Sáng qua (18-4), UBND tỉnh đã tổ chức phiên họp thường kỳ lần thứ 9 nhằm đánh giá Kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2017, cũng như các phương án cải thiện hai bộ chỉ số này. Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì phiên họp, cùng sự tham gia của các phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.
Người dân đến giải quyết công việc tại bộ phận “một cửa” của Trung tâm hành chính công tỉnh. Ảnh: XUÂN THI
Không vì thứ hạng
Mở đầu phiên họp sáng qua, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh, lưu ý đây là một buổi làm việc cần thiết, trong bối cảnh Bình Dương đang ráo riết thực hiện các mục tiêu quan trọng do Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra trong thời kỳ mới.
Thực hiện năm thứ 13 liên tiếp, báo cáo PCI năm 2017 dựa trên thông tin phản hồi từ 12.000 doanh nghiệp; trong đó có trên 10.200 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và 1.800 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 21 địa phương trong cả nước. Qua khảo sát, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã xếp Bình Dương vào nhóm “khá”, với số điểm 64,47. Như vậy, so với PCI 2016, Bình Dương đã tăng 0,9 điểm, nhưng tụt đến 10 hạng.
Đánh giá về PCI lần này, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, năm 2017 có sự thay đổi phương pháp luận và cách tính điểm nên đã bổ sung tiêu chí mới, đồng thời thay đổi trọng số của các chỉ số thành phần nên đã làm khoảng cách giữa các tỉnh, thành trong cả nước ngày càng rút ngắn trong khi điểm trung vị của cả nước tăng cao, đã làm ảnh hưởng đến thứ hạng của tỉnh. Nếu xét về cơ cấu, trong 10 chỉ số thành phần tuy Bình Dương có đến 6 chỉ số tăng điểm nhưng chỉ chiếm 45% tổng điểm; dù có tăng điểm nhưng thứ hạng của cả 6 chỉ số này đều giảm so với PCI 2016. Trong khi đó, chỉ có 4 chỉ số giảm điểm nhưng lại chiếm 55% tổng điểm PCI 2017. Điều này dẫn đến mức tăng điểm chung của cả tỉnh không cao, trong khi thứ bậc sụt giảm mạnh.
“Chúng ta nhìn nhận, đánh giá và rút tỉa các bộ chỉ số đánh giá PCI và PAPI thật nghiêm túc, tìm ra các giải pháp thay đổi hợp lý để sớm cải thiện điểm số. Việc này không phải vì thứ hạng trên bảng xếp hạng, mà là vì để tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ngày một tốt hơn”. (Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh) |
“Theo đánh giá của giới chuyên môn, xu hướng hội tụ điểm số khá mạnh do các tỉnh có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. Các tỉnh xếp hạng thấp có thể bắt kịp nhóm trên dễ hơn, trong khi các tỉnh xếp hạng cao thì ít có không gian để bứt phá. Điều này thể hiện qua tổng điểm PCI của tỉnh tăng trong khi thứ bậc trong bảng xếp hạng lại giảm rõ rệt trong năm 2017”, ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Cũng theo ông Trúc, dù bị tụt hạng nhưng Bình Dương vẫn được đánh giá là tỉnh đứng đầu trong bảng xếp hạng Chỉ số cơ sở hạ tầng năm 2017. Tuy không được đưa vào để tính điểm PCI nhưng lại là nguồn thông tin tham khảo hữu ích cho doanh nghiệp. Một điểm đáng lưu ý khác là điểm chỉ số cơ sở hạ tầng cũng đang có xu hướng hội tụ, thể hiện sự thu hẹp khoảng cách giữa nhóm đầu và nhóm dưới. Chính vì thế, trong thời gian tới Bình Dương cũng phải nỗ lực nhiều về việc xây dựng, kiến tạo cơ sở hạ tầng của mình để liên tục cải thiện ngày một tốt hơn ở chỉ số quan trọng này.
Nhiều giải pháp mới
Theo lãnh đạo UBND tỉnh, để khắc phục những hạn chế và duy trì, vận dụng những điểm mạnh vốn có nhằm tiếp tục nâng cao PCI, Bình Dương cần nghiêm túc thực hiện hàng loạt giải pháp cần thiết ngay từ nay đến cuối năm, vốn được xem là khoảng thời gian quan trọng trong việc đánh giá PCI 2018 từ cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh. Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đơn vị sẽ rà soát, tiếp tục nghiên cứu rút ngắn thời gian thay đổi đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật và cam kết của UBND tỉnh với VCCI. Sở cũng đẩy mạnh thực hiện việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp qua internet, bưu điện...; phối hợp thực hiện tốt công tác liên thông trong đăng ký kinh doanh với Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, cũng như tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong đấu thầu.
Ông Lai Xuân Thành, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông, cho rằng trong thời gian tới sở rất cần sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan hữu quan trong việc cung cấp thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn. “Chúng tôi mong muốn nâng cao chất lượng, hiệu quả trang thông tin điện tử của tỉnh nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận, truy xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh cũng như các tài liệu quy hoạch, kế hoạch và ngân sách được công bố của tỉnh. Việc này không chỉ giúp đẩy nhanh tiến độ hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến theo lộ trình, mà còn góp phần giúp tỉnh cải thiện PCI trong những năm tiếp theo”, ông Thành nói.
Ngoài việc yêu cầu Cục Thuế tỉnh tập trung rà soát, giảm bớt các thủ tục, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, thực hiện công tác thanh, kiểm tra thuế phù hợp và thuận tiện cho doanh nghiệp, lãnh đạo UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành khác có liên quan đẩy mạnh cải tiến quy trình làm việc, nâng cao hiệu quả công việc của cán bộ, viên chức. Về phía các địa phương, UBND tỉnh yêu cầu việc công khai bằng nhiều hình thức về quy trình thủ tục, thành phần hồ sơ, các loại biểu mẫu, hướng dẫn chi tiết để hoàn thiện mẫu thủ tục hành chính, quy định thời gian giải quyết, các mức phí, lệ phí theo quy định để người dân và doanh nghiệp dễ hiểu, dễ thực hiện.
Phát biểu tại phiên họp, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh việc tụt hạng PCI năm 2017 cũng như PAPI 2017 dù không ảnh hưởng lớn đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhưng các sở, ngành cần bám sát các tiêu chí để có những chấn chỉnh, cải tiến kịp thời, đặc biệt là đối với các tiêu chí giảm điểm. Bên cạnh đó, cần giám sát chặt chẽ việc cải tiến, cải thiện một cách thường xuyên, quyết tâm trong năm 2018 và các năm tiếp theo không giảm điểm PCI. Ông Liêm cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương theo dõi 2 chỉ số này để báo cáo tình hình cải thiện hàng quý cho UBND tỉnh để có những chỉ đạo kịp thời. Ngoài ra, các huyện, thị, thành phố trong tỉnh cần chỉ đạo sâu sát các xã, phường, thị trấn tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân nhằm góp phần cải thiện PAPI trong các năm tới.
PAPI cũng cần sớm được cải thiện
PAPI năm 2017 cũng ghi nhận sự sụt giảm của Bình Dương. Theo đó, Bình Dương đạt tổng điểm 33,49/60 điểm (đạt 55,81%), xếp trong nhóm thấp điểm nhất. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Bình Dương xếp trong nhóm đạt điểm thấp nhất và khoảng cách điểm số giữa Bình Dương với địa phương có số điểm cao nhất là 6,04 điểm. Theo ông Mai Sơn Dũng, Giám đốc Sở Nội vụ, PAPI 2017 của Bình Dương đạt thấp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Để cải thiện chỉ số này, cần có sự chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Cũng theo lãnh đạo Sở Nội vụ, cần tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở cấp cơ sở bằng nhiều hình thức khác nhau; đề cao trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã trong quản lý, điều hành công việc chung của địa phương; đẩy mạnh các biện pháp phòng chống tham nhũng, chống mọi biểu hiện tiêu cực gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân... Đặc biệt, tỉnh cần đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính ở địa phương; củng cố, hiện đại hóa và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận một cửa cấp cơ sở; cùng với đó công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện có hiệu quả, đồng bộ trong việc xây dựng chính quyền thân thiện, công sở thân thiện...
M.NGUYỄN
KHÁNH VINH