Năm 2009 cả nước xảy ra hơn 6.000 vụ tai nạn lao động, trong đó có 550 người chết, hơn 1.000 người bị thương nặng. Các ngành thường xảy ra tai nạn là xây dựng, cơ khí, cưa xẻ gỗ... gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Được biết, Bình Dương là một trong những địa phương có số vụ tai nạn lao động cao...
Cẩn thận với các máy cắt, dập
Bác sĩ Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Quân đoàn 4 (BVQĐ) cho biết tại khoa lúc nào cũng có ca công nhân bị tai nạn lao động (TNLĐ), đa số là những công nhân mới vào làm, hoặc trong lúc làm tăng ca, do thời gian làm việc kéo dài, mệt mỏi, căng thẳng nên dễ xảy ra tai nạn.
Theo số liệu của khoa cấp cứu BVQĐ 4 thì số ca cấp cứu do TNLĐ được ghi nhận cao chỉ sau tai nạn giao thông (TNGT). Năm 2009, có gần 2.200 ca, trong đó có hơn 50% số ca bị chấn thương do các máy cưa xẻ gỗ, cơ khí... cắt, dập vào tay, chân. Bác sĩ Chiến cho biết khi tay, chân bị máy cắt, dập nát thường là phải cắt bỏ, bệnh nhân phải chịu cảnh tàn tật suốt đời.
Chúng tôi gặp anh L.V.Đ (22 tuổi), công nhân một công ty chế biến gỗ trong KCN Sóng Thần II. Anh vào làm chưa đầy 1 tháng thì bị máy cưa gỗ cắt đứt 3 ngón tay. Anh Đ. kể, do mới vào làm chưa quen công việc, máy cưa của công ty lại quá cũ, khi anh đang chạy máy, ấn lưỡi cưa không xuống do vòng bi bị nghẹt nhưng khi anh đến sửa thì lưỡi cưa lại bất ngờ đưa xuống và cắt vào tay. Quê ở Thanh Hóa vào, nên khi bị tai nạn anh một mình buồn bã ở bệnh viện, có việc gì cũng phải nhờ những người chung phòng. Với bàn tay bị cụt 3 ngón, sau này công việc đối với anh sẽ khó khăn hơn.
Chị V.T.D.T (22 tuổi) làm việc cho một doanh nghiệp tư nhân chế biến gỗ ở xã An Phú, Thuận An sơ ý để bao tay bị cuốn vào trục quay khi đang sử dụng máy chà nhám gỗ. Chị nói, chị đang làm tăng ca đến 8 giờ tối thì xảy ra tai nạn, làm gãy 2 xương cẳng tay trái, tạm thời đang được các bác sĩ cố định xương để chờ mổ. Chị T. còn cho biết thêm ở công ty không có làm hợp đồng lao động, chị cũng không được công ty mua bảo hiểm y tế. Những trường hợp tai nạn xảy ra trong công ty khá thường xuyên.
Năm 2009, BVĐK tỉnh đã ghi nhận gần 400 ca TNLĐ, có 1 ca tử vong. Riêng 3 tháng đầu năm 2010 cũng đã có gần 70 ca TNLĐ. Theo phân tích số liệu thì đa số trường hợp tai nạn cũng đều là các chấn thương ở tay, chân.
Người lao động cần có môi trường làm việc an toàn
Bình Dương có nhiều KCN với hàng trăm ngàn công nhân tham gia lao động. Đây là lực lượng quan trọng góp phần đắc lực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Làm thế nào để tạo môi trường làm việc an toàn, bảo đảm tái tạo sức lao động cho công nhân luôn là vấn đề đặt ra trong nhiều năm qua. Thực tế hàng năm số vụ TNLĐ vẫn xảy ra ở mức cao... việc điều tra, giải quyết cho các bên liên quan cũng là một vấn đề phức tạp. Công nhân xa quê thường có hoàn cảnh khó khăn, nếu bị tai nạn thì gia cảnh sẽ càng khốn khó.
Để phòng ngừa tai nạn đối với người lao động là một việc không đơn giản, vì thực tế người lao động thường bị cuốn hút vào quá trình làm việc, nhiều khi sơ suất dễ dẫn đến tai nạn. Vấn đề quan trọng là phải có một môi trường làm việc an toàn, việc tổ chức công việc, bố trí dụng cụ lao động một cách khoa học, máy móc, thiết bị phải được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Hiện nay nhiều người lao động không hiểu gì về pháp luật lao động, khi bị tai nạn không biết trường hợp của mình sẽ được giải quyết như thế nào. Điều này cho thấy việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng như huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động chưa sâu rộng trong công nhân.
Ngăn ngừa TNLĐ luôn là vấn đề quan trọng, cần có sự nỗ lực từ nhiều phía. Đặc biệt là ý thức của người lao động. Đối với doanh nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc, tạo môi trường làm việc an toàn, ngăn ngừa TNLĐ và bệnh nghề nghiệp, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động không chỉ là trách nhiệm mà còn là vấn đề uy tín và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
ĐỨC LÊ