Nắm rõ những thuận lợi và khó khăn của địa phương, những năm qua, lãnh đạo xã Tân Hưng, huyện Bàu Bàng đã có những giải pháp phù hợp, kịp thời cùng sự đồng lòng, nỗ lực của nhân dân để đưa kinh tế - xã hội của xã phát triển.
Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Trong ảnh: Vườn bưởi da xanh của thành viên HTX Phượng Hằng
Đa dạng lĩnh vực kinh tế
Cao su vẫn là cây trồng chủ lực trên địa bàn xã với diện tích hơn 3.000 ha, chiếm khoảng 94% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn xã. Trong những năm gần đây, do giá mủ cao su xuống thấp, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây khác như: Bưởi, cam, quýt, sầu riêng, mít... và hoa màu với diện tích 19,37 ha (chiếm khoảng 0,9% đất nông nghiệp). Mặc dù, diện tích đất phát triển các mô hình trồng trọt không nhiều nhưng cũng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Trên địa bàn xã hiện có Hợp tác xã Phượng Hằng trồng bưởi da xanh công nghệ cao và Hợp tác xã nông nghiệp - thương mại yến sào Bàu Bàng. Ngoài ra, còn có cơ sở nuôi trồng và kinh doanh Tổ yến Việt Hoa đạt chứng nhận OCOP. Toàn xã có 1 trại heo gia công và hộ gia đình nuôi nhỏ lẻ với khoảng 1.200 con, 4 trại gà nuôi gia công và các hộ dân nuôi gà thả vườn với hơn 62.700 con. Mô hình chăn nuôi heo, gà trại gia công và gia đình phát triển từ năm 2016 đến nay với số vốn đầu tư khoảng 15 tỷ đồng.
Bên cạnh việc ưu tiên phát triển ngành nông nghiệp chủ lực, xã cũng từng bước thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương. Hiện trên địa bàn xã có 7 doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực như sắt thép, gia công đồ bảo hộ lao động, thức ăn gia súc, xăng dầu, trang trí nội thất, vật liệu xây dựng... Thương mại - dịch vụ phát triển nhanh, xã có 1 chợ và 168 cơ sở kinh doanh cá thể, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.
Ông Cao Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng, cho biết trong những năm tới, xã Tân Hưng sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát triển kinh tế. Khu công nghiệp (KCN) Tân Bình mở rộng quy hoạch đất công nghiệp về phía huyện Bàu Bàng, trong đó có 300 ha thuộc phần diện tích Nông trường Cao su Tân Hưng. Ngoài ra, với việc tiếp giáp với thị trấn Lai Uyên và các tuyến đường tạo lực đã hoàn thành sẽ góp phần làm thay đổi cục diện kinh tếcủa địa phương, thương mại - dịch vụ sẽ phát triển mạnh tạo điều kiện cho lao động địa phương có việc làm ổn định, góp phần cho địa phương nâng cao chất lượng xã nông thôn mới (NTM).
Chú trọng đầu tư giao thông nông thôn
Để tạo tiền đề cho kinh tế nông thôn phát triển, xã Tân Hưng tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, kinh doanh. Toàn xã có tổng cộng 68 tuyến đường giao thông với chiều dài 31,4 km. Đến nay, 100% các tuyến đường trục liên xã, liên ấp tại khu dân cư đều được cứng hóa và bảo trì hàng năm, có hạng mục cần thiết theo quy định và bảo đảm sáng - xanh - sạch - đẹp. Ngoài ra, 62 tuyến đường ngõ, xóm đã được nhựa nóng và bê tông xi măng, chỉ còn 1 tuyến đường sỏi đỏ.
Ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng Ban điều hành ấp 4, xã Tân Hưng cho biết toàn ấp có 9 tuyến đường được cứng hóa giúp người dân đi lại dễ dàng, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Chị Trần Thị Hương, người dân sinh sống tại tuyến đường Tân Hưng 7, chia sẻ: “Từ khi đường xây dựng, nâng cấp đời sống người dân cũng thay đổi theo. Người dân trên tuyến đường đều đồng lòng chung sức để giữ gìn môi trường, trồng hoa tạo cảnh quan”.
Có thể nhận thấy, từ một vùng kinh tế mới, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, xã Tân Hưng đang dần khoác lên mình chiếc áo mới tươi đẹp, giàu sức sống. Những mái nhà khang trang, sạch sẽ, nếp sống văn minh, lành mạnh đang hình thành ngày càng rõnét trong mỗi người, mỗi nhà. Những con đường nhựa thẳng tắp, những bóng đèn rực sáng, cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp… điều đó đã minh chứng cho sự chung sức, chung lòng xây dựng NTM nâng cao của đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Hưng.
Theo ông Phan Châu Phát, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng, ngoài các giải pháp đồng bộ phát triển hạ tầng, quá trình xây dựng NTM luôn gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn. Mục tiêu phát triển kinh tế của xã nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ giải quyết việc làm thường xuyên cho người lao động, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, giữ vững an toàn xã hội để phát triển NTM bền vững.
Trong cơ cấu kinh tế của xã Tân Hưng, nông nghiệp chiếm tỷ lệ 62%, thương mại, dịch vụ 24%, công nghiệp 14%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 81,72 triệu đồng/người/năm. Thời gian tới, xã tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng phổ biến các chính sách, chương trình, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả của các hộ gia đình tiêu biểu và kiến nghị các chính sách hỗ trợ vay vốn, thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm để người dân mạnh dạn đầu tư sản xuất nâng cao thu nhập... |
TIẾN HẠNH