Cùng với việc triển khai các đề tài, nghiên cứu khoa học - công nghệ (KHCN) cấp tỉnh, trong thời gian qua Sở KHCN cũng đẩy mạnh triển khai các đề tài KHCN cấp cơ sở. Qua đó đã từng bước nâng cao hiệu quả áp dụng KHCN vào thực tiễn.
Hiệu quả cao
Theo đánh giá của các ngành và địa phương trong tỉnh, trong những năm gần đây, qua việc áp dụng tiến bộ KHCN và chuyển giao KHCN từ các đề tài, dự án đã mang lại hiệu quả tốt và phù hợp với thực tiễn ở cơ sở. Điển hình như Dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế Phú Giáo” đã đem lại hiệu quả rõ rệt, từ công tác quản lý, báo cáo cho đến kiểm soát bệnh án của bệnh nhân, giảm thời gian chờ khám chữa bệnh của người dân. Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh tăng hiệu quả sản xuất cây ổi lê Đài Loan ở huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương” góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất, tăng thu nhập cho người dân...
Mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh tăng hiệu quả sản xuất cây ổi lê Đài Loan ở huyện Bàu Bàng đã giúp các hộ tham gia mô hình có nguồn thu ổn định. Ảnh: HOÀNG PHẠM
Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở KHCN cho biết, thời gian qua nhiều đề tài, dự án KHCN của tỉnh đã được triển khai, ứng dụng trong thực tế và đã phát huy hiệu quả. Chẳng hạn trong lĩnh vực nông nghiệp, sở đã chuyển giao quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) cho các địa phương, từ đó từng bước hình thành sản xuất nông nghiệp sạch, góp phần nâng cao nhãn hiệu nông sản của tỉnh nhà và giúp người dân có nguồn thu ổn định.
Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh cũng từng bước đẩy mạnh công tác nghiên cứu, áp dụng KHCN phù hợp với tình hình của địa phương. Lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện Phú Giáo cho biết, đến nay địa phương đã từng bước xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, các trang trại chăn nuôi tập trung áp dụng phương pháp, kỹ thuật mới và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài việc tập trung xây dựng các đề tài, dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp theo kế hoạch và tiếp tục duy trì các mô hình đã có, huyện cũng đẩy mạnh triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ KHCN theo quy mô vừa và nhỏ gắn với tổ hợp tác, hộ gia đình.
Gắn KHCN với phát triển của địa phương
Để hạn chế việc đưa KHCN không phù hợp với cơ sở, từ năm 2016, Sở KHCN chỉ tuyển chọn những đề tài, nhiệm vụ có tính ứng dụng cao và có sự cam kết sử dụng kết quả khi nhiệm vụ KHCN hoàn thành của các đơn vị thụ hưởng; đồng thời thực hiện theo đặt hàng của địa phương.
Theo ông Nguyễn Quốc Cường, thực hiện định hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ năm 2017 và giai đoạn 2016-2020, Sở KHCN đã nhận được 45 nhiệm vụ KHCN được đề xuất. Qua tư vấn xác định nhiệm vụ của các hội đồng tư vấn, Sở KHCN đề nghị thực hiện 12 nhiệm vụ. Những nhiệm vụ này đã có văn bản đề xuất đặt hàng và cam kết triển khai ứng dụng sau khi nhiệm vụ được nghiệm thu. Trên cơ sở đó, sở đang triển khai các đề tài do địa phương đề xuất và chuyển giao cho địa phương, như đề tài chuyển giao và thực nghiệm xử lý bèo lục bình làm mùn hữu cơ, làm biogas và trồng nấm rơm trên địa bàn tỉnh; xây dựng mô hình quản lý tổng hợp cây hồ tiêu tại huyện Phú Giáo…
Về hoạt động KHCN ở tuyến cơ sở, ông Lê Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở KHCN cho biết, hiện nay việc các địa phương thiếu nhân lực phục vụ cho hoạt động KHCN, nhất là cán bộ chuyên trách là vấn đề khó khăn chung. Trước mắt, sở đề nghị Phòng Kinh tế các địa phương phối hợp với các phòng, ban chuyên môn khác của địa phương triển khai các hoạt động KHCN từng lĩnh vực; đồng thời đẩy mạnh liên kết hợp tác, như phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh, Hội Nông dân để triển khai, áp dụng các tiến bộ KHCN trong nông nghiệp...
KHÁNH ĐĂNG