Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Cập nhật: 03-01-2018 | 08:56:59

Thông tư số 27/2017/TT-BCT của Bộ Công thương, có hiệu lực từ ngày 6-12-2017, đã “cởi trói” cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, tạo cơ hội cho DN Việt Nam tham gia dự án thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Việc tự C/O giúp DN được “quyền” tự khai trên hóa đơn thương mại của chính mình, thay cho C/O mẫu D từ cơ quan chức năng cấp như trước đây.

 Theo các chuyên gia, Thông tư số 27/2017/TT-BCT của Bộ Công thương đã tạo cơ hội cho DN Việt Nam tham gia dự án thí điểm tự chứng nhận C/O. Trong ảnh: Các doanh nghiệp tham gia Hội chợ ngành gỗ 2017 tại Bình Dương. Ảnh: TIÊU MY

 “Cởi trói” cho DN vừa và nhỏ

Cơ chế tự chứng nhận C/O sẽ giúp DN xuất khẩu giảm thời gian xin cấp C/O truyền thống, chủ động trong việc phát hành hóa đơn thương mại có nội dung khai báo xuất xứ, tạo thuận lợi trong hoạt động kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa và đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí giao dịch. Cơ chế tự chứng nhận C/O cũng giúp DN nắm bắt cam kết về quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), qua đó tận dụng tối đa lợi ích cắt giảm thuế quan. Đây cũng là cơ hội để DN trong nước làm quen với xu hướng mới trong các FTA, qua đó có kinh nghiệm thực tế, tận dụng tối đa cơ hội từ hội nhập. Trên thực tế, không ít DN trong nước cũng còn rất mơ hồ thông tin các nội dung về tự chứng nhận xuất xứ, trong khi đó các DN nước ngoài, đặc biệt là từ các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã rất quen thuộc.

Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 27/2017/TT-BCT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2015/TT-BCT ngày 20-8-2015 của Bộ Công thương quy định việc thực hiện thí điểm tự chứng nhận C/O trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Nội dung chính của Thông tư số 27/2017/TT-BCT tập trung vào việc tháo gỡ một số quy định chưa phù hợp của Thông tư số 28/2015/TT-BCT nói trên, thay bằng những quy định thuận lợi hơn.

Có hai điểm đáng chú ý trong Thông tư số 27/2017/TT-BCT là Bộ Công thương đã bãi bỏ tiêu chí về “kim ngạch xuất khẩu đi ASEAN được cấp C/O mẫu D năm trước liền kề đạt tối thiểu 10 triệu USD” quy định tại khoản 3, Điều 4 của Thông tư số 28/2015/TT-BCT và thay bằng tiêu chí “là DN nhỏ và vừa trở lên”. Cùng với đó, nhằm phòng ngừa rủi ro vi phạm xuất xứ khi thực hiện thí điểm tự chứng nhận C/O, Thông tư số 27/2017/TT-BCT cũng bổ sung khoản 6, Điều 7 của Thông tư số 28/2015/TT-BCT như sau: Thương nhân được lựa chọn không được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với những lô hàng do cơ quan hải quan phân loại vào luồng vàng hoặc luồng đỏ.

Trước đây, theo Thông tư 28/2015/TT-BCT quy định DN phải có kim ngạch xuất khẩu đi thị trường ASEAN được cấp C/O mẫu D năm trước liền kề đạt tối thiểu 10 triệu đô la Mỹ mới thực hiện thí điểm tự chứng nhận C/O. Tiêu chí này được xem là thách thức, rào cản lớn đối với nhiều DN sản xuất trong nước, khiến DN mất cơ hội tự chứng nhận C/O trong thời gian qua. Trên thực tế, ASEAN vốn không phải là thị trường xuất khẩu chính lâu nay của DN Việt Nam, nên việc kim ngạch xuất khẩu cao hơn 10 triệu đô la Mỹ/năm ở thị trường các thành viên ASEAN là điều khiến các DN mất cơ hội tự chứng nhân C/O.

Theo các chuyên gia, Thông tư số 27/2017/TT-BCT của Bộ Công thương đã “cởi trói” cho các doanh nghiệp DN nhỏ và vừa, tạo cơ hội cho DN Việt Nam tham gia dự án thí điểm tự chứng nhận C/O. Việc tự chứng nhận C/O giúp DN được “quyền” tự khai trên hóa đơn thương mại của chính mình, thay cho chứng nhận C/O mẫu D từ cơ quan chức năng cấp như trước đây. Phía cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiết kiệm nhân lực, chi phí quản lý và vận hành. Trong trường hợp phát hiện có gian lận trong C/O, cơ quan quản lý sẽ dễ truy cứu trách nhiệm hoặc rút giấy phép hoạt động của nhà xuất nhập khẩu và truy thu theo quy định.

DN cần chủ động

Theo quy định, để được lựa chọn tham gia chương trình thí điểm tự chứng nhận C/O, DN phải đáp ứng đủ các tiêu chí là nhà sản xuất, đồng thời là nhà xuất khẩu hàng hóa do chính thương nhân sản xuất, không vi phạm quy định về xuất xứ trong 2 năm gần nhất (tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký). Ngoài ra, DN phải có cán bộ được đào tạo, được cấp chứng nhận hoặc chứng chỉ về C/O do đơn vị đào tạo được Bộ Công thương chỉ định cấp.

Tuy vậy, không ít DN sản xuất tại Bình Dương cũng tỏ ra băn khoăn, khi cho biết họ sẽ đối mặt với rủi ro nếu việc công bố thông tin tự chứng nhận sai, không đúng sự thật, dẫn đến khả năng cơ quan hải quan các nước nhập khẩu có thể trả hàng, từ chối nhập khẩu hoặc bị phạt nặng. Bên cạnh đó, các DN đã quen với việc tuân thủ từ những quy định của các cơ quan cấp bộ, ngành đưa ra, chứ chưa bao giờ tự mình đưa ra các quy định cho bản thân.

Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hội Cơ điện Bình Dương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai - công ty có xuất khẩu sản phẩm sang thị trường ASEAN, cho rằng quyết định của Bộ Công thương là một tin vui đối với DN. Tuy nhiên, điều ông lo ngại là nếu các DN không thực hiện đúng như cam kết đối với sản phẩm của mình sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu chung, không phải đối với một DN mà là cả cộng đồng DN Việt Nam. Ông bày tỏ mong muốn các DN cần làm đúng theo quy định để bảo vệ thương hiệu của mình.

Nhiều chuyên gia cho rằng, động thái thí điểm tự chứng nhận C/O chính là bước “tập dượt” quan trọng cho các DN muốn khơi thông xuất khẩu khi các hiệp định thương mại có hiệu lực. Điều đó đòi hỏi các DN xuất khẩu phải nắm rõ được “quyền” chủ động tự chứng nhận C/O của mình và sớm tận dụng được nó.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên