Sửa đổi, bổ sung luật để hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án

Cập nhật: 09-11-2023 | 16:19:32

Quang cảnh phiên họp.

Chiều 9/11, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình Quốc hội dự án Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi) nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án Nhân dân.

Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi) gồm 154 điều được bố cục thành 9 chương; trong đó bổ sung 54 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều.

Sửa đổi, bổ sung 5 nội dung lớn

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi), Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng việc xây dựng dự án luật này là cần thiết nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Đây cũng là cơ sở phát huy thế mạnh và khắc phục tồn tại, hạn chế của Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân hiện hành; đáp ứng đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ mới và tham khảo có chọn lọc thành tựu khoa học pháp lý tiên tiến trên thế giới.

“Dự án Luật hướng đến mục tiêu hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao,” ông Nguyễn Hòa Bình nói.

Về những nội dung sửa đổi, bổ sung lớn của dự thảo luật, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 nội dung lớn về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án; đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tòa án; Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia và Đổi mới chế định nhân dân tham gia xét xử.

Cụ thể, về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án, dự thảo luật bổ sung 2 nhiệm vụ, quyền hạn mới cho Tòa án: Giải quyết, xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật và giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử.

“Đây là nhiệm vụ mà tất cả các Hội đồng xét xử đang thực hiện từ trước đến nay khi xét xử các vụ án. Dự thảo luật quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ,” ông Nguyễn Hòa Bình nêu rõ.

Trong vụ án hình sự, tòa căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, viện kiểm sát thu thập, làm rõ tại phiên tòa và kết quả tranh tụng để xét xử.

Trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà các bên đã thu thập, giao nộp cho Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng và kết quả tranh tụng để xét xử.

Đáng chú ý, về hoàn thiện tổ chức bộ máy Tòa án, dự luật quy định tổ chức Tòa án Nhân dân Phúc thẩm thay cho Tòa án Nhân dân cấp tỉnh, Tòa án Nhân dân Sơ thẩm thay cho Tòa án Nhân dân cấp huyện, ví dụ Tòa án Nhân dân Phúc thẩm Hà Nội, Tòa án Nhân dân Sơ thẩm Hoàn Kiếm.

“Việc này để thể chế thể chế hóa nhiệm vụ bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW; phù hợp với truyền thống tư pháp nước nhà cũng như định hướng phát triển lâu dài của Tòa án,” ông Nguyễn Hòa Bình nói.

Hỗ trợ người yếu thế thu thập chứng cứ

Trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2014 nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Để bảo đảm tính thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật, Ủy ban Tư pháp đề nghị Tòa án Nhân dân Tối cao tiếp tục rà soát các luật có liên quan, nhất là các luật trong lĩnh vực tư pháp và đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với dự thảo luật, theo đó: Đối với vụ án hình sự: việc khởi tố, điều tra, truy tố thuộc trách nhiệm của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát.

Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ do Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát thu thập trong hồ sơ vụ án, sau khi đã kiểm tra, làm rõ tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa để ra phán quyết về vụ án; nếu thiếu chứng cứ hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm... thì Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Đối với vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nghĩa vụ thu thập chứng cứ và chứng minh thuộc về đương sự. Tòa án không có trách nhiệm thu thập chứng cứ mà chỉ hướng dẫn, yêu cầu các đương sự thu thập chứng cứ; nếu đương sự là người yếu thế trong xã hội thì Tòa án hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ.

Về việc đổi mới Tòa án Nhân dân cấp tỉnh, Tòa án Nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử, Ủy ban Tư pháp cho biết đa số ý kiến không tán thành với dự thảo luật.

Lý do là việc thay đổi này dẫn tới không tương thích về tổ chức với các cơ quan tư pháp khác ở địa phương; phải sửa đổi nhiều luật liên quan để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; phát sinh chi phí tuân thủ./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=515
Quay lên trên