Sức mạnh đoàn kết trong công tác giảm nghèo

Cập nhật: 02-09-2017 | 15:43:58

Giảm nghèo, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân đó là chủ trương lớn của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương chung tay thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo. Với sự chỉ đạo sâu sát, các ngành đã hỗ trợ nhau biến những văn bản thành hành động. Từ những hành động thiết thực đã tiếp sức cho người nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Tuyên truyền và vận động

Để hoạt động giảm nghèo đi vào chiều sâu, đạt kết quả, bên cạnh kinh phí Nhà nước, nguồn lực xã hội hóa (vận động) là nguồn lực quan trọng chăm lo giúp đỡ người nghèo. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động các nhà hảo tâm chăm lo cho hộ nghèo (HN) được xác định là nhiệm vụ trọng tâm thông qua cuộc vận động (CVĐ) “Ngày vì người nghèo”. Theo bà Trần Thị Kim Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thực hiện CVĐ này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã chỉ đạo và hướng dẫn Mặt trận các cấp đẩy mạnh thực hiện các nội dung hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo gắn với các nội dung của CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp…”. Kết quả, từ năm 2011 đến 2016, tổng nguồn lực từ xã hội hóa hơn 312 tỷ đồng. Trong đó, “Quỹ vì người nghèo” các cấp 80 tỷ đồng, còn lại do các tổ chức thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức xã hội khác vận động hỗ trợ người nghèo, trẻ em thuộc HN.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tiếp xúc hộ nghèo

Tuyên truyền không chỉ kêu gọi sự hỗ trợ mà còn tác động vào ý thức những người nghèo giúp họ hiểu, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, không ỷ lại, trông chờ. Do đó, là đơn vị chủ chốt trong công tác giảm nghèo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực tuyên truyền, phối hợp tuyên truyền. Sở còn liên tục tổ chức tiếp xúc và đối thoại HN, hộ cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh. Thông qua việc tiếp xúc, đối thoại HN và hộ cận nghèo, các thành viên Ban chỉ đạo Chương trình giảm nghèo các cấp nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của họ và những vướng mắc trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo tại địa phương…

Trao “cần câu” cho người nghèo

Bên cạnh tuyên truyền, các cấp, các ngành trong tỉnh còn thực hiện công tác giảm nghèo bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Với mục tiêu chăm lo toàn diện cho người nghèo, các ngành đã tích cực trong công tác hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Việc làm thiết thực này đã giải quyết nhu cầu bức thiết về nhà ở, giúp người nghèo an cư, lạc nghiệp. Chỉ tính từ năm 2011 đến năm 2016, hơn 900 HN đã được xây dựng, sửa chữa nhà, với số tiền hơn 41 tỷ đồng. Gia đình chị Huỳnh Thị Hồng ở khu phố Tân Ba, phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên là một điển hình. Chị Hồng chia sẻ: “Trước đây nhà chị lợp tạm vài tấm tôn hàng xóm cho nên cứ có mưa gió nhà lại bị dột, gây khó khăn cho việc sinh hoạt của gia đình. Nhưng nhờ được địa phương quan tâm, gia đình chị đã có được một ngôi nhà khang trang hơn. Vì vậy, chị có điều kiện mở quán bán hàng tạp hóa tại nhà, nhờ đó đời sống dần ổn định hơn”.

Ngoài xây dựng nhà, các HN còn được tạo điều kiện cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình. 10 năm qua, chính sách hỗ trợ vay vốn của tỉnh đã cho 580.563 gia đình HN vay với số tiền trên 687 tỷ đồng. Riêng Hội Nông dân tỉnh, ông Nguyễn Hoàng Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, thời gian qua, hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp đã đầu tư 149 tỷ đồng giải quyết cho 7.670 hộ nông dân vay. Với sự hỗ trợ mô hình, kỹ thuật từ cán bộ Hội Nông dân các cấp 7 gia đình HN đã ứng dụng hiệu quả mô hình trồng rau an toàn; 10 hộ thực hiện mô hình trồng rau trong nhà lưới kín; hàng trăm gia đình đầu tư mua và nuôi 9.250 con trâu, bò…

 

Với sự đoàn kết, nỗ lực của các đơn vị trong công tác giảm nghèo, cộng với sự cố gắng của người nghèo, từ năm 2011 đến 2016, Bình Dương có 11.652 hộ thoát nghèo. Và con số đó sẽ tiếp tục giảm hàng năm nhờ hướng đi đúng và nhận được sự đồng thuận của toàn thể nhân dân trong công tác giảm nghèo của tỉnh.

Giảm nghèo bằng việc đầu tư cho giáo dục, cho thế hệ măng non của chính con em HN cũng là định hướng của tỉnh. Chính vì vậy, với nhiệm vụ được giao, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã phối hợp vận động và tổ chức các chương trình thiết thực để “tiếp sức” cho trẻ em đến trường. Cụ thể như Chương trình cấp học bổng, máy vi tính, xe đạp... đã vận động, trao học bổng cho gần 2.000 lượt trẻ em, trao 45 chiếc máy vi tính và 349 chiếc xe đạp với tổng kinh phí gần 4,3 tỷ đồng... 

 

 THIÊN LÝ

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên