Chủ đề Ngày Tiêu chuẩn thế giới (14-10) năm 2024 là “Tiêu chuẩn phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) - Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn”. Hưởng ứng Ngày Tiêu chuẩn thế giới, Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) đã có nhiều hoạt động thiết thực.
Chuẩn mực quan trọng
Ngày 14-10 hàng năm được 3 tổ chức tiêu chuẩn hóa hàng đầu thế giới là Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC) và Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) chọn là Ngày Tiêu chuẩn thế giới, với mục tiêu đề cao vai trò của hoạt động tiêu chuẩn hóa trên thế giới, đồng thời tôn vinh nỗ lực và sự đóng góp của những người đã và đang tham gia vào việc xây dựng tiêu chuẩn quốc tế. Tháng 9-1951, Việt Nam là thành viên chính thức của ITU; năm 1977 là thành viên chính thức của ISO; đến tháng 4-2002 trở thành thành viên liên kết của IEC.
Những năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở làm nền tảng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo vệ lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp, cũng như người tiêu dùng Việt Nam. Vào ngày 14-10 hàng năm, Việt Nam tổ chức các sự kiện để tôn vinh nỗ lực, sự đóng góp của những người đã và đang tham gia vào việc xây dựng tiêu chuẩn quốc tế, tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân và người dân về ý nghĩa của Ngày Tiêu chuẩn thế giới.
Các đại biểu tham dự hội nghị tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng
Đến nay, Việt Nam có hơn 13.000 TCVN (tiêu chuẩn Việt Nam) và hơn 800 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Các tiêu chuẩn và quy chuẩn quốc gia đã làm chuẩn mực quan trọng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Tăng cường tuyên truyền
Trong những năm qua, công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (TCĐLCL) tại nước ta đạt nhiều kết quả quan trọng. Hoạt động TCĐLCL góp phần thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo nền tảng kỹ thuật quan trọng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa của các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế, nâng cao năng lực hội nhập kinh tế quốc tế nước nhà. TCĐLCL là công cụ quản lý nhà nước có đóng góp ngày càng quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm quốc phòng - an ninh, quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, tổ chức, người tiêu dùng; bảo đảm công bằng và an sinh xã hội.
Vừa qua, Chi cục TCĐLCL đã tham mưu Sở Khoa học và Công nghệ trình Tỉnh ủy kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác TCĐLCL quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Theo đó, kế hoạch nêu rõ: Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực TCĐLCL, bảo đảm số lượng và chất lượng; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác TCĐLCL; đào tạo nhân lực làm công tác TCĐLCL. Hội nghị tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về TCĐLCL vừa qua cũng là một trong những nội dung quan trọng của kế hoạch này. |
Thời gian qua, bằng nhiều hình thức, Chi cục TCĐLCL đã tích cực triển khai, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về TCĐLCL đến các tổ chức, doanh nghiệp, người dân thông qua hoạt động tuyên truyền trên báo, đài; phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức hội thảo, hội nghị, như: Hội nghị tuyên truyền quy định về hoạt động quản lý vàng và vàng trang sức mỹ nghệ; hội nghị tuyên truyền quản lý các hoạt động về đồng hồ nước, đồng hồ điện tại nhà trọ; tuyên truyền hoạt động đo lường trong thương mại bán lẻ... Ông Lý Thái Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục TCĐLCL, cho biết hàng năm chi cục tổ chức tập huấn cho Phòng Kinh tế của các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh để cập nhật kiến thức thường xuyên, qua đó nâng cao công tác quản lý nhà nước về TCĐLCL.
Mới đây, tại hội nghị tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về TCĐLCL, đại diện Chi cục TCĐLCL đã thông tin tổng quan về đo lường; phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hệ thống tiêu chuẩn; công bố hợp quy; ghi nhãn hàng hóa… Cụ thể, hàng hóa, chất lượng sản phẩm, hàng hóa được quản lý trên cơ sở tiêu chuẩn công bố áp dụng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Sản phẩm, hàng hóa nhóm 1 được quản lý chất lượng trên cơ sở tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng. Sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 được quản lý chất lượng trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng. Đối với ghi nhãn hàng hóa, hàng hóa lưu thông tại Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu phải được ghi nhãn. Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa, gồm tên hàng hóa, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa…
Bà Trần Ngọc Oanh, chuyên viên Phòng Kinh tế TP.Thuận An, cho biết hội nghị đã thông tin đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về TCĐLCL. Qua lớp tập huấn này, UBND các xã, phường của thành phố được trang bị thêm những kiến thức pháp lý, làm cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về TCĐLCL.
PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ