Thời gian qua, TX.Dĩ An đã triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm tra, chấn chỉnh và lập lại trật tự đối với ngành nghề kinh doanh phế liệu trên địa bàn. Biện pháp này đã góp phần bảo đảm môi trường và thay đổi diện mạo đô thị Dĩ An.
Kinh doanh phế liệu từng bước đi vào nề nếp
Những năm qua, quá trình công nghiệp hóa trên địa bàn TX.Dĩ An kéo theo việc hình thành mạng lưới các cơ sở hành nghề thu gom, xử lý chất thải. Các cơ sở này đã góp phần tái chế, tái sử dụng một phần lớn lượng chất thải công nghiệp trên địa bàn, góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, trong quá trình hoạt động đã phát sinh một số bất cập như nhiều cơ sở chưa tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, gây mất mỹ quan đô thị. Không những vậy, hầu hết các cơ sở kinh doanh này đều để phế liệu ngoài trời, không có mái che, nước mưa chảy vào phế liệu rồi chảy ra môi trường, ngấm vào đất mang theo các chất độc hại. Điều đáng nói là các cơ sở này đều không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải.
Một điểm kinh doanh phế liệu tại TX.Dĩ An. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Bên cạnh việc gây ô nhiễm, các cơ sở nói trên không bảo đảm an toàn cháy nổ; các loại chất thải được đưa về chứa và tiến hành phân loại tại các điểm kinh doanh trước khi bán cho các đơn vị khác. Trong quá trình phân loại chất thải tại các cơ sở trên địa bàn thị xã phát sinh bụi, tiếng ồn và mùi hôi, trong đó nghiêm trọng nhất là hơi dung môi từ các thùng đựng hóa chất nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và người dân trong khu vực. Điều đáng nói thêm, những phế phẩm dư thừa từ quá trình phân loại phế liệu như bao bì nylon, cao su, vải vụn... nhiều cơ sở đã thải bỏ ra ven đường phía trước, các khu đất trống hoặc đốt gây ô nhiễm môi trường.
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường TX.Dĩ An, qua thực tế kiểm tra của đơn vị cho thấy hiện toàn thị xã có khoảng 255 cơ sở kinh doanh phế liệu. Hầu hết các cơ sở này không bảo đảm về đăng ký kinh doanh, phòng cháy chữa cháy, môi trường, an ninh trật tự; được xây dựng tạm bợ, không bảo đảm mỹ quan đô thị. Chính vì vậy, việc di dời các cơ sở kinh doanh phế liệu này là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết đối với thị xã trong giai đoạn hiện nay.
Bà Quách Kim Oanh, Quyền Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TX.Dĩ An, cho biết trong thời gian qua UBND thị xã đã chỉ đạo phòng triển khai thực hiện Kế hoạch số 1828/ KH-UBND ngày 26-6-2013 của UBND thị xã, với mục tiêu tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh và lập lại trật tự đối với ngành nghề kinh doanh phế liệu trên địa bàn. Qua việc triển khai quyết liệt, nghiêm túc của các cấp, các ngành, kế hoạch này đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Cụ thể là tình hình kinh doanh phế liệu trên địa bàn đã từng bước đi vào nề nếp, tình trạng ô nhiễm môi trường trong cộng đồng dân cư đã được cải thiện rõ rệt, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị Dĩ An... Đến nay, có 37 cơ sở kinh doanh phế liệu được Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra thí điểm tại phường Dĩ An đã ngưng hoạt động. Tại các phường khác của thị xã, đã có 159/218 cơ sở ngưng hoạt động hoặc chuyển đổi ngành nghề kinh doanh cho phù hợp, còn lại 59 cơ sở hiện nay đã giảm dần quy mô, tuy nhiên vẫn chưa ngưng hoạt động hoặc chuyển đổi ngành nghề.
Nâng cao công tác tuyên truyền
Bà Oanh cho biết, nhận thấy vấn đề lập lại trật tự đối với ngành nghề kinh doanh phế liệu trên địa bàn thị xã là bức thiết cho quá trình phát triển đô thị Dĩ An, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền, vận động và hỗ trợ về mặt pháp lý cần thiết đến từng cơ sở kinh doanh phế liệu. Qua đó địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi về thời gian thực hiện di dời và có giải pháp hỗ trợ, xử lý đối với từng trường hợp cụ thể.
Lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã nhìn nhận, trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch lập lại trật tự đối với ngành nghề kinh doanh phế liệu trên địa bàn, TX.Dĩ An vẫn gặp không ít khó khăn. Khó khăn trước hết là do đa phần các chủ cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn là người ngoài tỉnh nên việc nhận thức những vấn đề ô nhiễm môi trường của địa phương chưa tốt. Cùng với đó, một số chủ kinh doanh phế liệu không còn đủ sức lao động, họ sống chủ yếu bằng nghề mua phế liệu, do vậy ngành chức năng gặp khó khi kiểm tra, tuyên truyền vận động.
Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật về môi trường, phòng cháy chữa cháy của các cơ sở kinh doanh phế liệu tại thị xã mặc dù đã được nâng lên nhưng chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Trên thực tế, đa số các cơ sở kinh doanh phế liệu này chỉ chú trọng về lợi ích kinh tế, chưa quan tâm đến việc trang bị các thiết bị bảo đảm an toàn cháy nổ, ô nhiễm môi trường hoặc nếu có đầu tư, trang thiết bị thì chỉ mang tính đối phó. Một khó khăn nữa là việc phát triển không đồng bộ trước đây giữa hạ tầng và đô thị trong quá trình đô thị hóa tại TX.Dĩ An đã làm gia tăng áp lực về bảo vệ môi trường đối với cơ quan chức năng.
Bà Oanh cho biết thêm, TX.Dĩ An luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ sở kinh doanh phế liệu hoạt động khi đã hoàn thiện các yêu cầu mà pháp luật đã quy định. Mặt khác, thị xã chỉ có thể hỗ trợ về pháp lý cũng như hướng nghiệp cụ thể đối với các hộ ngưng hoạt động kinh doanh phế liệu khi họ đã định hướng được ngành nghề mà họ mong muốn thực hiện; ngược lại trường hợp các cơ sở không chấp hành quy định của pháp luật thì phải bị xử lý theo quy định. Đối với các cơ sở sau nhiều lần vận động, tuyên truyền nhắc nhở mà vẫn không thực hiện các quy định, Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành kiểm tra, kiến nghị UBND thị xã xử phạt vi phạm theo quy định.
Trong thời gian tới, UBND TX.Dĩ An tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các phường hướng dẫn, vận động, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh phế liệu chưa chấp hành theo chủ trương của thị xã; kiên quyết không để phát sinh thêm các cơ sở mới nằm trên các tuyến đường hạn chế kinh doanh lĩnh vực này. Trường hợp các cơ sở cố tình không thực hiện, UBND thị xã yêu cầu UBND các phường tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, kiến nghị UBND thị xã ban hành quyết định xử phạt theo đúng quy định.
Ngày 26-9-2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2566/QĐ-UBND về ban hành danh mục các ngành nghề, vùng, địa điểm có nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh và các giải pháp phòng ngừa, xử lý; trong đó ngành nghề kinh doanh phế liệu là một trong số 12 ngành nghề nằm trong danh mục này. Trên cơ sở đó, UBND TX.Dĩ An tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương thực hiện nghiêm túc quyết định này. Theo đó, không chấp thuận cho các dự án kinh doanh phế liệu mới trên địa bàn nếu không bảo đảm quy hoạch, không đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
PHƯƠNG LÊ