọc hút ở các tĩnh mạch lớn. Trong trường hợp có tràn dịch màng phổi, gây khó thở, có thể chọc dò thoát dịch để giải quyết tạm thời tình trạng suy hô hấp. Sự theo dõi được tiến hành liên tục cụ thể là: Mạch, huyết áp, nhịp thở, nhiệt độ, mỗi 15 - 30 phút một lần hoặc sát hơn cho đến khi ổn định.
- Bệnh SXHD được phòng ngừa thế nào?
- Cần theo dõi tất cả các trường hợp có sốt. Dựa vào các tiêu chuẩn lâm sàng và xét nghiệm để chẩn đoán sớm, đồng thời có biện pháp điều trị thích hợp. Tích cực thực hiện công tác giám sát, phòng chống SXHD theo quy định của Bộ Y tế. Hiện vẫn chưa có vắc-xin chủng ngừa SXHD. Do đó biện pháp phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh như: hun khói xua muỗi, dùng hóa chất ngăn cản muỗi đốt, ngủ mùng. Diệt lăng quăng bằng cách nuôi cá bảy màu, vệ sinh môi trường, dọn dẹp các nơi bùn lầy, loại bỏ ổ chứa nước đọng, nhất là các vật chứa nước cặn như chén bể, lon bia, vỏ xe, vỏ chai, chậu hoa, lu, phuy nước... Năm 2010, toàn tỉnh có đến 4.714 ca, 8 tử vong. Theo dự đoán của các chuyên gia năm 2011, bệnh SXHD sẽ tăng nhiều hơn. Thực tế, 6 tháng đầu năm, SXHD ở Bình Dương đã gấp 4 lần so cùng kỳ. Nên xin mọi người hãy cảnh giác với căn bệnh nguy hiểm này. Cần tích cực phòng bệnh và phát hiện bệnh sớm. Không để bệnh nặng, dẫn đến tử vong, hoặc lây lan thành dịch.
- Xin cảm ơn bác sĩ.
BẢO ANH (thực hiện)