Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế Hoàng Thị Lan Hương, từ sau Tết Giáp Thìn 2024, Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Trung ương Huế) luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân; nhiều trường hợp bệnh nặng, khó xử lý. Đơn vị phải tăng cường thêm phòng khám, thiết bị máy móc và làm thêm ngoài giờ để phục vụ người bệnh.
Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Trung ương Huế) mỗi ngày can thiệp xử lý cho 25 - 30 trường hợp; phẫu thuật 8 - 10 trường hợp (trong đó 5 - 6 ca mổ tim hở).
Những ngày gần đây, Trung tâm Tim mạch ghi nhận số ca khám ngoại trú, nội trú, điều trị nội khoa, can thiệp và phẫu thuật tim mạch tăng đột biến từ 20 - 50% so với thông thường. Trước đây, bộ phận khám bệnh trung bình mỗi ngày đón 400 lượt bệnh nhân, nay tăng lên khoảng 600. Cao điểm một số ngày, Trung tâm Tim mạch phải can thiệp xử lý cho 25 - 30 trường hợp; phẫu thuật 8 - 10 trường hợp (trong đó 5 - 6 ca mổ tim hở). Danh sách chờ mổ đang tăng dần từng ngày.
Khoa Ngoại lồng ngực tim mạch, Trung tâm Tim mạch hiện đang tiếp nhận khoảng 120 ca bệnh đang điều trị, tăng 25% so với ngày thường. Các phòng bệnh, phòng cấp cứu đã kín bệnh nhân nằm theo dõi. Những bệnh lý được lập thủ tục mổ cấp cứu nhiều nhất là các bệnh phình, lóc, kẹt van tim cơ học… cần phải thực hiện can thiệp càng sớm càng tốt.
Điều dưỡng trưởng chuyên khoa I Nguyễn Thị Cúc Nhật, Khoa Ngoại lồng ngực, Trung tâm Tim mạch cho biết, tình hình bệnh nhân nhập viện tăng thường diễn ra dịp sau Tết, nhưng năm nay có sự đột biến đặc biệt. Nhiều ca bệnh nặng được nhập viện buổi trưa, tối đã phải lên bàn mổ ngay. Vì vậy, lực lượng điều dưỡng khoa phải làm thêm giờ, tăng cường nhân lực hỗ trợ cho các kíp mổ.
Tương tự, khu vực chờ khám của Khoa khám bệnh - Chẩn đoán hình ảnh - thăm dò chức năng tim mạch phủ kín người bệnh. Các phòng khám, siêu âm luôn trong tình trạng hoạt động hết công suất.
Tiến sĩ, bác sĩ Hồ Anh Bình, Giám đốc Trung tâm Tim mạch lý giải, người Việt thường ngại đi khám, nhập viện dịp Tết mà đợi đến hết Tết mới đến bệnh viện khám, phẫu thuật. Ngoài ra, nhiều ca bệnh ngoại tỉnh (Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam…) tin tưởng đến điều trị thời gian gần đây cũng khiến cho đơn vị bị quá tải. Đáng tiếc, nhiều trường hợp trở nặng vì quên uống thuốc, không tái khám đúng hẹn khiến tình trạng bệnh xấu, khó xử lý hoặc không thể cứu vãn như suy tim quá giai đoạn phẫu thuật.
Trước tình trạng này, trung tâm phải tăng cường số phòng khám, bố trí thêm máy siêu âm phục vụ nhu cầu của người bệnh. Các bác sĩ và nhân viên y tế làm thêm giờ, tranh thủ cả giờ ăn, nghỉ trưa, thậm chí là cuối tuần để giải quyết kịp thời các ca bệnh nặng.
Tiến sĩ, bác sĩ Hồ Anh Bình cho biết, hiện Trung tâm Tim mạch đã triển khai đồng bộ từ tim mạch can thiệp đến phẫu thuật. Vừa qua, đơn vị đã có những bước tiến mới trong chẩn đoán khi được trang bị các thiết bị hiện đại như máy chụp cắt lớp vi tính CT 512, CT 32, máy siêu âm 3D, 4D nên kết quả chẩn đoán chính xác hơn, hướng điều trị cho bệnh nhân tốt hơn.
Nhiều kỹ thuật mới được trung tâm triển khai hiệu quả như hồi sức tim, hỗ trợ tuần hoàn cơ học, can thiệp động mạch chủ và phẫu thuật Hybrid stent graft, điện sinh lý, tái đồng bộ cơ tim, siêu âm tầm soát bệnh lý tim mạch ở thai nhi và điều trị các bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp. Sắp tới, đội ngũ y bác sĩ nơi đây sẽ triển khai kỹ thuật mới trong can thiệp động mạch vành, cập nhật và áp dụng các phương pháp, hướng dẫn điều trị nội khoa mới… giúp nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân. Đặc biệt, lĩnh vực ghép tim, ghép tạng đã trở thành kỹ thuật triển khai thường quy tại đơn vị với tỷ lệ ghép thành công cao.
Theo TTXVN