Sứ mệnh tìm kiếm hòa bình của ông António Guterres

Cập nhật: 28-04-2022 | 14:12:31

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres cần đóng vai trò lớn hơn trong việc trung gian hòa giải để tiến tới ký kết hiệp ước hòa bình ở Ukraine. Nếu không, tương lai của tổ chức này sẽ trở nên bất định.

Đó là lời cảnh báo của một nhóm khoảng 200 quan chức và cựu quan chức cấp cao của Liên Hợp quốc trong một bức “tâm thư” chung của họ gửi cho Tổng Thư ký António Guterres cách đây vài hôm. Trong số những người cùng đứng tên trong bức “tâm thư” chung có những cái tên quen thuộc như: Jeffrey Feltman, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp quốc về các vấn đề chính trị giai đoạn 2012-2018; Andrew Gilmour, cựu trợ lý Tổng Thư ký Liên Hợp quốc về nhân quyền từ năm 2016-2019; Franz Baumann, cựu trợ lý Tổng Thư ký Liên Hợp quốc cho Đại Hội đồng đến năm 2015; Ajay Chhibber, trợ lý Tổng Thư ký UNDP; và José Antonio Ocampo, cựu Phó Tổng Thư ký Liên Hợp quốc về các vấn đề kinh tế và xã hội. Đây là những thành viên đầy nhiệt huyết của tổ chức Liên Hợp quốc một thời và hiện tại, luôn suy nghĩ cho sự bình yên của nhân loại và sự tồn vong của tổ chức này.


Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres

Các cựu quan chức Liên Hợp quốc cho rằng Tổng Thư ký Guterres cần phải thể hiện vai trò bao trùm của tổ chức Liên Hợp quốc, kể cả việc ông Guterres có thể phải mạo hiểm sự an toàn cá nhân để đảm bảo cho được một cơ hội cho hòa bình được xác lập tại Ukraine. Cùng với dư luận chung toàn cầu, các cựu quan chức Liên Hợp quốc cho rằng những gì Liên Hợp quốc đã làm cho đến nay ở Ukraine, như cứu trợ nhân đạo, là chưa đủ. Họ cho rằng dư luận và công chúng toàn cầu mong muốn thấy sự hiện diện chính trị của Liên Hợp quốc ở Ukraine để khẳng định sự tồn tại của một tổ chức bao trùm toàn thế giới với sứ mệnh tối cao là duy trì hòa bình và trật tự chung của thế giới.

Ukraine đang diễn ra một cuộc chiến do một trong 5 thành viên Hội đồng Bảo an  Liên Hợp quốc gây ra. Cho đến nay, những nỗ lực làm trung gian hòa giải cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đã và đang được thực hiện bởi một số quốc gia thành viên của Liên Hợp quốc, như Pháp, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ.

Không phải Tổng Thư ký Liên Hợp quốc António Guterres không quan tâm đến những vấn đề thuộc phạm vi mình kiểm soát. Trên các diễn đàn quốc tế, người ta vẫn thường xuyên nhìn thấy ông lui tới và đưa ra lời kêu gọi cộng đồng quốc tế hoặc từng quốc gia thành viên hành động vì sự an nguy chung của nhân loại, liên quan các vấn đề chung toàn cầu, như biến đổi khí hậu, rác thải nhựa, hay như vấn đề nóng nhất hiện nay là khủng hoảng lương thực do giá cả lương thực, thực phẩm tăng cao.

Riêng đối với cuộc khủng hoảng Ukraine thì có vẻ như đây là bài toán khó, thậm chí quá khó đối với Liên Hợp quốc nói chung, bản thân ông Guterres nói riêng. Tháng 3-2022, ông Guterres từng lên tiếng yêu cầu chấm dứt “cuộc chiến kỳ lạ” của Nga tại Ukraine, chấm dứt “địa ngục trần gian” tại Ukraine. Và, cũng như bao lần trước, ông chỉ dừng lại ở đó. Một lời kêu gọi được đưa ra một lần hay nhiều lần đều như nhau nhằm chấm dứt một cuộc chiến đang được tiến hành bởi một cường quốc Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an là vô nghĩa, chẳng thể khiến cho quốc gia đó dừng lại.

Việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đang được nhiều người, nhiều giới thổi phồng quá mức, thậm chí có lúc, có nơi còn tung tin sai sự thật nhằm dựng lên câu chuyện gây bất lợi cho nước Nga, cho Tổng thống Vladimir Putin. Tổng thống Mỹ Joe Biden còn cho rằng, Nga phạm “tội ác chiến tranh” và một số quốc gia, một số cá nhân cũng kêu gọi buộc Nga phải chịu trách nhiệm về “tội ác chiến tranh”. Người ta còn nhớ khi Mỹ tiến hành các cuộc chiến xâm lược Iraq (1991, 2003) và Afghanistan (2001), hay như khi EU và Mỹ không kích Libya (2011), Tổng Thư ký Liên Hợp quốc cũng lên tiếng kêu gọi chấm dứt chiến tranh, thậm chí “lên án” hành động phi nghĩa, vô nhân đạo khi bom đạn của Mỹ giết chết hàng nghìn dân thường Iraq và Afghanistan. “Tội ác chiến tranh” là cụm từ đã vang lên đâu đó nhiều lần từ phía những quốc gia, những cá nhân yêu chuộng hòa bình. Nhưng, rốt cuộc chẳng có ai đứng ra xét xử Mỹ vì “tội ác chiến tranh” đó cả. Tổ chức Liên Hợp quốc cũng chẳng hề bị đe dọa sự tồn vong.

Cũng có những lúc Tổng Thư ký Liên Hợp quốc đã thể hiện được vai trò của mình trong việc gìn giữ hòa bình cho thế giới. Trong cuộc khủng hoảng “kép” Vịnh Con lợn năm 1961 và khủng hoảng hạt nhân Cuba năm 1962, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc lúc đó là ông U Thant, người Miến Điện, vừa mới được bầu lên, đã có hành động dứt khoát, quyết liệt và can thiệp kịp thời để giúp các bên “dần xuống thang”, cuối cùng chấm dứt khủng hoảng.

Thật ra, điều mà 200 cựu quan chức cấp cao Liên Hợp quốc đòi hỏi đối với Tổng Thư ký Guterres không phải là cái gì đó quá khó hay vượt quá vai trò của tổ chức này. Họ yêu cầu Liên Hợp quốc cần phải có một chiến lược rõ ràng để tái lập hòa bình cho Ukraine, bắt đầu bằng một lệnh ngừng bắn tạm thời, rồi sau đó Liên Hợp quốc thiết lập cơ quan đại diện và làm trung gian đàm phán; đích thân Tổng Thư ký Guterres sẽ phải thực hiện các chuyến khảo sát thực địa đến những vùng chiến sự căng thẳng để dùng hình ảnh, cá nhân của mình làm “lá chắn” ngăn cản giao tranh.

Tuy nhiên, để làm được những việc này ở Ukraine không hề dễ dàng, bởi tính chất của chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine khác hẳn các cuộc chiến của Mỹ và đồng minh ở Iraq, Afghanistan hay Libya trước đây. Trên thực tế, Liên Hợp quốc cũng đã từng làm như vậy tại Iraq năm 2003 và đặc sứ Liên Hợp quốc Sérgio Vieira de Mello đã mất mạng tại Baghdad khi đang thực hiện sứ mệnh của Liên Hợp quốc.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1280
Quay lên trên