Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo

Cập nhật: 28-03-2019 | 08:39:40

Ở các phiên tòa dân sự có một số người nghèo. Họ có thể là nguyên đơn hoặc bị đơn, song tất cả cùng có chung một mong muốn tìm lại công bằng. Chính vì vậy, họ đã theo đuổi vụ kiện “tới cùng” mà đôi khi kết quả lại không như mong muốn. Vì vậy, vai trò của luật sư và Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TTTGPL) Nhà nước tỉnh ngày càng trở nên quan trọng, không chỉ giúp người nghèo hiểu chính sách pháp luật của Nhà nước mà còn giúp họ tiếp cận các dịch vụ xã hội.


Luật sư, trợ giúp viên tham gia trợ giúp pháp lý cho người nghèo

Cần lắm luật sư cho người nghèo

Luật sư Phạm Hữu Tình, Văn phòng Luật sư Phạm Hữu Tình, cho biết: “Đối với người nghèo, việc theo một bản án là điều quá sức bởi chi phí cho vụ kiện thường quá cao. Ở các dịch vụ tư vấn pháp lý, văn phòng luật sư, người có nhu cầu tư vấn luật thường phải trả tiền bằng phút, nếu mượn luật sư theo đuổi một vụ kiện thì thân chủ phải chi ra một khoản tiền không nhỏ tùy vào mức độ phức tạp của vụ việc, nhưng số tiền phải bỏ ít nhất là 10 triệu đồng/vụ. Chi phí cao đã làm cho người nghèo không còn nghĩ đến ý định mang đơn khởi kiện dù biết có thể thắng kiện. Hoặc khi có quyết định mang đơn đi kiện thì biết rằng đã hết thời hạn khởi kiện”. Đó là trường hợp của bà Nguyễn Thị Ng., ở TX.Thuận An. Mặc dù bị gia đình ngăn cấm nhưng ông Lê Văn Kh. và bà Nguyễn Thị Ng. vẫn chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Trong lần bạo bệnh, ông Kh. chết để lại một căn nhà khang trang, 500m2 đất ở phường Lái Thiêu và 5 người con (2 người con của bà Ng. và 3 người con của vợ đã quá cố). Mẹ của ông Kh. vốn không đồng ý bà Ng. là con dâu nên cương quyết không chấp nhận 2 người con của bà Ng. là cháu, nên tài sản của ông Kh. chỉ được chia cho 3 người con của bà cả. Ấm ức, bà Ng. không biết cầu cứu ai, vả lại bà cũng không muốn “vạch áo cho người xem lưng” nên khăn gói về quê sinh sống. Sau gần 10 năm trôi qua, bà Ng. lại quyết định mang đơn đi kiện nhưng thời hạn yêu cầu đòi quyền thừa kế đã hết, phần thắng lại tuột khỏi tầm tay. Bà Ng. đành ngậm ngùi khi mọi công sức của mình cùng người chồng quá cố đều đổ sông đổ biển.

Tham gia bào chữa cho người nghèo đã nhiều năm, luật sư Lê Minh Luân, Văn phòng Luật sư Nam Phong Bình Dương, cho biết: “Người nghèo khi tham gia khởi kiện nhưng không tìm hiểu rõ các bước khởi kiện nên phải đi lại nhiều lần, mất thời gian, công sức, tiền bạc. Hơn nữa, họ thường thiếu chứng cứ quan trọng liên quan tới vấn đề muốn kiện, trong khi thừa chứng cứ vụn vặt nên trước Hội đồng xét xử họ thường lúng túng. Đưa sai yêu cầu nên không hài lòng với kết quả tòa đã tuyên mà cứ mang đơn đi kiện hết cấp sơ thẩm, phúc thẩm tới tối cao mà cũng không mang lại hiệu quả.

Thực tế trong những năm gần đây, Sở Tư pháp, TTTGPL luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền TGPL lưu động tới hộ nghèo, bà con vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật. Từ khi tiêu chí mới về hộ nghèo được tỉnh áp dụng thì số hộ nghèo cũng tăng lên. Bên cạnh một số luật sư tích cực tham gia công tác TGPL thì việc tự nguyện bào chữa cho người nghèo của các luật sư còn quá mỏng.

Chỗ dựa của người nghèo

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Lê Thị Hồng Nhung, Phó Giám đốc TTTGPL Nhà nước tỉnh, cho biết: “Hiện nay, nhu cầu TGPL của người nghèo liên tục tăng nhanh trong khi số lượng luật sư tham gia cộng tác viên cho trung tâm lại không đáp ứng nhu cầu khiến quyền lợi của người nghèo chưa được thực thi, một số vụ việc yêu cầu trợ giúp còn tồn đọng, mặc dù các thành viên của trung tâm đã cố gắng. Hiện trung tâm đang vận động, khuyến khích các luật sư tham gia tố tụng, bào chữa để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người nghèo, thể hiện sự công bằng của pháp luật và giúp luật đi vào cuộc sống”.

Điển hình như vụ việc của bà Phan Thị Ánh T., ở Phú An, TX.Bến Cát là đối tượng nghèo được trung tâm cử luật sư bảo vệ quyền lợi trong việc kiện đòi tài sản. Theo tổng chi, gia đình bà T. có 4 anh chị em. Khi còn sống cha mẹ bà đã tạo dựng được phần đất có diện tích 8.600m2. Năm 1994, gia đình bà chuyển nhượng cho ông Hoàng Khắc L. một phần diện tích đất. Bốn năm sau cha mẹ bà qua đời không kịp để lại di chúc cho các con. Đến năm 1999, người con thứ ba và người em út chuyển phần đất còn lại cho ông Th., ngụ ấp 4, xã Tân Hưng. Sau khi chuyển nhượng, người em út bỏ nhà ra đi. Năm 2001, ông Th. chuyển nhượng lại phần đất này cho ông Đ. Tiếp sau, ông Đ. lại chuyển cho ông Th., rồi trồng thêm 50 cây cao su và xây dựng tường rào, được UBND TX.Bến Cát cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bà T. làm đơn khiếu nại và khởi kiện ông Th. Được sự tham gia tư vấn TGPL của trung tâm, Hội đồng xét xử đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà T., buộc ông Th. trả lại phần đất cho gia đình bà T. và bà T. phải bồi thường số tiền tương ứng với giá trị cây cao su và hàng rào mà ông Th. đã xây dựng trên đất của bà.

“Thông qua những buổi TGPL lưu động, trình độ nhận thức pháp luật của người dân không chỉ được nâng lên mà còn gắn kết tình làng nghĩa xóm, giảm thiểu khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. Đạt được kết quả trên là sự nỗ lực phấn đấu của cả tập thể TTTGPL tỉnh trên hành trình giúp người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản”, bà Lê Thị Hồng Nhung, Phó Giám đốc TTTGPL Nhà nước tỉnh cho biết.

KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên