Tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNNN) theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng của ngành nông nghiệp cả nước nói chung. Tại Dầu Tiếng - một trong những huyện có tỷ trọng nông nghiệp còn cao trong cơ cấu kinh tế - thời gian qua đã có nhiều nỗ lực thực hiện TCCNNN và bước đầu đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, những thách thức từ xu hướng biến động thị trường, dịch bệnh, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn yếu… là những khó khăn tác động đến quá trình TCCNNN của huyện.
Vườn cây có múi của gia đình bà Trần Thị Ngọc Tuyết hiện cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm
Thích ứng thị trường
Người dân ấp Rạch Đá dưới chân núi Cậu, xã Định Thành từ lâu sống chủ yếu nhờ sản xuất nông nghiệp với cây trồng chính là cao su. Những năm trước, loại cây trồng được mệnh danh là “vàng trắng” này đã giúp nhiều gia đình khấm khá, thậm chí một số hộ nhiều cao su đã trở nên giàu có với mức thu nhập rất cao. Có lẽ vì hiệu quả kinh tế mang lại của cây cao su hơn hẳn so với các loại cây trồng khác nên những năm gần đây mặc dù giá mủ xuống rất thấp song diện tích cao su của bà con trong ấp hầu như vẫn còn nguyên vẹn, kể cả những vườn cây đã già cỗi, sản lượng mủ thấp.
Người trồng cao su vẫn hy vọng sẽ đến lúc giá mủ tăng trở lại, song không phải tất cả đều nghĩ vậy. Cách đây khoảng 3 năm, dự đoán giá mủ khó tăng trở lại trong khi huyện đang triển khai kế hoạch TCCNNN, gia đình bà Trần Thị Ngọc Tuyết đã quyết định chuyển sang trồng cây có múi trên diện tích cao su kém năng suất. Quyết định đã khó khăn nhưng để thực hiện quyết định ấy còn khó khăn bội phần. Bởi không như Thanh Tuyền, Thanh An hay Bắc Tân Uyên - những nơi có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp để trồng cây có múi - đất Định Thành ít độ ẩm; hơn nữa sau nhiều năm trồng cao su đất đai đã bạc màu. Tuy vậy, bằng quyết tâm và sự hỗ trợ từ các ngành chức năng của huyện như chọn giống, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật… gia đình bà Tuyết đã trồng được 1.600 cây có múi, trong đó 2/3 là quýt đường, số còn lại là bưởi. Cuối năm 2018, vườn quýt đã cho thu hoạch những lứa đầu tiên. Những năm đầu tuy sản lượng chưa cao nhưng mỗi năm vườn quýt cũng đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình bà Tuyết. Trong khi đó, nếu thu nhập từ cây cao su trên diện tích khoảng 2,5 ha đó thì sau khi trừ chi phí còn khoảng 40 đến 50 triệu đồng. Hiện gia đình bà Tuyết đã phát triển được 4,5 ha cây có múi, chủ yếu là quýt và bưởi.
Thời gian gần đây, diện tích cây trồng có múi trên địa bàn huyện không ngừng tăng. Đến cuối năm 2018 đã có trên 600 ha gồm măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh, quýt… tăng 425 ha so với năm 2013. Năng suất cây có múi đạt từ 45 - 60 tấn/ ha, đạt doanh thu từ 1,4 đến 1,6 tỷ đồng/ha, lợi nhuận từ 800 triệu/ha/năm. Chất lượng trái cây Dầu Tiếng ngày càng khẳng định được giá trị khi mới đây 6,6ha măng cụt ở Thanh Tuyền đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Huyện cũng đang xây dựng “Nhãn hiệu tập thể cây măng cụt huyện Dầu Tiếng” và hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm cây ăn quả có múi huyện Dầu Tiếng. Bên cạnh đó, trên lĩnh vực chăn nuôi đã phát triển hàng trăm trang trại quy mô lớn, với những sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Những kết quả bước đầu trong thực hiện chủ trương TCCNNN huyện Dầu Tiếng thời gian qua đã khẳng định sự quyết tâm, vào cuộc của chính quyền cũng như sự thích ứng của một bộ phận nông dân trước xu hướng biến động của thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng.
Gỡ khó để nông nghiệp phát triển
Thực hiện TCCNNN nhằm mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện bền vững theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, đạt năng suất, chất lượng, an toàn, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh cao, tăng giá trị và lợi nhuận trên một đơn vị diện tích. Những mô hình sản xuất cây ăn trái có múi như của bà Tuyết, trồng dưa lưới ở An Lập, phát triển vùng cây măng cụt ở Thanh Tuyền, Thanh An hay xây dựng những trang trại gà lạnh ở Minh Tân… là những bước đi tiên phong và thực tế đã chứng minh hiệu quả kinh tế mang lại.
Những kết quả bước đầu trong thực hiện chủ trương TCCNNN ở huyện Dầu Tiếng thời gian qua đã khẳng định sự quyết tâm, vào cuộc của chính quyền cũng như sự thích ứng của một bộ phận nông dân trước xu hướng biến động của thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng. |
Tuy nhiên, so với yêu cầu cũng như những lợi thế sẵn có thì tốc độ TCCNNN huyện Dầu Tiếng thời gian qua vẫn còn chậm. Ông Võ Văn Tâm, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Dầu Tiếng cho biết, TCCNNN huyện thời gian qua được tiến hành từng bước, thận trọng vừa bảo đảm phát triển bền vững, vừa gắn với xây dựng chương trình nông thôn mới. Bên cạnh đó, nhiều nguyên nhân khác đã có tác động không nhỏ đến quá trình thực hiện TCCNNN. Đó là việc liên kết 4 nhà chưa thể hiện rõ, đầu ra sản phẩm nông nghiệp vẫn còn bấp bênh. Công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch vẫn còn yếu, trong khi hợp đồng tiêu thụ nông sản không ổn định, từ đó sản phẩm thiếu sức cạnh tranh trên thị trường. Mặt khác, do chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm nông nghiệp để tạo lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp, sản phẩm chủ yếu xuất thô nên giá trị gia tăng không cao.
Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các nhà khoa học trong việc chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất và doanh nghiệp tham gia hợp đồng bao tiêu sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế từ đó người dân gặp khó khăn, lúng túng trong định hướng sản xuất. Trong khi đó, chi phí sản xuất nông nghiệp như: Giống, phân bón, thức ăn, thuốc phòng trừ dịch bệnh, công lao động… không giảm. Ngược lại thị trường tiêu thụ một số sản phẩm không ổn định dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao. Một khó khăn khác đến từ người nông dân đó là hiện nay tình trạng phát triển nông nghiệp mang tính tự phát, phân tán vẫn còn phổ biến. Việc phát triển mô hình chuỗi sản xuất khép kín còn ít và chưa khai thác triệt để thế mạnh về nông nghiệp so với tiềm năng.
Ông Võ Văn Tâm, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, thời gian tới huyện sẽ rà soát, điều chỉnh sản xuất theo quy hoạch được duyệt; cơ cấu lại sản xuất theo hướng tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi là lợi thế của huyện gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; bảo đảm thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển xanh và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; tiếp tục chọn 3 loại cây: Cao su, cây ăn quả, sinh vật cảnh và 3 loại vật nuôi: Heo, bò, gà và chăn nuôi tập trung để có giá trị tăng cao.
Trong định hướng thực hiện TCCNNN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, huyện Dầu Tiếng đề ra 3 mục tiêu đó là: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt đạt 50% dự án, trong chăn nuôi đạt trên 60% và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt chuẩn xuất khẩu; giá trị sản phẩm trồng trọt bình quân đạt từ 70 - 100 triệu đồng/ha trở lên. Trong đó, nông nghiệp công nghệ cao đạt từ 550 triệu đồng/ha/năm, giá trị sản phẩm chăn nuôi đạt 5 tỷ đồng/ ha/năm; chủ động kiểm soát chặt chẽ và không chế được các dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng, vật nuôi, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi, giết mổ động vật.
Mục tiêu đề ra hoàn toàn có cơ sở khi việc TCCNNN đã có những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, mục tiêu có đạt được hay không phụ thuộc vào việc tăng cường quản lý nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ngoài ra, để mục tiêu trở thành hiện thực rất cần các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã được xác định trong thời gian vừa qua.
Thời gian gần đây, diện tích cây trồng có múi trên địa bàn huyện không ngừng tăng. Đến cuối năm 2018 đã có trên 600 ha gồm măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh, quýt… tăng 425 ha so với năm 2013. Năng suất cây có múi đạt từ 45 - 60 tấn/ ha, đạt doanh thu từ 1,4 đến 1,6 tỷ đồng/ha, lợi nhuận từ 800 triệu/ha/năm. Chất lượng trái cây Dầu Tiếng ngày càng khẳng định được giá trị khi mới đây 6,6ha măng cụt ở Thanh Tuyền đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Huyện cũng đang xây dựng “Nhãn hiệu tập thể cây măng cụt huyện Dầu Tiếng” và hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm cây ăn quả có múi huyện Dầu Tiếng.
TRÍ DŨNG