Bệnh sốt xuất huyết (SXH) thường xuất hiện cao điểm vào các tháng mùa mưa (tháng 5 đến tháng 10), vì mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi phát triển, trong đó có muỗi vằn truyền bệnh SXH. Chính vì thế ngành y tế đang triển khai nhiều biện pháp để chủ động phòng chống bệnh SXH. Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh xung quanh vấn đề này.
Ngành y tế phun xịt hóa chất diệt muỗi tại khu phố 7, phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một Ảnh: M.HIẾU
- Xin bác sĩ cho biết tình hình bệnh SXH trên địa bàn tỉnh hiện nay diễn biến như thế nào?
- So với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2013, năm nay bệnh SXH có dấu hiệu tăng nhưng tăng nhẹ (12%), do các tháng 1, 2, 3 năm 2014 là đuôi của dịch SXH năm 2013 nên tỷ lệ mắc SXH vẫn còn cao trong những tháng này. Theo đánh giá thì tới đây khi thời tiết đi vào mùa mưa thì bệnh SXH cũng sẽ tăng theo chu kỳ của năm, vì mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyển bệnh SXH phát sinh và phát triển, là nguy cơ bùng phát dịch tại các khu vực có SXH lưu hành.
Tính đến hết tháng 6-2014, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã ghi nhận hơn 700 trường hợp mắc SXH, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Một điểm đáng lưu ý là SXH người lớn có dấu hiệu ngày càng tăng. Hiện nay số ca SXH người lớn ngang bằng với số ca SXH ở trẻ em, vì thế mọi người phải hết sức lưu ý để phòng bệnh.
- Sắp tới, khi bước vào cao điểm của chu kỳ SXH, ngành y tế sẽ có những biện pháp như thế nào để phòng chống bệnh SXH một cách hiệu quả?
- Phương hướng sắp tới ngành y tế sẽ tăng cường tuyên truyền vận động người dân vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng với phương châm “không có lăng quăng không có bệnh SXH”. Tăng cường truyền thông giáo dục trong trường học và những nơi đông dân cư về cách nhận biết dấu hiệu của bệnh SXH và cách phòng bệnh SXH. Huy động các ban ngành, các tổ chức chính trị xã hội như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh… vào cuộc vận động người dân, đoàn viên, hội viên tích cực thực hiện hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy. Tăng cường giám sát các ca bệnh tại các tuyến điều trị để phát hiện sớm các ổ dịch và có biện pháp xử lý ổ dịch 100%. Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao và phun hóa chất xử lý triệt để khi phát hiện có ổ dịch không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài.
Vào giữa tháng 8 năm nay, ngành y tế sẽ tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh môi trường nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng chống bệnh SXH cũng như ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sống để bảo vệ sức khỏe.
- Bác sĩ có khuyến cáo gì với người dân trong việc phòng chống bệnh SXH?
- Khuyến cáo người dân thực hiện 3 không, đó là “không cho muỗi ở, không cho muỗi ăn, không cho muỗi đẻ” và phương châm “không có lăng quăng không có bệnh SXH”. Cụ thể biện pháp chủ yếu là tránh muỗi đốt bằng cách dùng thuốc diệt muỗi, cho trẻ ngủ mùng; diệt lăng quăng, diệt muỗi bằng cách vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, phát quang bụi rậm, làm sạch các bình bông, giảm tối đa các vật dụng chứa nước khác như lốp xe cũ, chén cũ… đậy kín các vật dụng chứa nước như lu, vại…
ĐỨC LÊ (thực hiện)