Khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo: Động lực phát triển mới

Cập nhật: 04-01-2024 | 08:30:41

 Là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước phải đối mặt với “bẫy thu nhập trung bình”, Bình Dương xác định cần phải sớm đổi mới mô hình phát triển, tập trung vào những hệ sinh thái kiểu mới, công nghiệp thông minh, lấy đổi mới sáng tạo (ĐMST) và khoa học công nghệ làm động lực phát triển trong giai đoạn mới.

 Vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”, Bình Dương sẽ tạo những bước đột phá trong phát triển bền vững. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Takako Việt Nam, Khu công nghiệp VSIP I (TP.Thuận An)

Vượt thách thức, tạo đột phá

Việc trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế cao của cả nước và là địa phương đầu tiên đạt mức thu nhập trung bình cao đã đặt Bình Dương đứng trước thách thức phải sớm đương đầu và vượt qua, đó là “bẫy thu nhập trung bình”.

Để vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”, duy trì được tốc độ tăng trưởng, trở thành khu vực có thu nhập cao với GDP bình quân đầu người tối thiểu 12.000 đô la Mỹ, Bình Dương đang thực hiện công tác quy hoạch tích hợp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Quy hoạch mang tầm chiến lược với mục tiêu đưa Bình Dương trở thành địa phương có sức cạnh tranh toàn cầu về thu hút, phát triển và giữ chân nhân tài khoa học.

Mục tiêu cốt lõi của đề án Quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 là tiếp tục xây dựng và thực hiện chiến lược 6 trụ cột giúp Bình Dương vượt qua được bẫy năng suất lao động, bẫy đô thị hóa, bẫy môi trường sinh thái, bẫy phụ thuộc và bẫy bất bình đẳng, tổng hòa lại đưa Bình Dương trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước vượt qua được “bẫy thu nhập trung bình”. Thông qua một đồ án quy hoạch tốt, Bình Dương có thể tạo các dư địa chính sách - không gian - công nghệ - văn hóa xã hội - môi trường để đưa kinh tế phát triển vượt bậc, bền vững và trở thành địa phương có thu nhập GDP/đầu người đạt mức cao vào năm 2030. Một bản quy hoạch tích hợp chất lượng cao có thể tạo một nền tảng giá trị vượt trội giúp huy động nhiều nguồn lực xã hội cho phát triển.

Theo các chuyên gia, nhà khoa học, Bình Dương cần thiết có các bước đi cụ thể để tạo dư địa mới cho phát triển, tăng tỷ trọng dịch vụ trong nền kinh tế thông qua khai thác các mức cao hơn của chuỗi giá trị. Tạo lợi điểm về phát triển khoa học công nghệ - ĐMST như phát triển các ngành công nghệ mới theo xu hướng thời đại, đẩy mạnh hỗ trợ chuyển đổi số, sản xuất thông minh, chuyển đổi công nghệ, tự động hóa, đầu tư nghiên cứu - phát triển - thử nghiệm, hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ ươm tạo doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Becamex IDC, để tránh bị mắc kẹt trong “bẫy thu nhập trung bình”, doanh nghiệp và những ngành công nghiệp hiện tại trên địa bàn tỉnh cần thực hiện nhanh chóng việc tăng năng suất, ứng dụng những công nghệ sản xuất mới và tiên tiến hơn (bao gồm cả tự động hóa và sản xuất thông minh), cùng với các khoản đầu tư có giá trị cao hơn, bền vững hơn. Bên cạnh đó, các xu hướng toàn cầu như công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cũng như cuộc chiến toàn cầu về nhân tài, sự cần thiết của phát triển bền vững và những thay đổi địa chính trị ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, tất cả cần phải được lồng ghép vào chiến lược phát triển chung của Bình Dương, nhằm thu hút mạnh mẽ hệ sinh thái ĐMST.

Xây dựng Vùng ĐMST

Hiện nay, tỉnh đang gấp rút hoàn thiện quy hoạch Vùng ĐMST với khả năng kết nối không gian mạnh mẽ. Phát huy vị trí trung tâm của Bình Dương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng ĐMST được quy hoạch theo cấu trúc như một trục giữa tỉnh, với điểm đầu phía nam gắn với khu vực Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh và Thành phố sáng tạo Thủ Đức của TP.Hồ Chí Minh. Điểm đầu phía bắc gắn với tỉnh Bình Phước là một trung tâm công nghiệp mới đang phát triển rất mạnh mẽ. Phía tây gắn với tỉnh Tây Ninh, xuyên thẳng đến cửa khẩu Mộc Bài và kết nối vào nền kinh tế Campuchia. Hướng đông nam sẽ kết nối thẳng đến cảng sân bay Long Thành và cảng biển Cái Mép - Thị Vải.

Bình Dương đặt tầm nhìn, với cấu trúc không gian này kết hợp cùng các tuyến kết nối giao thông vận tải và kết nối băng thông rộng - công nghệ thông tin. Vùng ĐMST được đặt tầm nhìn trở thành một điểm sáng đột phá trong kỷ nguyên mới, một hành lang ĐMST không chỉ của Bình Dương mà còn mang tầm vóc toàn vùng Nam bộ. Vùng ĐMST được tỉnh ưu tiên tập trung đầu tư theo bộ tiêu chí và hướng tới trở thành một trong những vùng thông minh của Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF), từ đó tạo đòn bẩy phát triển cho toàn tỉnh.

Ông John Jung, đồng sáng lập ICF, cho biết: “Bình Dương đã có sự thay đổi và phát triển mạnh mẽ. Những kết quả bước đầu trong quá trình thực hiện đề án thành phố thông minh đã tạo điểm nhấn, nền tảng để Bình Dương tiếp tục phát triển đột phá trong giai đoạn kế tiếp. Đặc biệt, việc xây dựng thành phố thông minh, tham gia vào các tổ chức quốc tế như ICF đã góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh tỉnh Bình Dương trên trường quốc tế. Đề án thành phố thông minh Bình Dương là mô hình thực sự đầy tiềm năng, minh chứng rõ nhất là Bình Dương đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhiều tập đoàn lớn có thương hiệu trên thế giới, đây chính là thành công của Bình Dương.

 GS-TS Nguyễn Quang Thuấn, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương: Giai đoạn tới, tỉnh Bình Dương phải phát huy tốt nhất tiềm năng và lợi thế so sánh trong bối cảnh và điều kiện mới. Chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình phát triển dựa trên khoa học - công nghệ, ĐMST. Khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao phải là đột phá của sự phát triển, tiên phong khai thác, tận dụng xu hướng phát triển xanh, thông minh và hiện đại để thu hút các nguồn lực đầu tư có chất lượng.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=6883
Quay lên trên